Nhỏ Bình thường Lớn

Giải pháp nào để phát triển mô hình các tạp chí khoa học?

PGS.TS. Phạm Bích San cho rằng, để phát triển tạp chí khoa học theo đúng nghĩa ở Việt Nam phụ thuộc vào việc có một thể chế hiện đại phù hợp cho nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính liêm chính khoa học.
Giải pháp nào để phát triển mô hình các tạp chí khoa học?
Toàn cảnh hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học”. (Ảnh: Lê Hồng)

Ngày 4/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, trong hệ thống Liên hiệp Hội hiện có gần 70 cơ quan báo chí.

Một trong những thế mạnh của báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam là thông tin về Khoa học công nghệ (KHCN), truyền thông phổ biến kiến thức KHCN, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KHCN Việt Nam, cũng như truyền tải thông tin về các mặt của đời sống xã hội.

Thời gian qua, báo chí Liên hiệp Hội đã chấp hành các chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Liên hiệp Hội, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng phát triển mô hình chung cho các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội là một vấn đề không đơn giản. Bởi các tạp chí không có được sự đồng nhất về đặc thù, điều kiện trong quá trình hoạt động và phát triển (các loại hình tạp chí khoa học gồm: Tạp chí khoa học thông tin lý luận; tạp chí khoa học chuyên ngành đặc thù và tạp chí khoa học ứng dụng mang tính xã hội, đại chúng).

Hiện hầu hết các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam đều thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đây là một khó khăn và thách thức lớn, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các tạp chí nói chung, các tạp chí thuộc Liên hiệp Hội nói riêng đang phải chịu sự tác động không nhỏ của truyền thông trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok...

Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS. Phạm Bích San, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam cho biết, trên thế giới, tạp chí khoa học hiện đại đóng một vai trò then chốt, hết sức quan trọng trong việc phát triển KHCN do các tạp chí này công bố các kết quả khoa học mới nhất; khẳng định kết quả lao động và vai trò của cá nhân các nhà khoa học, tập thể khoa học; công nhận bản quyền phát minh.

Theo ông Phạm Bích San, sự vận hành của khoa học hiện đại nói chung và tạp chí khoa học nói riêng, đều dựa trên tính liêm chính của người làm khoa học. Uy tín của một tờ tạp chí phụ thuộc vào chất lượng bài đăng và để làm điều này, cơ chế bình duyệt phải rất nghiêm túc.

Tại Việt Nam, do các bài viết chất lượng không cao và các vấn đề đặt ra nhiều khi không mới, có thể chưa cập nhật, đặc biệt là ở các tạp chí khoa học xã hội, nên các tạp chí ít có sức thu hút. Đồng thời, tính phản biện của các tạp chí cũng không nổi trội. Bên cạnh đó, việc đề cao công bố quốc tế hiện nay khiến các công trình tốt thường được đăng các tạp chí nước ngoài khiến cho các tạp chí trong nước thiếu bài tốt.

Từ đó, PGS.TS. Phạm Bích San cho rằng, để phát triển tạp chí khoa học theo đúng nghĩa ở Việt Nam phụ thuộc vào việc có một thể chế hiện đại phù hợp cho nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính liêm chính khoa học.

Chia sẻ góc nhìn của mình, Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập cho hay, để phát triển các tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội, điều quan trọng trước tiên là phải ổn định về luật và chính sách; đồng thời kiến nghị trong sửa đổi Luật Báo chí tới đây cần quan tâm đến đối tượng tạp chí thuộc các viện nghiên cứu ngoài công lập.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho nhân tố tốt phát triển và triệt tiêu những tiêu cực không đáng có, tăng cường chế tài xử lý sai phạm đủ nghiêm minh nhằm ngăn chặn tận gốc sai phạm trong lĩnh vực báo chí thay vì xóa bỏ các tạp chí khoa học ngoài công lập. Ngoài ra, nâng cao các yêu cầu và điều kiện thành lập tạp chí cũng như việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan tạp chí phải có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo các chuyên gia, trong Luật Báo chí và trong các văn bản của Đảng đã quy định rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng người đứng đầu cơ quan báo, tạp chí phải thực sự là người có đạo đức, có năng lực, gương mẫu trong lối sống, có tự trọng trong nghề nghiệp, định hướng đúng cho hoạt động của tạp chí và phải dám chịu trách nhiệm trước những vi phạm của phóng viên.

Bên cạnh đó, các tạp chí cần phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của tạp chí trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Các cơ quan tạp chí cần có nhiều hơn bài viết phân tích, phản biện khách quan trên cơ sở lĩnh vực khoa học của hội chủ quản và tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan tạp chí cũng cần chủ động phối hợp với nhau và với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để triển khai những tọa đàm, hội thảo về những vấn đề khoa học, cuộc sống, quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Đại diện Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, tại Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/09/2024, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ TT&TT về 4 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Trong đó chính sách đầu tiên liên quan nhiều đến các tạp chí khoa học. Cụ thể là chính sách về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí: Chỉnh lý chính sách không cho phép tạp chí khoa học được mở văn phòng đại diện tại địa phương để bảo đảm tính chủ động của tạp chí và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tạp chí khoa học; phạm vi thông tin của cơ quan báo chí cần phù hợp với tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của thực tiễn, khắc phục vướng mắc, bất cập, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí.

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Chiều 3/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024, trong đó có ...

Hà Nội cứu được 33 cây quý hiếm, lịch sử sau bão Yagi

Hà Nội cứu được 33 cây quý hiếm, lịch sử sau bão Yagi

Tại họp báo chiều 3/10 thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024 của UBND TP. Hà Nội, đại diện các ...

Hà Nội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo 'chất riêng' cho nền kinh tế

Hà Nội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo 'chất riêng' cho nền kinh tế

70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), kinh tế Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to ...

Tái hiện những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội qua triển lãm

Tái hiện những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội qua triển lãm

Triển lãm "Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển" là bức tranh toàn diện, ...