Giá vàng hôm nay 3/4, Giá vàng lình xình sau phiên giao dịch ‘chua chát’, người Nga đổ xô gom vàng, còn mất tiền với SJC? (Nguồn: Shutterstock) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 3/4
Thị trường vàng trong nước và thế giới trải qua một tuần giao dịch kém sôi động. Giá vàng SJC trong nước quanh mốc 69 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/4, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,3 - 69,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Như vậy, giá vàng trong nước đã giảm 550 nghìn đồng/lượng trong tuần qua.
Trên thị trường thế giới, với phiên giảm giá cuối tuần, thị trường vàng khép lại một tuần giao dịch ảm đạm.
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần (ngày 28-29/3), giá vàng liên tục hạ, chạm mức thấp nhất trong một tháng khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào tín hiệu tích cực trong đàm phán Nga-Ukraine. Nhu cầu đối với kim loại quý này có xu hướng giảm.
Trong khi đó, đồng USD mạnh lên cũng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy nhiên, vàng đã lấy lại đà tăng trong hai phiên giao dịch liền sau đó (30-31/3), khi nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu trái chiều.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 1/4, giá vàng đảo chiều giảm do đà đi lên của đồng bạc xanh sau khi số liệu việc làm tháng 3/2022 của Mỹ được công bố.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,8%, xuống 1.921,86 USD/ounce. Còn giá vàng giao kỳ hạn mất 1,6%, xuống 1.923,7 USD/ounce. Giá kim loại quý này hạ 1,8% trong cả tuần qua.
Ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới chốt tuần giao dịch (1/4) trên sàn Kitco tại 1.926,6 USD/ounce, giảm từ mức 1940 USD/ounce ở thời điểm mở cửa trong ngày.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 2/4, 1 USD = 22.980 VND, giá vàng thế giới tương đương 53,99 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 18,08 triệu đồng/lượng.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (25-31/3): Tuyên bố mới nhất của Nga về yêu cầu trả tiền khí đốt bằng đồng Ruble, Moscow đòi đảm bảo lợi ích, Mỹ đón tin vui |
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 2/4:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,5 – 69,05 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,25 – 68,95 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,25 – 68,9 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,4 – 69,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,26 – 68,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,01 – 55,76 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,15 – 55,65 triệu đồng/lượng.
Vàng vẫn sẽ tỏa sáng
Theo các nhà phân tích, giá vàng bắt đầu quý II/2022 khá ảm đạm khi đánh mất 30 USD/ounce, nhưng mốc 2.000 USD/ounce dự kiến sẽ sớm đạt được.
Sau quý I xuất sắc, thị trường khởi đầu tháng 4 với phiên giao dịch “chua chát” khi vàng giảm ngay 30 USD trong ngày trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm và sự đảo ngược này có ý nghĩa như thế nào đối với vàng.
Sự kiện chính vào hôm thứ 6 không phải là báo cáo việc làm mới của Mỹ được mong đợi mà là sự đảo ngược của chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Nhiều người tham gia thị trường coi đây là một dấu hiệu cảnh báo có thể xảy ra suy thoái.
Nhà kinh tế trưởng Paul Ashworth của Capital Economics cho biết: “Sự đảo ngược của lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm dẫn đến suy đoán có thể dự đoán được rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ nhanh chóng đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái”.
Chiến lược gia Michael Boutros của DailyFX giải thích: Sự đảo ngược của đường cong lợi suất là một lá cờ đỏ, nhưng nó không phải là một công cụ tính thời gian.
Boutros nói: "Điều đó không có nghĩa là chúng ta chắc chắn đang đi vào suy thoái. Nhưng nó là chỉ dấu cho một môi trường thuận lợi cho tình trạng này”.
Đối với vàng, điều này có nghĩa là kim loại quý có sự hấp dẫn lớn hơn bởi nhà đầu tư e ngại rủi ro. Nhưng cho đến nay, tâm lý này vẫn chưa chuyển thành giao dịch rộng lớn, chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins, Everett Millman, cho biết.
