📞

Giá vàng hôm nay 13/3: Cuộc giằng co trụ hạng, gói kích thích 1.900 tỷ USD dập tắt hào quang của vàng?

Minh Anh 07:12 | 13/03/2021
TGVN. Rời mức đỉnh của một tuần, giá vàng lại vào cuộc giằng co mới với đủ thông tin xuôi và trái chiều. Giá vàng thế giới lại đang lao dốc, mốc 1.700 USD lại lung lay. Vàng SJC trong nước lại về quanh mốc 'an toàn' 55,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng được dự báo có thể chỉ giao động quanh mức thấp 1.680 USD/ounce trong ngắn hạn. (Nguồn: Forbes)

Cập nhật giá vàng hôm nay

Ở mức đỉnh của 1 tuần - mức cao nhất kể từ ngày 3/3 là 1.739,63 USD/ounce trong thời gian khá ngắn ngủi, giá vàng thế giới lại nhanh chóng 'lạc trôi', sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng nhờ số liệu về tình hình thất nghiệp tại nước này lạc quan hơn mong đợi.

Theo đó, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn Kitco lại lao dốc, giảm 21,9 USD (1,27%) xuống 1.701,2 - 1.702,2 USD/ounce vào lúc 14h50 ngày 12/3 (theo giờ Việt Nam). Mức hỗ trợ 1.700 USD có nguy cơ bị thủng. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó ít giờ, giá lại đảo chiều bật tăng mạnh, kết thúc tuần bằng phiên tăng, đóng cửa tại 1727.9 - 1728.9 USD/ounce.

Cập nhật giá vàng hôm nay 13/3, giá vàng SJC tăng theo đà tăng của thế giới

Mở phiên giao dịch buổi sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở 55,35 - 55,85 triệu đồng/lượng (bán ra), tại TP. Hồ Chí Minh, tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 12/3. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua được nới rộng hơn lên 500.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu điều chỉnh tăng giá vàng SJC lên 55,39 - 55,77 triệu đồng/lượng, tăng 140.000 đồng ở chiều bán ra và 170.000 đồng ở chiều mua vào so với phiên đóng cửa tối qua. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng tăng mạnh, hiện niêm yết ở 51,81 - 52,46 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,15 - 52,25 triệu đồng/lượng.

Vào cuối phiên ngày 12/3, theo đà giảm của thế giới, giá vàng SJC tiếp đà giảm của đầu phiên, giảm thêm vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cách biệt khá xa so với giá vàng thế giới, hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 7,5 triệu đồng/lượng (tính quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23.140 VND)

Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm, niêm yết giá vàng SJC tại 55,20 - 55,60 (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên mở cửa buổi sáng. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC tại hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng giảm theo xu hướng chung, hiện niêm yết tại 55,25 - 55,59 triệu đồng/lượng, giảm 170.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 180.000 ở chiều bán ra, so với phiên mở cửa sáng cùng ngày. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng đang trong xu hướng giảm, hiện niêm yết ở 51,66 - 52,31 triệu đồng/lượng.

Tại sao vị thế của vàng bị đe dọa?

Giới đầu tư vừa đón nhận thông tin gói cứu trợ kinh tế lớn nhất lịch sử kinh tế Mỹ đã được Tổng thống Biden ký thành luật vào rạng sáng ngày 12/3. Tổng thống Mỹ cũng cho biết đang nỗ lực để đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine Covid-19, cũng như đưa quốc gia này tiến gần tới mức bình thường vào ngày 4/7. Luật này được kỳ vọng sẽ giúp tạo thêm động lực cho đà phục hồi kinh tế Mỹ, song cũng nâng cao dự đoán về lạm phát.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng nhẹ trở lại trong phiên này. Diễn biến đó đã giúp ổn định đồng USD và đang lấy đi một phần “hào quang” từ vàng. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,48% lên 91,86. Bởi thế, giá vàng được thị trường dự báo có thể chỉ dao động quanh mức thấp 1.680 USD/ounce trong ngắn hạn. Và môi trường lợi suất tăng cao hơn có thể chặn một đợt phục hồi đáng kể của kim loại quý này.

Một số chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, vàng nhiều khả năng dao động trong phạm vi 1.700-1.800 USD/ounce khi thị trường cố gắng tìm điểm cân bằng về lợi suất. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi thêm thông tin mới nhất từ cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dự kiến diễn ra vào tuần tới để biết rõ hơn về định hướng chính sách tiền tệ.

