📞

Giải pháp cho công trình xanh với các vùng khí hậu ở Việt Nam

09:30 | 30/05/2014
Ngày 29/5, tại Hà Nội, Hội đồng công trình xanh Việt Nam phối hợp với Đại học Xây dựng tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp cho công trình xanh ứng với các vùng khí hậu của Việt Nam”.
(Ảnh minh họa)

Khái niệm về công trình xanh được khởi nguồn từ các nguyên tắc thiết kế kiến trúc cơ bản như: chọn hướng nhà sao cho tối ưu hóa hay hạn chế ánh nắng mặt trời, thông gió tự nhiên, sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Các giải pháp xanh phổ biến hiện nay bao gồm: lan chắn nắng, mái hai lớp để che nắng và thông gió, phân bố cửa sổ hợp lý, tăng diện tích thông tần, giếng trời, sử dụng vật liệu cách nhiệt tốt, thiết kế hướng nhà phù hợp, tận dụng vật liệu địa phương như tường tre, mái tre.

Các chuyên gia tại Hội thảo đều có chung quan điểm, phát triển xây dựng xanh là một bộ phận gắn liền với phát triển bền vững môi trường đô thị và nông thôn, đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay các công trình xanh của Việt Nam mới chỉ đang ở mức khởi đầu nghiên cứu, thực nghiệm. Thêm vào đó là sự nhận thức chưa đầy đủ, rõ ràng của các nhà xây dựng, đầu tư khiến cho các công trình này vẫn đang chiếm con số khiêm tốn.

Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, phần đông chỉ hiểu công trình xanh theo nghĩa đơn giản đó là những công trình đảm bảo tính xanh, nhìn thấy được màu xanh là trồng cây xanh, lá xanh, mà không hiểu được công trình xanh bao hàm cả yếu tố bền vững, sự tồn tại của con người với công trình. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa về vấn đề này.

Còn theo Phó GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội đồng Xây dựng Xanh Việt Nam, muốn phát triển công trình xanh nhanh và vững chắc thì chúng ta cần phải đào tạo lại, bổ túc kiến thức đối với các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng, các kỹ sư môi trường tương lai về các kỹ năng và nguyên tắc thiết kế. Từ đó hình thành một đội ngũ chuyên gia năng động, từ đó làm nền tảng cho sự thành công của các sáng kiến về công trình xanh ở Việt Nam.

Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia chia sẻ về chiến lược quốc gia để phát triển công trình xanh tại Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này bao gồm 9 mảng chính: Thiết kế quy hoạch địa điểm công trình có tính bền vững môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng tài nguyên nước, vật liệu có hiệu quả, đảm bảo chất lượng môi trường không khí trong công trình, giảm thiểu chất thải…Theo đó, mục tiêu phát triển công trình xanh ở nước ta đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ khoảng 30% số lượng các công trình được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng một nửa số lượng các công trình xây dựng mới đạt yếu tố xanh.

Buổi hội thảo cũng nhận được sự chia sẻ từ các giáo sư đầu ngành đến từ trường Đại học ứng dụng Stuttgart và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công trình bền vững lớn nhất của CHLB Đức. Các giáo sư đều có nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia vào các dự án quốc tế ở các điều kiện khí hậu phong phú và đặc biệt quan tâm đến các công trình thích nghi được với vùng khí hậu đa dạng của Việt Nam.

Giáo sư Volkmar Bleicher, CEO của tập đoàn Transsolar- một trong những công ty hàng đầu thế giới về kỹ thuật công trình thích ứng khí hậu và đồng thời là chuyên viên cố vấn về tiện nghi trong công trình tại Hội đồng Công trình bền vững Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của thích ứng sinh khí hậu trong thiết kế công trình. Bên cạnh việc trình bày các nguyên tắc thiết kế sinh khí hậu phù hợp với điều kiện Việt Nam, Giáo sư Bleicher đã giới thiệu kiểu tòa nhà ZEO tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia như một công trình sinh khí hậu điển hình mà Việt Nam có thể tham khảo.

Diễn Tú