Cập nhật giá vàng hôm nay 2/8: Trong nước tăng mạnh, nới rộng khoảng cách với vàng thế giới
Mở cửa giao dịch, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,4 - 68,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,4 - 68,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trên thị trường thế giới, lúc 9h08’ ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mốc 1.778,4 USD/ounce.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 2/8, 1 USD = 23.500 VND, giá vàng thế giới tương đương 50,35 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 18,07 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay 2/8, Giá vàng ‘ì ạch’ leo dốc, nhà đầu tư sở hữu vàng Nga lâm thế tiến thoái lưỡng nan, vàng JSC bật tăng. (Nguồn: Reuters) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 2/8
Mở cửa phiên giao dịch 1/8, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 - 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,1 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên cuối tuần qua.
Trong khi đó, trên thị trường châu Á, giá vàng ổn định gần mức cao của 3 tuần trong phiên 1/8 nhờ đồng USD suy yếu, trong khi các nhà đầu tư cẩn trọng trước các số liệu kinh tế mà có thể xác định tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Khoảng 16h03’ theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.765,77 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 6/7 là 1.767,79 USD/ounce hôm 29/7. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đi ngang ở mức 1.782,50 USD/ounce.
Đồng USD giảm, khiến vàng rẻ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền tệ khác. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cao hơn đã hạn chế đà tăng của vàng.
Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h02’ ngày 1/8, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.772,6 - 1.7773,6 USD/ounce, tăng 6,1 USD/ounce so với phiên trước đó.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều 1/8:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,8 – 67,8 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,7 – 67,7 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,9 – 67,9 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,0 – 68,0 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,92 – 67,89 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,76 – 53,51 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,20 – 53,30 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với đầu giờ sáng 1/8, giá vàng SJC chốt phiên chiều cùng ngày đã tăng hơn 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Vàng tăng nhờ đồng USD giảm, các nhà giao dịch để ý dấu hiệu kinh tế
Giá vàng thế giới tăng vào phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần khi đồng USD giảm giá, trong khi nhà đầu tư chờ đợi các kết quả kinh tế có thể xác định tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.768,69 USD/ounce vào lúc 12h36 GMT, trong khi vàng giao sau của Mỹ tăng 0,5% lên 1.790,10 USD/ounce.
Chỉ số USD giảm 0,3%, khiến vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Han Tan, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Exinity cho biết, đồng USD mềm hơn sẽ giúp vàng dễ dàng ghi nhận mức tăng.
Tuần trước, kim loại quý này đã có bước nhảy vọt khi tăng 2,2%, ghi nhận hiệu suất tốt nhất kể từ tháng 3 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra một giọng điệu tương đối ít diều hâu hơn sau khi dự kiến tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
“(Tuy nhiên), phe bò đang chờ xem liệu mọi thứ có rõ ràng cho một chặng đường khác hay không. Giống như Fed, động thái tiếp theo của vàng có thể phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế”, nhà phân tích Han Tan nhận định.
Vàng, vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn, cũng đã tìm thấy một số hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế yếu gần đây, bao gồm sự suy giảm bất ngờ của nền kinh tế Mỹ trong quý thứ hai liên tiếp và hoạt động sản xuất của khu vực đồng Euro (Eurozone) chậm hơn.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết: “Vàng có thể được hưởng lợi từ các dòng tiền trú ẩn an toàn đổ vào nếu các quốc gia rơi vào suy thoái và các ngân hàng trung ương được lựa chọn giữa việc kiềm chế lạm phát hoặc tăng trưởng nền kinh tế”.
Báo cáo việc làm hằng tháng của Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần này cũng sẽ được xem xét chặt chẽ, nhất là về ảnh hưởng của nó đối với kế hoạch tăng lãi suất của Fed.
Nhà đầu tư sở hữu vàng Nga tiến thoái lưỡng nan
Một số nhà đầu tư muốn loại vàng Nga ra khỏi sổ sách của họ nhưng điều này không dễ.
Lệnh cấm trên thực tế đối với vàng của Nga sau chiến dịch quân sự của Moscow vào Ukraine không áp dụng đối với hàng trăm tấn vàng đã nằm trong kho dự trữ kể từ trước khi xung đột bắt đầu.
Theo các chủ ngân hàng và nhà đầu tư, các nhà quản lý quỹ đang tìm cách bán số kim loại quý này để tránh rủi ro về uy tín liên quan tới việc nắm giữ các tài sản có “dính líu” Nga trong danh mục đầu tư.
Christopher Mellor tại Invesco, quỹ có khoảng 265 tấn vàng, trong đó có 35 tấn được sản xuất tại Nga trị giá khoảng 2 tỷ USD, cho biết: “Tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà các nhà đầu tư phải đối mặt phản ánh sự gia tăng của Nga trong hoạt động buôn bán vàng miếng toàn cầu và thị trường London, nơi lượng kim loại quý trị giá khoảng 50 tỷ USD được trao tay hằng ngày trong các giao dịch tư nhân”.
