Hàng chục nghìn người, trong đó có gần 5.000 vận động viên (VĐV) chạy phong trào tranh tài cùng các vận động viên chuyên nghiệp của đội tuyển điền kinh quốc gia… đã khiến phố núi Pleiku trở nên náo nhiệt lạ thường. Những bước chân trên đường chạy từ mọi miền đất nước đã đổ về đây để tranh tài trong một giải chạy cự ly dài do báo Tiền Phong tổ chức.
Ba vận động viên phong trào có tới bốn cổ động viên đi cùng từ Hà Nội vào Pleiku. (Ảnh: L.A) |
Bùng nổ vận động viên phong trào
Năm ngoái, giải chạy diễn ra tại đảo tiền tiêu Lý Sơn với slogan “Chạy vì biển đảo” đã làm nức lòng các VĐV vì mỗi bước chạy của họ đã góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước. Các vận động viên chia sẻ, khi chạy dưới hơn 3.000 lá cờ cắm dọc bờ biển Lý Sơn, ai cũng thấy tự hào và cảm nhận được tình yêu đất nước đang dâng lên cháy bỏng. Năm nay, quy mô của giải chạy năm 2021 đã gấp 2,5 lần so với năm ngoái về số lượng VĐV tham dự.
Chỉ sau bốn mùa tổ chức, đến giải chạy năm 2021, số lượng VĐV phong trào đã vượt mốc 4.000, kỷ lục đối với một giải đấu trong hệ thống chính thức của thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào chạy bộ đã lan ra cả nước và ngày càng lớn mạnh.
Năm ngoái, tại Lý Sơn, tôi đã gặp một gia đình cùng tham gia giải chạy, từ bà nội, con trai, con dâu và cháu nội. Cháu nội là cô bé khá xinh xắn, dễ thương, chừng 10 tuổi, chạy song song cùng bà nội, ngoài 70 tuổi. Lúc xuất phát, do hấp tấn nên chẳng may vấp ngã, đầu gối bị xước nhưng cháu gái vẫn can đảm cùng bà nội chạy hết quãng đường 10km.
Năm ngoái, ông xã đi cổ vũ tôi chạy ở đảo Lý Sơn và về nhà quyết tâm tập luyện để tham gia giải chạy cùng với vợ năm nay. Anh lo lắng mất ngủ mấy đêm trước ngày thi đấu vì không biết mình có chạy vượt qua những đoạn đường dốc liên tục của phố núi Pleiku hay không, dù đã tập luyện khá nhuần nhuyễn ở Hồ Tây, Hà Nội.
Đoàn của chúng tôi có ba vận động viên, nhưng có tới bốn cổ động viên bay từ Hà Nội vào cổ vũ, trong đó có hai cổ động viên đặt quyết tâm về tập luyện để sang năm tham dự giải. Điều này cho thấy, các giải chạy đang ngày càng hấp dẫn các VĐV phong trào.
Những bước chạy xuyên biên giới
Tôi có anh bạn Việt kiều Mỹ, đã từng được đi thăm đảo Trường Sa. Anh là bác sỹ, lịch trực đêm dày đặc, nhưng tôi vẫn thấy anh cùng vợ tham gia các giải chạy tại Mỹ và trên thế giới. Có lần, anh còn tham gia giải Marathon ở Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc).
Năm ngoái, anh định cùng tôi tham gia giải chạy tại Lý Sơn nhưng đại dịch Covid-19 đã cản trở ý định này. Năm nay, vẫn là Covid-19 khiến anh một lần nữa lỡ hẹn với giải chạy ở Pleiku.
Anh buồn rầu than thở: “Được chạy ở Lý Sơn là điều tuyệt vời mà tôi hằng ao ước. Tôi chỉ ước một lần được chạy trên vùng biển thiêng liêng của nước mình, cách đảo Hoàng Sa không xa, nơi ông cha ta đã từng lập ra đội hùng binh ở đó. Năm nay, tôi cũng chẳng thể chạy vì đại ngàn”.
Có thể thấy, các giải chạy ở Việt Nam đang dần thu hút sự tham gia của nhiều người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam. Họ cho biết, tham gia các giải chạy không chỉ giúp thỏa mãn đam mê còn được hiểu biết thêm nhiều nét đẹp về danh lam thắng cảnh và văn hóa Việt Nam.
