Giá vàng vẫn “phăng phăng” leo dốc dù đồng USD đã có dấu hiệu hồi phục trong 2 phiên đầu tuần. (Nguồn: Kitco) |
Chốt phiên giao dịch ngày 5/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng 57,90 triệu đồng/lượng-59,10 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 850.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch đầu giờ sáng. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 1,2 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 58 triệu đồng/lượng-58,90 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Như vậy, giá vàng tại DOJI tăng 900.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 500.00 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch đầu giờ sáng ngày 5/8. Chênh lệch giá mua-bán vàng tại đây đang là 700.000 đồng/lượng.
Sáng nay (6/8), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã 2 lần điều chỉnh giá vàng miếng trong vòng chưa đầy 30 phút. Chiều bán ra ban đầu tăng 400.000 đồng một lượng so với cuối phiên hôm qua, sau đó thêm một lần tăng tương tự và đẩy giá lên 59,85 triệu - cao nhất trong lịch sử thị trường kim loại quý. Giá mua vào cũng vọt lên 58,6 triệu đồng một lượng.Các loại vàng trọng lượng nhỏ được SJC bán cao hơn 20.000-30.000 đồng một lượng, hiện giao dịch ở vùng 59,9 triệu đồng. Cùng lúc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng tăng mỗi lượng bán ra thêm 700.000 đồng, lên 59,5 triệu đồng. Riêng chi nhánh Đà Nẵng, doanh nghiệp này đẩy giá bán lên 59,6 triệu đồng và mua vào 58,4 triệu đồng.
Trên thị trường thế giới, đêm 5/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.045 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 2.062 USD/ounce.
Theo trang Reuters, giá vàng đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng tâm lý 2.000 USD/ounce. Có được sự bứt phá này là nhờ thế giới đang kỳ vọng Mỹ sẽ phê duyệt gói kích thích kinh tế mới để ngăn chặn thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
Giới quan sát cũng suy đoán, giá vàng đã được thổi bùng lên thông tin về vụ nổ ở Beirut, Lebanon. Chiến lược gia trưởng mảng thị trường của Blue Line Futures Phil Streible khẳng định, không chỉ vàng mà bạc cũng đang “cất cánh” sau khi xảy ra thảm họa tại Beirut khiến hơn 4.000 người thương vong. Cả hai kim loại này đều được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh thế giới lo ngại về đại dịch Covid-19, diễn biến địa chính trị khó lường và lo ngại về lạm phát trong những tháng tới.
Trang Kitco News cho rằng, sau khi đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.000 USD/ounce, vàng đang bắt đầu nóng. “Đầu cơ lướt sóng đang ‘đổ thêm dầu vào lửa vàng’, khiến đà tăng của kim loại quý này chưa thể dừng lại. Vàng chắc chắn sẽ được giao dịch rất đồng thuận và tạo đột phá trong thời gian tới”, Công ty chứng khoán TD Securities cảnh báo.
Giám đốc điều hành RBC Wealth Management George Gero thì nhận định, giá vàng bắt đầu năm 2020 ở ngưỡng 1.520 USD/ounce và đã tăng khoảng 34% kể từ tháng 1. Hiện tại, vẫn còn nhiều yếu tố tiếp tục hỗ trợ vàng, bao gồm đại dịch Covid-19, căng thẳng Mỹ-Trung, bầu cử Mỹ hay các mối quan tâm địa chính trị khác.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty môi giới đầu tư OANDA cho rằng, xu hướng trong dài hạn vàng vẫn được dự báo có thể sẽ lên tiếp và lập các đỉnh cao kỷ lục mới. Giá vàng có thể đạt 2.300 USD/ounce vào cuối năm nay, khi các nền kinh tế bắt đầu hồi phục và lạm phát gia tăng từ những khối nợ khổng lồ, bắt nguồn từ các gói kích thích kinh tế vượt đại dịch.
Người đứng đầu mảng chiến lược toàn cầu của Công ty chứng khoán TD Securities Bart Melek lưu ý rằng, mốc tiếp theo của giá vàng có thể sẽ hướng tới 2.100 USD/ounce. “Thị trường đang ở một mức kỷ lục. Tất cả các yếu tố hỗ trợ giá vàng đều đang phát đi tín hiệu tốt. Chừng nào dịch bệnh còn hoành hành, kinh tế thế giới còn bất ổn và đồng USD còn suy yếu thì vàng sẽ còn ở mức cao chót vót”, ông Bart Melek nói.
Phần lớn các chuyên gia phân tích nhận thấy, trong dài hạn, vàng vẫn được dự báo có thể sẽ lên tiếp và thiết lập các đỉnh cao kỷ lục mới. Phần lớn đồng thuận với nhận định, giá vàng có thể rơi vào khoảng 2.500-3.000 USD/ounce, khi mà các nền kinh tế hồi phục và lạm phát gia tăng từ những khối nợ khổng lồ băt nguồn từ các gói kích thích kinh tế hậu Covid-19.
Tuy nhiên, trước khi đạt mốc cao này, giá vàng nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một đợt điều chỉnh tạm thời, nhất là khi các quỹ đầu cơ lớn xả hàng, chốt lãi. Do đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước mỗi đợt thị trường vàng có "sóng lớn", không đầu tư theo tâm lý đám đông.