Theo ba nhân viên cấp cao tại các ngân hàng kinh doanh vàng lớn, việc nhanh chóng bán vàng có nguồn gốc từ Nga có khả năng ảnh hưởng thị trường bởi có nguyên tắc rằng tất cả sản phẩm vàng trong hệ thống giao dịch London đều có thể hoán đổi cho nhau bất kể nguồn gốc của chúng.
Để củng cố thị trường, hai trong số các chủ ngân hàng nói với Reuters rằng họ đã liên lạc với khách hàng và các ngân hàng đối thủ để thông báo rằng họ sẽ không bán phá giá vàng Nga được đúc ở thời điểm trước xung đột.
Các nhân viên ngân hàng cho biết họ đã khuyên khách hàng và các nhà giao dịch khác rằng họ cũng nên làm như vậy.
Một người nói: "Tôi đã cố gắng gọi điện cho khách hàng. Tôi đã nói với họ, nếu bạn yêu cầu đổi kim loại quý xuất xứ Nga, bạn sẽ tự tạo ra rắc rối cho chính mình”.
Người này cho biết, điện thoại của mình liên tiếp nhận các cuộc gọi sau khi Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA), một cơ quan thương mại đặt ra các tiêu chuẩn thị trường, loại bỏ tất cả các nhà máy sản xuất của Nga khỏi danh sách được công nhận vào ngày 7/3, có nghĩa là các thỏi vàng mới đúc không còn có thể giao dịch ở London hoặc trên sàn giao dịch COMEX ở New York.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh, nơi vận hành kho vàng lớn nhất của Anh, cho biết họ coi vàng miếng của Nga được sản xuất trước thời điểm nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine đủ điều kiện để giao dịch vì chúng vẫn nằm trong danh sách được công nhận của LBMA, được gọi là London Good Delivery.
Trong một tuyên bố gửi qua email, Ngân hàng Trung ương Anh cho biết: "Theo như Ngân hàng Trung ương Anh được biết, bất kỳ vàng tinh luyện nào của Nga được sản xuất sau ngày 8/3/2022 đều không phải là London Good Delivery. Bất kỳ thỏi nào được sản xuất trước đó vẫn được chấp nhận và chúng tôi đã nói với tất cả khách hàng của mình như vậy. Đó là thực tế, vì vậy, chúng tôi không có bất kỳ bình luận nào về điều này".
Bốn nhân hàng lớn trên thị trường London gồm JPMorgan, HSBC, ICBC Standard và UBS từ chối bình luận khi được hỏi về cách họ xử lý yêu cầu của nhà đầu tư bán lượng vàng Nga họ đang nắm giữ.
Số lượng lớn vàng của Nga trên thị trường London khiến các ngân hàng rơi vào tình thế khó khăn, theo các luật sư và chuyên gia thị trường.
Peter Hahn, Gáo sư danh dự tại Học viện Tài chính & Ngân hàng London cho biết: “Tôi nghĩ bạn đang thấy cộng đồng ngân hàng đang cố gắng điều hướng một tình huống rất phức tạp.
Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) nên đặt câu hỏi về thực tiễn để hiểu xem các hành động nói chung có vì lợi ích của người tham gia thị trường hay không... và liệu hoạt động đó có minh bạch đối với nhà đầu tư hay không”.
FCA là cơ quan quản lý của Anh chịu trách nhiệm giám sát các giao dịch ngân hàng trên thị trường vàng London từ chối bình luận.
Khi được hỏi LBMA nghĩ gì về điều này, người phát ngôn nói rằng họ "duy trì quan điểm trung lập miễn là hoạt động hiệu quả của thị trường không bị ảnh hưởng".
Người phát ngôn này từ chối bình luận về nỗ lực của các chủ ngân hàng trong việc ngăn chặn tình trạng bán tháo vàng của Nga.
Theo các nhà giao dịch, không ghi nhận việc bán thảo vàng được đúc ở Nga trước xung đột. Các nhà đầu tư lớn hơn - bao gồm một số quỹ giao dịch trao đổi (ETF) với vàng Nga trị giá hơn 1 tỷ USD - dường như chưa bán hết.
Những người trong ngành cho biết, việc vàng Nga bị loại bỏ rộng rãi và nhanh chóng khỏi danh mục đầu tư có thể đẩy giá của nó xuống từ 1- 40 USD/ounce so với vàng không phải của Nga.
Theo phân tích dữ liệu từ 11 quỹ đầu tư lớn của Reuters, số vàng trị giá ít nhất 12 tỷ USD của Nga được cất giữ trong các kho ở London, New York và Zurich. Tổng số tiền có thể lớn hơn đáng kể nhưng không có số liệu công khai.
Nếu vàng Nga giao dịch ở mức giảm 5 USD/ounce, chi phí cho các quỹ thay thế kim loại trị giá 12 tỷ USD sẽ vào khoảng 34 triệu USD.
Phân tích dữ liệu đầu tư của Reuters cho thấy, tỷ trọng vàng của Nga trong 8 quỹ ETF lớn đã tăng trung bình lên 7% vào giữa tháng 7 từ mức 6,5% vào giữa tháng 3.