Những bạn học phổ thông cùng tôi có nhiều bạn đã tham gia giải chạy này và rủ vợ/chồng mình cùng tập luyện để tham gia các giải chạy trong nước. Một cậu bạn khác dạo này trông thon thả hẳn, không “bụng bia” như trước kia, hóa ra cậu chăm chỉ tập luyện để tham gia giải chạy.
Tôi thầm mong, ngày càng có thêm nhiều người bạn của mình cùng tham gia các giải thể thao phong trào, đặc biệt là các giải chạy, để vừa kết nối bản thân với cộng đồng và cao hơn là tập luyện vì một cơ thể khỏe mạnh.
Ba vận động viên phong trào có tới bốn cổ động viên đi cùng từ Hà Nội vào Pleiku. (Ảnh: L.A) |
Điền kinh là không từ bỏ
Từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ những người tham gia tập luyện môn điền kinh, bởi lẽ đây thực sự là một môn thể thao nặng rất cần ý chí quyết tâm. Nếu như đạp xe còn có sự trợ giúp của chiếc xe đạp, còn chạy bộ là dựa hoàn toàn vào bản thân mình, không có sự trợ giúp nào khác, ngoài ý chí. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Hoàng Nguyên Thanh, nhà vô địch giải chạy năm 2021 ở cự ly full marathon (42 km) khi anh nói bí quyết để trở thành nhà vô địch là: “Không được nuông chiều bản thân”.
Nhà vô địch này bắt đầu nghiệp chạy từ 2010 nhưng đến năm 2017, anh bất ngờ bỏ ngang. Nhưng niềm đam mê chạy bộ khiến anh quay lại vào cuối năm 2019, rồi liên tiếp vô địch giải chạy trong năm 2020 và 2021.
Lý do nghỉ của Hoàng Nguyên Thanh cũng đến từ nhiều vấn đề, vừa chấn thương, vừa áp lực tâm lý và nhiều cái nữa tạo thành áp lực lớn hơn. Trong thời gian nghỉ, Thanh làm việc bán thời gian ở công ty may mặc và tranh thủ học ngoại ngữ.
Đến năm 2018 – 2019, khi phong trào chạy bộ đã phổ biến hơn rất nhiều, Thanh nghĩ lại. Anh tự nhủ, mình còn trẻ, chẳng lẽ lại vùi sức trẻ vào những công việc lặp đi lặp lại và buồn chán? Tình yêu và lòng đam mê với những bước chạy đã kéo Thanh trở lại đường chạy. Ban đầu, anh chỉ định tham gia một vài giải cho vui, ai dè nhận thấy khả năng mình, Thanh tham gia chạy chuyên nghiệp, vừa cống hiến cho địa phương, vừa cống hiến cho đất nước, trước hết là ở SEA Games.
Giấc mơ đại ngàn
Mùa giải năm nay, Tây Nguyên đại ngàn đã truyền đi một thông điệp truyền thông gây xúc động. Những trận lũ lụt vừa qua tại miền Trung quá khốc liệt khiến người dân không khỏi oán trách nạn phá rừng, đất trống, đồi trọc. Mọi người đều nói nhiều về câu chuyện bao giờ Tây Nguyên mới trở lại là đại ngàn. Nếu mỗi người đều chung tay thì giấc mơ sẽ thành hiện thực.
Mọi người đều nói nhiều về câu chuyện bao giờ Tây Nguyên mới trở lại là đại ngàn. Nếu mỗi người đều chung tay thì giấc mơ sẽ thành hiện thực. |
Đó cũng là lý do mà ban tổ chức và nhà tài trợ của giải chạy năm nay dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường, phòng chống tác hại của biến đổi khí hậu, bởi những điều đó đều tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Một ngày trước khi giải chạy bắt đầu khởi tranh, Ban tổ chức giải chạy đã tổ chức lễ phát động trồng cây “Vì một Việt Nam xanh” tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku. Ban tổ chức cũng đã tặng tỉnh Gia Lai 200 triệu đồng và Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) tặng 100 triệu đồng cho chương trình trồng cây của tỉnh.
Cung đường chạy của giải năm 2021 đã gây ấn tượng mạnh với các vận động viên bởi đường chạy diễn ra giữa hàng thông xanh ở Biển Hồ và hàng cây um tùm bóng mát ở trung tâm thành phố Pleiku. Mỗi vận động viên tham gia giải chạy vô cùng háo hức vì họ đã góp một phần nhỏ bé cho việc hiện thực hóa giấc mơ đại ngàn. Chia tay phố núi Pleiku, mọi người đều thầm mong vùng đất đỏ bazan này sớm phủ kín bóng cây xanh mát.