Giá vàng hôm nay 11/3 bớt nóng sau khi mất hơn 70 USD và lạm phát ở Mỹ lại đạt mức cao mới trong 40 năm vào tháng 2, tăng lên 7,9% . (Nguồn: Coinweek) |
Giá vànghôm nay 11/3:
Giá vàng SJC đã quay đầu lấy lại xu hướng tăng trong chiều qua (10/3) với phiên tăng mạnh từ 350.000 đồng/lượng đến 1,5 triệu đồng/lượng so với xu hướng giảm trong buổi sáng. Trong đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn tăng mạnh nhất khi giá vàng SJC đồng loạt tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với buổi sáng.
Tập đoàn Doji ghi nhận sự điều chỉnh ít hơn, giá vàng SJC tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng nhiều hơn ở chiều bán ra là 1,4 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý và hệ thống PNJ cùng điều chỉnh giá vàng SJC tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều mua vào tăng 500.000 đồng/lượng tại hệ thống PNJ nhưng tăng tới 1,3 triệu đồng/lượng tại Tập đoàn Phú Quý.
Giá vàng SJC có sự điều chỉnh ít nhất tại Bảo Tín Minh Châu, khi lần lượt tăng chỉ 500.000 và 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra.
Trước đó, trong phiên buổi sáng, giá vàng SJC liên tục lao dốc thẳng đứng, với mức giảm lên tới 3,5 triệu đồng/lượng. So với mức đỉnh đạt được trong đợt giá vàng biến động lần này, người mua đã lỗ hơn 7 triệu đồng/lượng chỉ sau 3 ngày.
Phân tích những biến động mạnh của giá vàng SJC những ngày qua, các chuyên gia nhận định, vàng trong nước biến động rất mạnh nhưng không bị chi phối nhiều bởi giá vàng thế giới. Bằng chứng là, có những thời điểm giá vàng thế giới chỉ tăng vài chục USD/ounce nhưng giá trong nước lại tăng tới 6 - 7 triệu đồng/lượng. Ngược lại, lúc giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt mốc 2.050 USD/ounce, giá trong nước lại giảm 3 - 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng trong nước hiện nay không đi cùng nhịp với giá thế giới mà bị tác động chính bởi tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt tâm lý mua vàng tích trữ do lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine và có yếu tố phòng thủ của các công ty kinh doanh kim loại quý. Bởi vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân nên thận trọng giao dịch vàng vì giá kim loại quý liên tục biến động. Trước khi ra quyết định mua bán vàng, mọi người cần cân nhắc kỹ, tránh chạy theo tâm lý đám đông.
Tin giá vàng mới nhất: Giá vàng SJC tăng nhẹ trở lại Phiên mở cửa sáng 11/3, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,90 - 69,70 triệu đồng/lượng, cùng tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày 10/3. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 1,8 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 67,30 – 69,80 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên chiều qua. Chênh lệch giá mua và bán giãn rộng tới 2,5 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.995 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank sáng 11/3 là 1 USD = 230.000 VND, giá vàng thế giới tương đương 55,28 triệu đồng/lượng, thấp hơn 14,42 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra sáng 11/3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD áp dụng cho ngày 11/3 là 23.164 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.050 VND/USD. |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,80 – 69,62 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 67,00 – 69,50 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,50 – 69,50 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,50 – 69,50 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,60 – 70,00 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,59 – 56,99 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 55,05 – 56,85 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất
Thị trường vàng có vẻ bớt nóng sau khi mất hơn 70 USD và lạm phát ở Mỹ lại đạt mức cao mới trong 40 năm vào tháng 2, tăng tốc lên 7,9% so với một năm trước đó. Biên động dao động của giá vàng hẹp đi đáng kể, giao dịch quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce. Việc bán tháo diễn ra đồng thời với giá dầu giảm mạnh 10% và các tài sản rủi ro, chẳng hạn như cổ phiếu và tiền điện tử tăng mạnh.
