📞

Giải mã sự phát triển thần kỳ của Dubai

15:13 | 02/04/2015
Điều gì khiến cho một tiểu vương quốc nhỏ bé với dân số khoảng 2 triệu người trên diện tích 4.000 km2 trở thành một “thành phố toàn cầu”?

Nói đến Dubai, nhiều người vẫn ngộ nhận rằng, đất nước này giàu lên nhờ dầu mỏ. Nhưng một sự thật là, dầu mỏ chỉ chiếm 5% tổng thu nhập của Dubai và 95% thu nhập của đất nước này đến từ du lịch và bất động sản.

Chỉ trong vòng 20 năm, Dubai đã trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản, các công trình đồ sộ bậc nhất thế giới: The Palm - quần đảo nhân tạo lớn và đẹp nhất thế giới, Burj Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới, Jebel Ali - cảng nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới…

Thành phố biển Dubai được đánh giá là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới, là trung tâm tài chính hàng đầu ở khu vực Trung Đông. Nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc du lịch”, thu hút lượng khách du lịch đứng thứ tám trên thế giới. Hiện có 20% số lượng xe cần cẩu trên thế giới đang hoạt động tại Dubai, và đây là quốc gia hiếm hoi đạt được tỷ lệ tội phạm là 0%.

Có điều gì kỳ diệu ở Dubai?

Bí ẩn đó được giãi bày chân thật, gần gũi và sâu sắc trong cuốn sách Tầm nhìn thay đổi quốc gia (My Vision) của Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Tiểu vương quốc Dubai, Toàn quyền Dubai và là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Cuốn sách dày 280 trang có thể là tham chiếu hữu ích đối với nỗ lực của nhiều quốc gia trên con đường tiến tới phồn vinh và thịnh vượng.

Trong cuốn sách mới được công ty First News phát hành, Quốc vương Dubai đã tóm tắt và chỉ rõ con đường tiến đến sự phát triển thần kỳ của Dubai. Tác giả đã khẳng định tầm nhìn là yếu tố quyết định và tiên quyết để xây dựng một quốc gia. “Tầm nhìn là con đường để phát triển thực sự, nó cũng là vấn đề của lòng can đảm và chinh phục những điều không thể. Đó là lòng tin vào khả năng đạt được mục tiêu, có mục tiêu rõ ràng và thực hiện chúng với sự quyết tâm, hiệu quả và tốc độ, không bao giờ dừng lại cho đến khi con cái chúng ta nhìn thấy quốc gia chúng ta cạnh tranh với các trung tâm kinh tế thành công nhất trên thế giới”.

Đi cùng với tầm nhìn chiến lược, bí quyết để tạo nên sự xuất sắc của một quốc gia còn bao gồm lòng quyết tâm mãnh liệt, nghệ thuật truyền cảm hứng và tầm nhìn đó đến với từng người dân. “Ở Dubai, chúng tôi không ra bất kỳ quyết định nào mà không hoàn toàn tin tưởng vào tính khả thi của dự án. Mỗi khi khởi công dự án mới, chúng tôi không bao giờ dừng lại cho tới khi nó được hoàn thành”, ông viết.

Điều thứ ba là minh bạch và thương yêu dân chúng. “Vì dân chúng là thước đo tham chiếu cuối cùng của các nhà lãnh đạo nên tất cả các quyết định và tầm nhìn phải phục vụ cho lợi ích của họ. Khi một nhà lãnh đạo ưu tiên đặt quyền lợi của người dân lên hết thảy, ông ta chắc chắn sẽ thành công”. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ chính sách nào cũng nên là sự sống còn của người dân và đất nước, đảm bảo cho người dân được an toàn, tiện nghi cũng như tạo động lực để họ xây dựng vận mệnh của chính họ”.