Trên thực tế, báo cáo mới nhất cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng vào tuần trước. Thông tin tốt hơn mong đợi này đã nâng lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên trên 1,5%, trong khi chỉ số đồng USD rời khỏi mức thấp nhất trong một tuần.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde mới đây cũng thông báo, ECB giữ nguyên lãi suất, đồng thời đưa ra dự báo, năm 2021 kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro tăng trưởng 4%, tốt hơn so với dự báo trước là 3,9%.

Các thông tin khả quan từ các nền kinh tế lớn càng khiến thị trường tin tưởng kinh tế thế giới sớm hồi phục. Theo đó, giới đầu tư tài chính có xu hướng giảm nhu cầu trú ẩn vào vàng, dồn vốn vào cổ phiếu và các kênh đầu tư tài chính khác... khiến vàng bị lu mờ, nhu cầu sở hữu vàng giảm rõ rệt.

Trong khi đó, theo Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals, lợi suất trái phiếu tăng trong những tuần gần đây do thị trường lo lắng về khả năng lạm phát phi mã, giữa lúc các nền kinh tế lớn trên thế giới đã mở rộng chính sách hỗ trợ kinh tế trong năm qua, nhằm vượt qua những khó khăn chưa từng có bởi đại dịch Covid-19.

Vì vậy, lâu nay vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, đặc biệt từ các biện pháp kích thích quy mô lớn. Thông thường, khi các gói kích thích kinh tế lớn được tung ra, vàng sẽ có xu hướng tăng giá do nhu cầu tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn" tăng lên. Tuy nhiên, vị thế đó đã bị đe dọa trong năm nay khi lợi suất trái phiếu cao hơn, chuyển thành chi phí cơ hội cao hơn khi nắm giữ vàng, thậm chí không ít nhà đầu tư đã quyết định bán vàng, mua trái phiếu.

Mỹ bơm tiền, lạm phát "xuất khẩu" ra thế giới

Như vậy, tính cả gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành, tới nay tổng số tiền mà Mỹ tung ra để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế đã lên tới 5.000 tỷ USD, nhiều hơn cả lượng tiền tiêu tốn trong bất kỳ cuộc chiến tranh thế giới nào.

Người ta đánh giá rằng, nếu không phải Mỹ, khó có một quốc gia khác có thể chi ra một lượng tiền khổng lồ như vậy mà không phá sản, nhưng vì Mỹ bơm tiền, lạm phát được "xuất khẩu" ra khắp thế giới.

Với vị thế số 1, USD là công cụ giao dịch của cả thế giới, mua bán dầu mỏ, thanh toán trao đổi hàng hóa xuyên biên giới… Cũng nhờ vị thế này, Mỹ có thể tương đối thoải mái phát tiền cứu trợ, không lo thu nhập tài chính không đủ, thậm chí vấn đề lạm phát tăng cao cũng không quá đáng ngại.

Thực tế cũng cho thấy trong 20 năm qua, lượng cung tiền của Mỹ đã tăng khoảng 4 lần, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm. Trong khi đó, lạm phát của nước này hơn 10 năm qua vẫn duy trì ổn định dưới 4% và thường xuyên nằm dưới mục tiêu 2% kể từ năm 2012 đến nay. Quan điểm và thực tế nêu trên kết hợp với mục tiêu cứu giúp người dân và phục hồi kinh tế đã luôn khiến hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mạnh dạn vung tiền cứu trợ.

Tuy nhiên, với các quốc gia khác, lạm phát lại trở thành rủi ro phải đối mặt. Bởi khi Mỹ bơm tiền sẽ gây áp lực giảm giá lên USD, khiến không ít quốc gia cũng phải tìm cách phá giá tiền tệ, nới lỏng chính sách để không bị thua thiệt.

Lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế ngày càng nhiều hơn sẽ khiến giá cả các loại hàng hóa leo thang. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng liên tục tăng giá mạnh mẽ, không chỉ vì lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế, mà còn do lượng vốn đầu tư nước ngoài sẽ góp phần đẩy giá các tài sản lên cao. Khi đó, áp lực lạm phát sẽ hình thành và ngày càng trở nên nguy hiểm nếu không sớm được kiểm soát.