Ghi nhận của TG&VN vào 3h05 ngày 11/3 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn điện tử Kitco giao dịch tại 1.998 USD/ounce, tăng 5,2 USD (0,26%) so với chốt phiên liền trước. Trong một phản ứng tức thì với dữ liệu, vàng đã tăng lên mức cao hàng ngày nhưng không thể giữ được đà tăng và giảm xuống với giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex giao dịch cuối cùng ở mức 2,002,40 USD, tăng 0,69% trong ngày.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của nền kinh tế Mỹ tăng lên 7,9% thay vì 7,5% của tháng Giêng - phù hợp với kỳ vọng của thị trường với sự tăng vọt của giá năng lượng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và dự báo áp lực giá cả sẽ gia tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Lạm phát cơ bản, bao gồm cả chi phí thực phẩm và năng lượng dễ bay hơi, đã tăng lên 6,4%.
Dữ liệu lạm phát mới nhất này là căn cứ quyết định cuối cùng trước cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước cho biết, ông ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản bất chấp những bất ổn kinh tế xung quanh “hậu quả không mong muốn” của xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Dự báo giá vàng?
Thị trường vàng đã dậy sóng sau một năm đáng thất vọng. Và mặc dù địa chính trị là yếu tố kích hoạt ban đầu khiến giá cả tăng vọt, nhưng các nhà phân tích cho rằng, có thể vẫn còn nhiều biến động hơn thế nữa. Kim loại quý đã tăng 9,4% tính đến thời điểm hiện tại. Sự trở lại rất mạnh mẽ của vàng, đặc biệt là sau khi kết thúc năm 2021 giảm 3,6% - hiệu suất kém nhất kể từ năm 2015.
Sự bất ổn địa chính trị liên quan đến vấn đề Ukraine và các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga đã tạo ra nhu cầu vàng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư coi kim loại quý này như một hàng rào chống lại rủi ro, lạm phát và cú sốc kinh tế. "Giá vàng đang tăng vọt vào thời điểm này chủ yếu là do hoàn cảnh địa chính trị. Với sự gia tăng bất ổn kinh tế do xung đột Nga-Ukraine, các nhà đầu tư đang cảm thấy lo lắng và rút khỏi cổ phiếu, thay vào đó, họ đổ tiền vào nơi trú ẩn an toàn truyền thống là vàng", đồng sáng lập MarketOrders và COO Sukhi Jutla nhận định.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khác là thách thức mới về lạm phát, với việc các thị trường bắt đầu nghi ngờ khả năng kiểm soát lạm phát đang gia tăng nhanh chóng của các ngân hàng trung ương do các vấn đề nghiêm trọng của chuỗi cung ứng.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết, kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, chỉ riêng các quỹ ETF vàng đã chứng kiến 55 tấn vàng chảy vào, riêng ngày hôm qua hơn 14 tấn, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đưa ra cảnh báo rằng, các yếu tố kích hoạt địa chính trị là động lực tạm thời của vàng, với hầu hết lợi nhuận cuối cùng có thể bị từ bỏ. Và sau đó, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc chống Nga bắt đầu đè nặng lên lạm phát toàn cầu và triển vọng kinh tế, làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ.
Ngay cả Chủ tịch Fed Powell cũng thừa nhận, ông đang thận trọng theo dõi "hậu quả không mong muốn" của cuộc xung đột. Mối quan tâm lớn hiện nay là giá hàng hóa cao hơn, quan trọng nhất là mức độ tăng đột biến của giá hàng hóa đó sẽ dai dẳng như thế nào, đồng thời ông nêu rõ, bất kỳ cú sốc giá dầu dài hạn nào cũng có thể biến thành lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Đây là lúc vàng bắt đầu sáng trở lại do sự đan xen giữa lo ngại địa chính trị và lạm phát đình trệ.