Giá vàng hôm nay 15/11 đã tiến gần hơn tới ngưỡng 1.900 USD, mở đầu giao dịch tuần này từ mức giá 1.864,9 USD/ounce. (Nguồn: Getty) |
Cập nhật giá vàng hôm nay 15/11
Giá vàng thế giới đang có những thay đổi mang tính đột phá. Nỗi lo về lạm phát Mỹ đã khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến vàng, đẩy giá kim loại quý tăng ngày thứ 6 liên tiếp - chuỗi thời gian tăng giá dài nhất tính từ ngày 20/5 và duy trì ở đỉnh 5 tháng.
Ba vấn đề trong tuần được cho là tính quyết định, tác động đến giá vàng, bao gồm: Tỷ lệ lạm phát của Mỹ cao nhất trong 31 năm, khi CPI tăng 6,2%; Các nhà đầu tư bị chao đảo bởi áp lực lạm phát nóng hơn trong tháng 10 của kinh tế Mỹ, kđẩy vàng bứt phá gần 40 USD; So với tiền điện tử, giá vàng vẫn là hàng rào lạm phát quá rẻ so với tiền điện tử.
Chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco tiếp tục chinh phục các mức giá mới, tiến gần hơn tới ngưỡng 1.900 USD, hiện đang nhích nhẹ 3 USD so với chốt phiên liền trước, giao dịch tại 1.864,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giao dịch ở mức 1.865,80 USD/ounce, tăng gần 2,7% trong tuần.
Trong khi đó, tại thị trường kim loại quý trong nước, theo đà thế giới, giá vàng SJC cũng có 6 phiên tăng liên tiếp, khép lại một tuần thăng hoa bằng phiên tăng 150.000 đồng trong ngày (14/11). Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) nâng giá mua vào lên 60,15 triệu đồng và bán ra 60,85 triệu đồng. Trong khi đó, các thương hiệu khác niêm yết giá mua 60,2 triệu đồng và bán ra 60,55 triệu đồng. Giá vàng không quay đầu giảm bất cứ phiên nào trong tuần, nhờ đó tích luỹ 2,1 triệu đồng mỗi lượng và gấp hơn bốn lần mức tăng của tuần trước đó.
Giá vàng SJC cập nhật tại các đơn vị kinh doanh lớn ở thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (12/11) như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,15 – 60,85 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 59,9 – 60,7 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 60,2 – 60,85 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,0 – 60,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 60,2 – 60,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,12 – 53,82 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,55 – 53,75 triệu đồng/lượng.
Lạm phát mới chỉ bắt đầu, giá vàng còn tăng mạnh?
Frank Holmes, Giám đốc điều hành kiêm đầu tư của US Global Investors nhận định, hãy trông đợi giá vàng còn tăng khi áp lực lạm phát còn tiếp tục gia tăng, trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu khởi sắc và tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Chỉ số giá tiêu dùng của kinh tế Mỹ tăng 6,2% vào tháng 10, đây là mức tăng lạm phát đáng kể nhất trong hơn 30 năm. Trên tính toán, lạm phát tồi tệ như vậy, nhưng người tiêu dùng biết rằng, nó còn tồi tệ hơn rất nhiều trong nền kinh tế thực. "Nếu bạn sử dụng thuật toán năm 1980, lạm phát sẽ ở mức 14%", Holmes chia sẻ. Vị chuyên gia này nói thêm rằng, giá vàng mới đang bắt đầu di chuyển vì nó là một tài sản vốn không được ưa chuộng và định giá thấp.
Trong khi đó, Chiến lược gia thuộc Citigroup dẫn đầu bởi chuyên gia Aakash Doshi phân tích, nếu giá vàng duy trì ở ngưỡng gần 1.850 USD/ounce trong tuần này, sẽ có thêm lực lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Ngưỡng 1.900 USD/ounce có thể là ngưỡng tiếp theo. "Nhưng việc USD tăng giá mạnh và Fed đưa ra biện pháp chính sách tiền tệ cứng rắn sẽ tạo ra lực cản với đà tăng giá của vàng, ngay cả nếu lạm phát cao", ông phân tích. Hiện chỉ số USD Index duy trì ở mức cao.
Thậm chí Frank Cholly, chiến lược gia cao cấp tại RJO Futures, cho rằng diễn biến của giá vàng gần đây cho thấy thị trường đang bắt đầu chấp nhận thực tế là lạm phát còn kéo dài. Giá vàng thế giới vì thế có thể bứt phá trong tuần này. Nếu vượt 1.875 USD thì kim loại quý này có thể kích hoạt đợt sóng mạnh để hướng đến mốc 2.000 USD/ounce. "Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn thấy giá vàng lên 2.000 USD vào cuối năm", ông Cholly nói.
Cùng quan điểm này, Giám đốc marketing của GoldCore David Russell, sự tăng giá của vàng chỉ mới ở giai đoạn ban đầu. Ông tin thị trường kim loại quý sẽ tạm chững lại trước khi ghi nhận biến động giá cao hơn. Theo phân tích của ông, kịch bản giá vàng tăng có thể xảy ra khi nào ngưỡng trung bình của 50 ngày gần nhất cao hơn mức trung bình của 200 ngày giao dịch.
Hiện tại, theo tính toán của FactSet, ngưỡng trung bình 50 ngày của giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 12 là 1.783,3 USD, còn ngưỡng trung bình 200 ngày của vàng cùng kỳ hạn là 1.795,7 USD.
Vàng - hàng rào lạm phát giá rẻ
Nicky Shiels, người đứng đầu chiến lược kim loại của MKS Pamp Group phân tích, “Có một sự thay đổi cơ bản từ suy nghĩ truyền thống (CPI mạnh = kế hoạch cắt giảm nhanh hơn của Fed = vàng thấp hơn) sang CPI mạnh = một số nỗi sợ hãi, không phải là chấp nhận lạm phát = vàng cao hơn.
Sự thay đổi này được hỗ trợ bởi hai động lực chính khác ngoài con số lạm phát tháng 10 nóng hơn dự kiến. Đầu tiên là thông báo cắt giảm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (fed) hiện đã không còn khả thi. Và điều thứ hai là, Fed tập trung vào việc đạt được toàn dụng lao động trong khi chờ đợi lạm phát giảm. “Powell đã đặt nặng vấn đề lao động và tỷ lệ tham gia, câu giờ nhưng phải trả giá bằng niềm tin vào họ (rủi ro do lỗi chính sách của Fed đang gia tăng)” bà Shiels phân tích. Bởi vậy, đây chỉ là bước khởi đầu của lạm phát thương mại đối với vàng, vốn đã được chờ đợi trong nhiều tháng qua.
Trên thực tế, so sánh với tiền điện tử (chẳng hạn Bitcoin), tuần qua, vàng còn khẳng định vai trò là một biện pháp bảo vệ tài sản giá rẻ, trước lạm phát. So với tài sản thay thế như Bitcoin, vàng trở thành hàng rào lạm phát rẻ, ít biến động hơn nhiều so với tiền điện tử.
Tuần qua, Bitcoin lại xác lập kỷ lục mới, lần đầu vượt 67.000 USD sau khi đồng tiền này tiến gần hơn tới vị thế chủ đạo được giao dịch chính thức trên Phố Wall. Theo tính toán của Bloomberg, giá bitcoin đã tăng 2,5% lên mức 67.778 USD/Bitcoin. Kỷ lục gần nhất mà Bitcoin đạt được là 65.778 USD/Bitcoin, xác lập ngày 20/10.