📞

Giá vàng hôm nay 13/3, Giá vàng biến động dữ dội, vàng mất động lực từ khủng hoảng Ukraine, SJC vẫn ngược chiều

Hải An 05:00 | 13/03/2022
Giá vàng hôm nay 13/3 chốt hạ tuần biến động mạnh ở dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Động lực đi lên của giá vàng đến từ cuộc khủng hoảng Ukraine đã yếu đi nhanh chóng. Có nên đặt cược vào giá vàng trong bối cảnh thị trường hàng hóa đang hỗn loạn và gây ra mối đe dọa lạm phát?
Giá vàng hôm nay 13/3, Giá vàng biến động dữ dội, vàng mất động lực từ khủng hoảng Ukraine. (Nguồn: Financial Times)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 13/3

Chốt phiên cuối tuần 12/3, giá vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết trong khoảng 67,6- 69,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Như vậy, so với đỉnh mức 74,4 triệu đồng/lượng vào ngày 8/3, giá vàng đã giảm 5 triệu đồng/lượng. Tuần qua, giá vàng trong nước đã nhiều phiên biến động dữ dội.

Đáng chú ý, khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC được giữ ở mức 1,8 triệu đồng/lượng, gấp 3 lần so với mức trung bình các tuần trước, là khoảng cách cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần 11/3 giảm, nhưng tăng trong cả tuần, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đàm phán về xung đột tại Ukraine có tiến triển và động thái của Mỹ trong việc hủy bỏ quy chế tối huệ quốc dành cho Nga đã khiến vàng tăng sức hấp dẫn.

Theo đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ), Stephen Innes, động lực đi lên của giá vàng đến từ rủi ro địa chính trị đã yếu đi nhanh chóng.

Tuy nhiên, điều chưa rõ vào thời điểm này là về tác động dài hạn của việc giá hàng hóa tăng, khi các lệnh trừng phạt Nga có thể khiến các chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn.

Giá vàng đã có được động lực sau tin Mỹ và các đối tác sẽ hủy bỏ quy chế tối huệ quốc dành cho Nga, một động thái sẽ khiến thuế quan đánh vào hàng hóa của Nga tăng.

Trong phiên cuối tuần, giá vàng giao tháng Tư giảm 15,40 USD, hay 0,8%, xuống 1.985 USD/ounce.

Trước đó, giá vàng thế giới phiên 10/3 vẫn giao dịch gần mức 2.000 USD/ounce sau những biến động lớn trong vài phiên trước, chủ yếu do sức hút là nơi trú ẩn an toàn của kim loại quý này được hỗ trợ bởi cuộc đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine không đạt tiến triển.

Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.996,30 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,6% lên 2.000,40 USD/ounce.

Trong phiên 9/3, giá vàng giảm hơn 3% do giá dầu giảm giúp các tài sản rủi ro phục hồi. Giá vàng giao ngay giảm 3,3% xuống 1.983,96 USD/ounce, trong khi giá vàng Mỹ kỳ hạn giảm 2,7% và được giao dịch ở mức 1.988,20 USD/ounce.

Trong phiên 8/3, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York tăng do các nhà đầu tư chuyển sang bảo toàn tài sản trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 4/2022 tăng 47,4 USD (2,37%), đóng cửa ở mức 2.043,3 USD/ounce. Đây là lần đầu tiên giá vàng vượt mốc 2.000 USD/ounce kể từ tháng 8/2020.

Trước đó, vàng thế giới vững giá ở gần ngưỡng tâm lý 2.000 USD/ounce trong phiên 7/3 nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ.

Giá vàng giao ngay có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/8/2020 là 2.002,31 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,5% và đóng phiên ở mức 1.995,90 USD/ounce.

Theo công ty phần mềm và dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ), trong cả tuần này, giá vàng tăng 0,9%.