Và đây là lý do tại sao, bất chấp những dấu hiệu rủi ro này, giá vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex lần cuối giảm 30 USD trong ngày và giao dịch ở mức 1.924,20 USD/ounce.
Frank Cholly, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures nhận định: “Quý đầu tiên của năm 2022 đánh dấu sự thay đổi ấn tượng đối với vàng, với giá tăng hơn 6% và đạt mức tăng tốt nhất kể từ quý III/2020. Nhiều loại hành động giá này dự kiến sẽ diễn ra trong quý thứ hai, với mục tiêu 2.000 USD/ounce.
Vàng đã có xu hướng củng cố rất nhiều trước khi tăng giá. Kim loại quý đã có một đợt phục hồi tốt từ tháng 2 đến giữa tháng 3. Hiện tại, vàng đang trải qua một chút điều chỉnh. Thị trường đang chạm đáy.
Nếu vàng có thể đạt được mức đóng cửa hoặc mức tăng tốt trên 1.950 – 1.975 USD, chúng sẽ không gặp khó khi vượt qua 2.000 USD. Và trong quý II này, kim loại quý có thể đạt được trên 2.000 USD”.
Đồng quan điểm, chuyên gia Boutros lưu ý rằng, bức tranh đối với vàng vẫn rất tươi sáng nhưng có thể có nhiều đợt bán tháo trước mắt, đặc biệt nếu mức 1.828-49 không được giữ vững.
"Câu chuyện của vàng sẽ được cân bằng bởi tốc độ tăng lãi suất của Fed. Bất kỳ sự thoái lui nào trong quý II nên được giới hạn trong phạm vi 1.828-49 USD”.
Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities cũng nhận định: “Chính sách của Fed còn một chặng đường dài để trở về bình thường và vàng sẽ tiếp tục vững chắc”.
Cùng nhận định vàng sẽ tiếp tục tăng giá, nhà phân tích Neils Christensen viết trên Kitco News: “Các đường ranh giới đang được vẽ ra giữa Nga và phương Tây sẽ không dễ dàng được hoàn tác, ngay cả khi cuộc xung đột ở Đông Âu đã kết thúc. Có vẻ như vàng đang đóng một vai trò thiết yếu trong môi trường mới này, nơi tiền tệ và hàng hóa đang được vũ khí hóa.
Không chỉ các quốc gia đang cố gắng tự bảo vệ mình bằng cách đa dạng hóa, mà chúng ta cũng có thể kỳ vọng rằng sự phát triển của chuỗi cung ứng trong nước sẽ dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao. Chúng ta không còn có thể tìm thấy trên các thị trường toàn cầu về hàng hóa giá rẻ và vàng là một tài sản hấp dẫn đối với những người tiêu dùng. Chúng tôi đã thấy điều này ở Nga.
Tuần này, theo báo cáo từ Anna Golubova của Kitco, Ngân hàng VTB do nhà nước kiểm soát, ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Nga, đã bán một tấn vàng cho người tiêu dùng trong tháng 3. Sản phẩm được yêu cầu nhiều nhất là thỏi vàng nặng một kg, trị giá khoảng 68.000 USD.
Chừng nào xung đột còn ngự trị, vàng sẽ tỏa sáng như một loại tiền tệ vững chắc”.
| Bất động sản mới nhất: Sốt đất hầm hập khắp nơi, nỗi lo lạm phát, thanh khoản kém; cách chia thừa kế đất không sổ đỏ Giá đất tăng mạnh, nhiều địa phương miền Bắc tăng 5 lần, lo ngại lạm phát và thanh khoản kém, cách chia thừa kế đất ... |
| Giá tiêu hôm nay 2/4, tiếp tục đi ngang, nỗi lo của người trồng tiêu giữa mùa thu hái Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 - 80.000 đ/kg. |