Giá vàng hôm nay 1/4 giằng co để bảo vệ xu hướng tăng trở lại, tiến gần hơn tới ngưỡng hỗ trợ 1.950 USD/ounce. (Nguồn: Bloomberg) |
Giá vànghôm nay 1/4:
Mở cửa ngày giao dịch cuối cùng của tháng 3, giá vàng SJC chỉ điều chỉnh nhẹ, tính trong cả ngày tăng trong khoảng 50.000 - 200.000 đồng/lượng theo từng hệ thống kinh doanh. Trong đó, hệ thống Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh mạnh nhất, khi tăng 110.000 đồng/lượng ở chiều mua và và 200.000 đồng/lượng theo chiều bán.
Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ có mức điều chỉnh nhẹ hơn trong ngày hôm qua (31/3), khi giá vàng SJC cùng giữ nguyên ở chiều mua vào, còn chiều bán ra tăng 100.000 đồng/lượng tại Tập đoàn Doji và tăng 50.000 đồng/lượng tại hệ thống PNJ.
Tập đoàn Phú Quý vào cuối phiên tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, còn chiều bán ra không thay đổi. Riêng giá vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn đứng yên ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên buổi sáng.
Tin giá vàng mới nhất: Giá vàng SJC trở lại ngưỡng 69 triệu đồng/lượng Mở cửa phiên giao dịch ngày 1/4, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại 68,30 - 69 triệu đồng/lượng, cùng tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 31/3. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 67,90 – 68,85 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá mua vào, nhưng tăng 100.000 đồng/lượng giá bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 31/3. Chênh lệch giá mua và bán đang là 950.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tiếp tục tăng. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank sáng 1/4: 1 USD = 22.980 VND, giá vàng thế giới tương đương 53,60 triệu đồng/lượng, thấp hơn 15,40 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD áp dụng cho ngày 1/4 là 23.095 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.050 VND/USD. |
Theo đánh giá của một nhà đầu tư lão luyện, từ đầu năm 2022 đến nay, đầu tư vàng SJC đang thu về những khoản lợi nhuận ổn hơn khi đầu tư chứng khoán lúc thị trường giao dịch khá lình xình như lúc này.
Cụ thể, tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 đến ngày 31/3, nhiều mã cổ phiếu vẫn chưa đưa nhà đầu tư "về bờ". Trong khi các nhà đầu tư vàng lại đang rủng rỉnh thu lợi nhuận. Đầu năm, giá vàng SJC mới đang ở mức 60,95 - 61,65 triệu đồng/ lượng (mua vào - bán ra). Nhưng tính đến chiều qua (31/3), giá vàng SJC đang giao dịch ở 68,05 - 68,85 triệu đồng/ lượng. Như vậy, nếu nắm giữ vàng từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ít nhất đã thu về khoản lợi nhuận 10,38%.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu các nhà đầu tư chốt bán ở đỉnh của các con sóng lớn thì lợi nhuận đầu tư vàng còn hơn thế. Chẳng hạn, nếu chốt trong đợt "sóng lớn" dịp 8/3 - với mức giá lên đến 74-74,4 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư có thể đạt suất sinh lời hơn 16%.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng (ngày 31/3), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,15 – 68,87 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 67,90 – 68,75 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,05 – 68,80 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,10 – 68,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,05 – 68,79 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,08 – 55,88 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,20 – 55,70 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất
Bước vào tháng 4, giá vàng thế giới giằng co tăng giảm trong biên độ hẹp trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng trước, "cố gắng" giữ xu hướng tăng giá, vàng đang hướng tới thiết lập mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ tháng 9/2020 giữa bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Ghi nhận của TG&VN, vào lúc 4h50 ngày 1/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco tại 1.937,2 USD/ounce, tăng 4,3 USD so với chốt phiên giao dịch liền trước. Hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex tháng 4 được giao dịch lần cuối ở mức 1.942 USD/ounce.