Theo ghi nhận của TG&VN, chốt phiên giao dịch tuần này, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.991,1 - 1.992,1 USD/ounce.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 12/3, 1 USD = 23.010 VND, giá vàng thế giới tương đương 55,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 13,5 triệu đồng/lượng.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 12/3:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,6 – 69,4 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,2 – 69,3 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,4 – 69,3 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,5 – 70,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,3 – 69,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,64 – 59,09 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 55,1 – 56,9 triệu đồng/lượng.

Có nên kỳ vọng mức giá cao nhất mọi thời đại?

Chuyên gia Neils Christensen bình luận trên Kitco News: “Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã đi qua hơn hai tuần và cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp tục gia tăng. Hơn 2 triệu người đã phải rời Ukraine sang tị nạn tại các nước châu Âu.

Trước hết, chiến dịch mà Tổng thống Nga Putin đang tiến hành ở Đông Âu là một sự kiện chưa từng có mà toàn thế giới đang phải trải qua. Và vẫn chưa ai biết được tương lai của chiến dịch này sẽ như thế nào trong những ngày tới.

Với tất cả sự không chắc chắn này, có gì ngạc nhiên khi giá vàng đã đẩy lên mức cao nhất mọi thời đại mới, vượt mốc 2.000 USD/ounce? Trong khi giá dự kiến ​​sẽ củng cố ở mức hiện tại, nhiều nhà phân tích cho rằng vàng vẫn trong xu hướng tăng rất mạnh trong tương lai gần. Việc vàng tiếp tục tăng cao hơn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuần qua, tôi đã suy nghĩ về những bình luận trước đây của một số nhà phân tích, họ cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ không nên hy vọng giá vàng cao hơn và có vẻ như những dự đoán đó đang trở thành sự thật.

Khi giá vàng giao dịch gần 2.000 USD/ounce, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, lạm phát có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát, tăng trưởng kinh tế giảm. Mặc dù nắm giữ vàng giúp phòng tránh những rủi ro này, nhưng đây không phải là môi trường tuyệt vời cho bất kỳ ai.

Thứ Năm vừa qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát đình trệ ngày càng tăng và hạ thấp dự báo tăng trưởng. Đồng thời, tại Mỹ, thị trường chứng kiến ​​giá tiêu dùng hằng năm tăng 7,9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm.

Giá tiêu dùng đang được thúc đẩy bởi một cuộc “biểu tình” bất thường trên diện rộng của giá tất cả các loại hàng hóa. Dầu đã tăng cao trên 100 USD/thùng trong tuần này, chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, giá lúa mì đang giao dịch ở mức cao nhất trong 14 năm.

Tôi muốn đề cập rằng giá niken cũng đang giao dịch gần mức cao kỷ lục, nhưng sự biến động lớn trên thị trường đã làm ngừng giao dịch kim loại cơ bản trên toàn thế giới. Điểm mấu chốt là thị trường hàng hóa đang hỗn loạn và sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa lạm phát.

Sáng thứ Sáu, một báo cáo từ Đại học Michigan cho biết lạm phát dự kiến sẽ tăng 5,4% trong vòng một năm tới, tăng mạnh so với ước tính trước đó là 4,9%. Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine này càng kéo dài thì điều kiện kinh tế càng trở nên khó khăn, thách thức hơn.

Đối với một số nhà phân tích, khi giá vàng tăng lên trên 2.000 USD, họ hiện đang theo dõi mục tiêu mới là 3.000 USD/ounce, đại diện cho mức cao nhất mọi thời đại được điều chỉnh theo lạm phát, được thiết lập vào những năm 1980, lần cuối cùng lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.

Sự khác biệt đáng kể nhất giữa hiện nay và 40 năm trước là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ít dư địa hơn rất nhiều để "chống lại lạm phát".

Bart Melek, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Anna Golubova của Kitco về các thị trường “can đảm”: "Sự thắt chặt của Fed sẽ không đủ để khiến lãi suất thực tế tăng mạnh. Và do đó, vàng sẽ tăng cao hơn”.

(theo Kitco News, Reuters)