📞

Giá xăng dầu hôm nay 3/9: Một tuần tăng mạnh

Ngọc Hà 07:22 | 03/09/2023
Giá xăng dầu hôm nay 3/9, lo ngại nguồn cung thắt chặt, dự trữ dầu của Mỹ giảm khủng, đồng USD trượt giá là những yếu tố chính đẩy giá dầu tuần này leo dốc không ngừng, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 2 tuần.
Giá xăng dầu hôm nay 3/9, lo ngại nguồn cung thắt chặt, dự trữ dầu của Mỹ giảm khủng, đồng USD trượt giá là những yếu tố chính đẩy giá dầu tuần này leo dốc không ngừng, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 2 tuần. (Nguồn: CNBC)

Giá xăng dầu hôm nay 3/9

Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã duy tri đà tăng trong 4 phiên và chỉ trái chiều duy nhất 1 phiên - phiên giao dịch đầu tiên của tuần và cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9. Trong phiên trái chiều này, giá dầu Brent giảm nhẹ 6 cent, dầu WTI tăng 27 cent.

Sau phiên trái chiều, giá dầu leo dốc liên tiếp 4 phiên. Sự leo dốc được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm sốc 10,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/8. Mức giảm này cao gấp 3 lần so với suy đoán của nhiều nhà phân tích. Cũng theo EIA, tồn kho dầu thô thương mại đã giảm 34 triệu thùng kể từ giữa tháng 7.

Các nhà giao dịch và nhà đầu tư thường coi những thay đổi trong tồn kho của Mỹ là đại diện cho những thay đổi trong cán cân sản xuất-tiêu thụ toàn cầu, đồng thời giá giao ngay và chênh lệch giá có thể tăng nếu tồn kho liên tục cạn kiệt.

Trong một báo cáo nghiên cứu đưa ra ngày 1/9, ngân hàng ANZ cho biết “các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ hơn cũng được thể hiện rõ trên thị trường sản phẩm, với nhu cầu xăng tăng cao lần đầu tiên sau 3 tuần”.

Thúc đẩy giá dầu tăng là kỳ vọng của các nhà phân tích rằng Saudi Arabia sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 10, bổ sung vào mức cắt giảm của OPEC+.

Trong một ghi chú, Ngân hàng quốc gia Australia bày tỏ tiếp tục kỳ vọng việc cắt giảm sẽ được kéo dài. Bởi như vậy, giá dầu sẽ đạt mức giá hơn 90 USD/thùng (trên cơ sở bền vững) cần thiết để “kéo nguồn cung của OPEC trở lại thị trường, cũng như khuyến khích các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ tăng cường hoạt động khoan”.

Trong tuần, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, đã đồng ý với các đối tác của OPEC+ về việc cắt giảm xuất khẩu dầu.

Theo CNBC, đồng USD yếu, kết thúc chuỗi 6 tuần tăng giá, cũng hỗ trợ giá dầu, giúp giá dầu trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần chạm mức “đỉnh” trong 7 tháng.

Việc tăng giá dầu sẽ khiến Chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục quá trình nạp đầy kho dự trữ dầu chiến lược của quốc gia, vốn đã tăng trung bình 600.000 thùng/tuần trong vài tuần qua, sau khi cạn kiệt tới 300 triệu thùng vài năm qua.

Một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc đang trở lại đà mở rộng và các động thái của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ thị trường nhà đất đang suy yếu cũng giúp thúc đẩy giá dầu, vì các thương nhân hy vọng điều đó sẽ kích thích nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh chiều 21/8 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 23.339 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 24.601 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 22.354 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 22.309 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.981 đồng/kg.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 7 lần giảm.

Nguồn cung dầu thô thắt chặt hơn dự kiến tiếp tục giữ đà tăng của giá dầu. Trong nước, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định cho lùi 4 ngày điều chỉnh giá xăng dầu, sang sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, từ chiều 1/9 sang chiều 5/9.

(tổng hợp)