Ba yếu tố áp đảo, tác động chi phối thị trường kim loại quý hiện là: đồng USD yếu đi, nỗi lo lạm phát leo thang và hòa đàm Nga-Ukraine chưa có đột phá. Thị trường vàng đang được hỗ trợ đắc lực bởi lợi suất Kho bạc Mỹ giảm mạnh. Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế, nhưng việc Mỹ nâng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thật sự đã làm khó các nhà đầu tư.
Như nhận định của chuyên gia Michael McCarthy, Giám đốc chiến lược tại công ty môi giới tài chính Tiger Brokers (Australia), “Các nhà đầu tư vàng đang phải cân bằng giữa tiềm năng giá tăng thêm dựa vào rủi ro địa chính trị, lạm phát ở khắp nơi và triển vọng nguy hiểm của việc nắm giữ vàng với lãi suất tăng...”
Đối với thị trường vàng quốc tế, các nhà đầu tư vào kim loại quý này cũng đang ghi nhận mức lãi hơn 6% nếu nắm giữ vàng từ đầu năm đến nay. Tính đến hiện tại, giá vàng đã tăng khoảng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022 và tăng 0,7% trong tháng Ba. Đà tăng giá của thị trường vàng thế giới, ảnh hưởng phần lớn đến từ kỳ vọng lạm phát và nhu cầu tìm kiếm một kênh trú ẩn an toàn. Trong khi đó, nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn không sớm biến mất, bởi xung đột Nga-Ukraine đã trở thành điểm mấu chốt quan trọng, đang làm thay đổi cục diện địa chính trị, cũng như thị trường tài chính toàn cầu. Bởi vậy, giới đầu tư vẫn tỏ ra khá lạc quan với mức giá mục tiêu - 2.000 USD trong tương lai.
Một ngân hàng Nga đã bán ra 1 tấn vàng trong 1 tháng cho ai?
Một ngân hàng Nga cho biết, họ đã bán 1 tấn vàng cho người tiêu dùng Nga vào tháng 3 khi nhu cầu tăng cao, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế. Một trong những sản phẩm phổ biến nhất là thỏi vàng nặng 1 kg.
Ngân hàng VTB do nhà nước Nga kiểm soát, là ngân hàng cho vay lớn thứ hai của nước này, cho biết, nhu cầu cao hơn xuất hiện do tình hình địa chính trị bấp bênh. Các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga vì cuộc xung đột Nga- Ukraine đang làm tổn hại đến nền kinh tế và sức mua của đồng Ruble.
VTB cho biết thêm, sau khi bán 1 tấn vàng cho người tiêu dùng vào tháng 3, dự kiến, sự quan tâm đối với kim loại quý này vẫn tiếp tục gia tăng. Kể từ khi bắt đầu bán vàng cách đây 4 tuần, ngân hàng đã nhận được hơn 200 đơn đặt hàng, trong đó, sản phẩm được yêu cầu nhiều nhất là vàng miếng 1 kg. Theo niêm yết hiện tại, nó sẽ có giá hơn 68.000 USD.
Phó chủ tịch cấp cao của VTB, Dmitriy Breytenbikher cho biết, vàng cho phép các nhà đầu tư trong nước tự do đa dạng hóa và bảo vệ danh mục đầu tư của họ trong thời gian "gia tăng các yếu tố bất ổn". Vàng luôn là một công cụ phòng thủ, mang lại nhiều giá trị cho người giữ vàng ít nhất trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Trong tình huống mức độ không chắc chắn cao, tài sản này cho phép bạn đa dạng hóa danh mục đầu tư, cố định khoản tiết kiệm và bảo toàn vốn cho các thế hệ tương lai", Breytenbikher nói.
VTB không phải là ngân hàng duy nhất có doanh số vàng tăng đột biến. Hai tuần trước, Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, cho biết nhu cầu đối với vàng và paladi đã tăng gấp 4 lần trong vài tuần qua.