📞

Giá vàng hôm nay 12/11/2024: Giá vàng giảm, phản ứng với 'làn sóng đỏ' hậu bầu cử Mỹ, Nga không ngừng tích trữ, trong nước thuận chiều

Hải An 06:06 | 12/11/2024
Giá vàng hôm nay 12/11/2024, Giá vàng giảm phiên thứ hai liên tiếp, chịu ảnh hưởng từ thị trường sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tỷ lệ dự trữ vàng của Nga cao kỷ lục trong 25 năm. Giá vàng trong nước thuận đà giảm.

TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 12/11TỶ GIÁ HÔM NAY 12/11


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 12/11/2024

Giá vàng trong nước sáng 11/11 giảm

Mở cửa giao dịch, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 82 - 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng/lượng ở bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 82 - 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng giảm, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC công bố giá vàng nhẫn ở mức 82 - 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều mua vào và giảm 300 nghìn đồng/lượng ở bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Giá vàng hôm nay 12/11/2024: Giá vàng giảm, phản ứng với 'làn sóng đỏ' hậu bầu cử Mỹ, trong nước thuận chiều, Nga không ngừng tích trữ. (Nguồn: Reuters)

Tổng hợp giá vàng tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại các thời điểm chốt phiên giao dịch chiều 12/11:

Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC: Vàng miếng SJC 81,9 – 85,4 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 81,8 – 84,3 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji: Vàng miếng SJC 81,9 – 85,4 triệu đồng/lượng; Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) 83,15 – 84,95 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ: Vàng miếng SJC 81,9 – 85,4 triệu đồng/lượng; Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9: 83,1 – 84,9 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý: Vàng miếng SJC 82,1 – 85,4 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9: 83,1 – 84,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại 82,1 – 85,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long niêm yết tại 83,08 – 84,93 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với phiên sáng 11/11, phiên chiều cùng ngày, giá vàng miếng và vàng nhẫn tại các doanh nghiệp có xu hướng giảm, trong đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra; trong khi giá vàng miếng giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, thông tin trên Kitco News, tính đến 18h45 giờ Việt Nam ngày 11/11, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 2.665,50 USD/ounce, giảm 19,2 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 11/11, 1 USD = 25.476 VND, giá vàng thế giới tương đương 81,81 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới giảm do đồng USD tăng

Giá vàng thế giới giảm phiên thứ hai liên tiếp vào thứ Hai (11/11), chịu ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh hơn và khẩu vị rủi ro tăng, vì thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ áp dụng cách tiếp cận thận trọng dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.662,59 USD/ounce tính đến 11h12 GMT. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,9% xuống 2.669,40 USD/ounce.

Ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades cho biết: “Giá vàng giảm chủ yếu do đồng USD mạnh hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và khẩu vị rủi ro tăng trên thị trường tài chính - một xu hướng đã tăng mạnh kể từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuần trước".

Chỉ số USD tăng 0,3% sau khi ghi nhận mức tăng hàng tuần vào tuần trước, khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi chỉ số S&P 500 đóng cửa vào thứ Sáu với mức tăng hàng tuần lớn nhất trong một năm.

Trong khi đó, vàng ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong hơn 5 tháng khi chiến thắng của ông Trump làm dấy lên triển vọng về mức thuế quan cao hơn, có thể khiến lãi suất tăng cao.

Chiến lược gia thị trường của IG Yeap Jun Rong cho biết: "Ông Trump trở thành tổng thống đắc cử của Mỹ đã trực tiếp dẫn đến một số kỳ vọng cắt giảm lãi suất vào năm 2025, với 'làn sóng đỏ' tiềm ẩn, có nghĩa là ít có sự phản kháng đối với các kế hoạch cắt giảm thuế và chi tiêu, cùng với lập trường của ông về việc áp dụng nhiều mức thuế quan hơn".

"Nhìn chung, điều đó có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Fed và chúng tôi có thể kỳ vọng ngân hàng này sẽ thận trọng hơn trong quá trình nới lỏng sắp tới. Điều này cho thấy áp lực tăng lên đối với lợi suất và đồng USD mạnh hơn, có thể hạn chế giá vàng", nhà phân tích nói.

Theo công cụ Fedwatch của CME, các nhà giao dịch hiện thấy có 65% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 12, so với khoảng 83% khả năng trước chiến thắng của ông Trump.

Một số quan chức của Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, dự kiến ​​sẽ phát biểu trong tuần này. Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất của Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần và số liệu bán lẻ cũng sẽ được công bố trong tuần này.

Trong phiên giao dịch chiều 11/11, giá vàng tại thị trường châu Á cũng đi xuống, ghi dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp.

Chuyên gia Yeap Jun Rong của công ty tài chính IG, nhận định vàng thường được coi là một nơi trú ẩn an toàn trước các rủi ro chính trị. Tuy nhiên, nếu cuộc bầu cử kết thúc nhanh chóng hơn dự kiến, một số nhà đầu tư có thể bán vàng ra trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, đà tăng của đồng USD cũng gây sức ép đối với giá vàng.

Phiên này, chỉ số đồng USD tiếp tục tăng sau khi tăng 0,6% trong tuần trước, chủ yếu là so với đồng Euro. Sự mạnh lên của đồng USD khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Chuyên gia Yeap cho rằng các nhà đầu tư có thể dự đoán về sự thận trọng của Fed trong việc cắt giảm lãi suất trong tương lai gần.

Dự trữ vàng của Nga đạt mốc lịch sử

Dự trữ vàng của Nga vượt quá 200 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử, tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc tế của quốc gia này hiện ở mức 32,9%.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ vàng của nước này đạt mức kỷ lục 207,7 tỷ USD vào tháng 10. Thành tựu này diễn ra sau thông báo gần đây của Bộ Tài chính Nga về việc tăng lượng tiền tệ và vàng mua vào hằng ngày thêm 35,5%.

Sự gia tăng lượng vàng nắm giữ đã đẩy tỷ lệ kim loại quý trong dự trữ quốc tế của Nga lên 32,9%, tăng từ mức 31,5% vào tháng 9. Đây là tỷ lệ vàng cao nhất trong dự trữ của quốc gia này kể từ tháng 11/1999, khi đó ở mức 34%.

Phân bổ vàng hiện tại thể hiện sự thay đổi đáng kể so với tháng 6/2007, khi vàng chỉ chiếm 2,1% dự trữ - mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại của Nga. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt đến mức cao nhất mọi thời đại là 56,9% được ghi nhận vào ngày 1/1/1993.

Việc dự trữ vàng phù hợp với chiến lược tài chính rộng hơn của Nga. Trước đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng lượng tiền tệ và vàng mua vào hàng ngày lên 4,2 tỷ Ruble để củng cố vị thế tài chính của đất nước.

(theo Kitco News, Reuters, J Post)