Thứ tư là khả năng khai phá năng lực của con người. Theo ông, “Chuyên môn và năng lực của thế hệ điều hành mới ở Dubai sánh ngang với nhóm điều hành tinh nhuệ nhất thế giới. Nếu chúng tôi không khám phá và huấn luyện những con người đầy tài năng này, có thể họ vẫn bị giới hạn ở những việc thường ngày thay vì được bộc lộ và tỏa sáng”.

Thứ năm là sẵn sàng tiếp thu và cởi mở thông tin. Ông kể lại một kỷ niệm: “Tôi đã từng chạy theo cha, bừng bừng tức giận khi nói với ông về việc một số tờ báo đăng những câu chuyện sai sự thật về Dubai và đề xuất rằng, ông nên cấm việc bán những tờ báo này ở tiểu quốc. Cha tôi trấn an và giải thích, sẽ là tốt hơn khi chấp nhận những tờ báo đó lưu hành trong thành phố của chúng ta. Bởi vì nếu những gì nó đăng là đúng, chúng ta xứng đáng bị chỉ trích, còn nếu không, sẽ chẳng ai tin chúng”.

Cao 828m với 164 tầng và có giá trị khoảng 1,69 tỷ USD, Burj Khalifa được xem là công trình đẩy lùi các giới hạn trong kiến trúc và xây dựng.

Vị Quốc vương sinh năm 1949 là người “thích thấy những chỉ trích mang tính xây dựng trên báo chí hơn là ngợi ca. Mọi người đều biết về các thành tích và chúng tôi thực sự không cần một lời nhắc lại nào cả, nhưng khám phá ra sai lầm sẽ dẫn các quan chức và những người ra quyết định có thể sửa sai và tránh mắc thêm sai lầm”.

Thứ sáu là chiến lược tiếp thị đồng bộ và xuất sắc. Danh tiếng một Dubai xuất sắc là kho báu và chính danh tiếng đó sẽ mang lại thị phần, doanh thu và lợi nhuận cao hơn về sau. “Chúng tôi không chờ đợi khách hàng đến với mình, mà đúng hơn là đến với họ ngay tại đất nước của họ”, ông viết.

Có thể nói, với Tầm nhìn thay đổi quốc gia, bằng kinh nghiệm cũng như tấm lòng của một người lãnh đạo đối với nhân dân và đất nước mình, Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về tầm nhìn khác biệt để thay đổi quốc gia mà sự thay đổi của Ả rập chính là minh chứng xác thực và sinh động nhất.

Tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst tại Anh, ông Mohammed bin Rashid Al Maktoum trở thành Tổng Tư lệnh lực lượng cảnh sát Dubai năm 1968 và Bộ trưởng Quốc phòng UAE năm 1971. Năm 1995, ông nhận vị trí Thái tử Dubai và bảy năm sau, ông trở thành Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE và Quốc vương của Dubai.

Ông đã đề xướng các chương trình và cơ chế phát triển Dubai với mục tiêu đạt được sự phát triển vượt trội, đề xướng các khái niệm về quản lý và chất lượng trên tất cả các hình thức và mức độ hoạt động của Chính phủ Dubai.

Ông đã lập ra một số giải thưởng để thúc đẩy kỹ năng quản lý và lãnh đạo của các nước Ả rập cũng như giúp hoàn thiện báo chí Ả rập như Giải thưởng The Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Giải thưởng dành cho các nhà báo Ả rập. Ông xây dựng các chương trình khuyến khích doanh nghiệp trẻ và phát huy tiềm năng lãnh đạo của phụ nữ. Ông cũng là nhà sáng lập của hàng loạt tập đoàn lớn như hãng Hàng không Emirates, Dubai Holding, Dubai World Ports, Emaar và Nakheel.

Là một nhà thơ nhạy cảm và ẩn chứa một tâm hồn thông tuệ, ông đã xuất bản rất nhiều tập thơ như Tuyển tập thơ Mohammed bin Rashid (1990), Tuyển tập thơ Al Umsiah (1997), Những vần thơ từ sa mạc (2009) và 40 bài thơ từ sa mạc (2011).

Vinh Hà