Vào những năm 1970, chị công khai chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Hai chục năm sau cuộc chiến, chồng chị là một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, gợi ý chị nên “du nhập Shakespeare vào Việt Nam”. Chị bảo: “Anh nói đùa đấy chứ?”. Nhưng rồi tổ chức Trao đổi sân khấu Việt – Mỹ ra đời.
Chị bắt đầu quan tâm đến Việt Nam khi dạy về chiến tranh Việt Nam ở trường đại học. Chị quyết định sang dạy học và nghiên cứu ở Việt Nam. Đi liền tám chuyến, dự án Trao đổi sân khấu Việt – Mỹ ngày một chín và đi vào hoạt động.
Năm 1988, bước đầu thực hiện được: Chị đã đưa được một đoàn của Nhà hát kịch Việt Nam sang vùng Bờ biển miền Tây nước Mỹ để diễn vở Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
Mùa thu năm 2000, chị cùng khoảng chục diễn viên Mỹ sang Việt Nam để cùng các diễn viên Việt Nam diễn bằng tiếng Anh và tiếng Việt (song ngữ) vở Giấc mộng đêm hè.
Quá trình chuẩn bị không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có lúc dự án dường như tắc tị, do không khí chính trị căng thằng (trong cuộc thương lượng ký kết hiệp ước thương mại Mỹ - Việt). Dự án được Quỹ Ford tài trợ khoảng 20 vạn đô la.
Ý của chị Browning là các nghệ sĩ Mỹ và Việt Nam có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều. Chị chọn vở Giấc mộng đêm hè vì chị cho là vở này có nhiều sắc thái giống Việt Nam. Xã hội Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường nên có những vấn đề hôn nhân áp bức và hôn nhân tự do như trong kịch.
Không khí thần tiên, tâm linh trong kịch cũng phù hợp với người Việt Nam. Mới đầu, Nhà hát kịch Việt Nam đề nghị diễn bi kịch Vua Lia hoặc Othello. Chị phải thuyết phục mãi để được diễn hài kịch. Chị nói: “Trong mấy chục năm qua, hai nước chúng ta đã làm cho nhau khóc. Thôi, để thay đổi, chúng ta hãy làm cho nhau cười…”.
Khi diễn, cùng lúc, diễn viên Mỹ đọc thơ Anh, diễn viên Việt đọc thơ dịch tiếng Việt, thỉnh thoảng chêm một câu bằng tiếng của nhau. Đạo diễn Mỹ là A.Nause còn cộng tác với đạo diễn Việt Nam Doãn Hoàng Giang đã dựng cả một vở Mỹ (diễn tiếng Việt) của William Tennessee. Các nghệ sĩ Mỹ cho là họ “hơi điên” khi nhận một thách thức khó như vậy. Nhưng họ tin là ngôn ngữ không phải là hàng rào, vì Giấc mộng đêm hè có thể hiểu được bằng mắt, hưởng thụ bằng vật thể…
Ít lâu sau, chị Browning, sau khi tới Hà Nội ít ngày để chuẩn bị diễn tập, có mời một số bạn Mỹ và Việt Nam đến để góp ý, đặc biệt về bản dịch Shakespeare sang tiếng Việt và dự đoán về diễn xuất. Các đạo diễn Mỹ, Việt và nhà văn Lady Borton đều có mặt. Chúng tôi đánh giá việc diễn song ngữ vở này thực sự là một kỳ tích, nhưng là một thể nghiệm lý thú trong khung cảnh toàn cầu hóa. Riêng câu chuyện Giấc mộng đêm hè, tuy tươi mát, nhưng rất phức tạp. Trong một khu rừng đầy mơ mộng, nơi ở của vua và hoàng hậu, các vị thần tiên huyền thoại Bắc Âu, các cặp vợ chồng và tình nhân, - cả tiên lẫn người – tìm nhau, lạc nhau, yêu nhầm nhau và cuối cùng tìm lại được nhau trong yêu đương. Bản dịch của Đoàn Phú Tứ được đánh giá là đạt, nhưng cần biên tập lại, cắt xén một số câu để cho buổi biểu diễn được gọn, thay đổi một số từ ngữ cho thích hợp với khán giả. Đạo diễn phải giải thích từng câu tiếng Anh cho diễn viên Việt Nam nắm được ý và tứ của bản gốc. Tóm lại, cần “Việt Nam hóa” Shakespeare mà không phản lại Shakespeare.
Hữu Ngọc