📞

Giải thưởng thông tin đối ngoại toàn quốc lần thứ VI: Lan tỏa giá trị Việt

Vinh Hà 21:43 | 29/07/2020
TGVN. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI tôn vinh những tác phẩm có tính lan tỏa cao, khắc đậm một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, mến khách và hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế.    
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương trao giải thưởng cho tác giả đoạt giải Nhất.

Khác với năm lễ trao giải trước đây, lễ trao giải thưởng năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt - khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở mọi ngõ ngách của thế giới với hệ lụy trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Chính vì thế, việc Ban tổ chức giãn thời gian nhận tác phẩm (từ 31/12/2019 đến 30/6/2020) và mở rộng hai hạng mục mới là video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại đã khiến cho lễ trao giải kịp thời tôn vinh những tác phẩm xuất sắc trong “cuộc chiến” chống đại dịch trên mặt trận tuyên truyền.

Một Việt Nam khác

MV (music video) Ghen Cô Vy là một trong những tác phẩm như thế. Có lẽ không nhiều người chưa từng ít nhất một lần thưởng thức ca khúc Ghen Cô Vy lẫn “vũ đạo rửa tay” nổi danh khắp toàn cầu, đặc biệt sau khi lên “sóng” HBO (Mỹ) trong chương trình Last Week Tonight With John Oliver.

Với giai điệu trẻ trung, ca từ gần gũi, vũ điệu dễ thực hiện, ca khúc Ghen Cô Vy đã phát huy sức mạnh trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tự bảo vệ sức khỏe mà còn tạo tâm lý bớt căng thẳng trong dịch Covid-19. Hay nói như trang Billboard, bài hát này sẽ “mắc kẹt trong tâm trí bạn nhiều ngày”. Không phải MV đầu tiên cổ động về dịch Covid-19, nhưng với sức lan tỏa mạnh mẽ cả trong và ngoài nước lớn thì không phải ca khúc nào cũng làm được như Ghen Cô Vy!

Điều đó lý giải vì sao “siêu phẩm” này được trao giải Nhất của giải thưởng thông tin đối ngoại năm nay. Cùng với Ghen Cô Vy, nhiều tác phẩm đoạt giải là những bài viết chân thực từ điểm nóng tâm dịch, những câu chuyện cảm động về sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, những cách thức lan tỏa năng lượng tích cực, thông điệp yêu thương để cùng nhau vượt qua đại dịch… đã góp phần gắn kết cộng đồng, lan tỏa thông điệp nhân văn “Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ca khúc Ghen Cô Vy lên “sóng” HBO (Mỹ) trong chương trình Last Week Tonight With John Oliver.

Không chỉ một Việt Nam ghi điểm trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, thể hiện qua những sản phẩm thông tin đối ngoại còn là một Việt Nam khác - tích cực, chủ động và có trách nhiệm ở khu vực và thế giới. Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh khi đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 hay trước đó, là đóng góp tích cực trong các cơ chế, hoạt động đối ngoại đa phương như tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan, đăng cai thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai…

Trong phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, vào chính giai đoạn mà cả thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chưa từng có như đại dịch Covid-19, công tác thông tin đối ngoại đã tranh thủ được nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn - đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.

Chủ động “biến thách thức thành thời cơ”, tranh thủ cơ hội quý giá về thông tin đối ngoại mà đất nước ta có được trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam “vừa khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, vững vàng của Đảng ta, vừa thu hút mọi nguồn lực để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI được chính thức phát động từ ngày 27/11/2019 đến 30/6/2020. Ban tổ chức nhận được khoảng 1.300 tác phẩm dự thi, tăng hơn 37% so với mùa giải trước, gồm: 574 tác phẩm báo in và điện tử tiếng Việt, 142 tác phẩm báo in và điện tử tiếng nước ngoài; 268 tác phẩm phát thanh và truyền hình; 164 tác phẩm ảnh; 108 cuốn sách; 31 video clip và các sáng kiến, ý tưởng sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại. Ban tổ chức đã vinh danh 175 tác phẩm, gồm: 18 giải Nhất, 33 giải Nhì, 44 giải Ba và 80 giải Khuyến khích. Trong đó, chùm bài "Nụ cười đất nước tôi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc" của phóng viên Phạm Thúy Hằng, báo Thế giới & Việt Nam giành giải Khuyến khích.

Sức hút tự nhiên

Một điểm nhấn của giải thưởng năm nay là sự tham gia của nhiều tác giả, nhóm tác giả là người nước ngoài, đơn cử dự án truyền thông We thank you Vietnam – Việt Nam cố lên của giáo viên người Anh Wayne Worrell Michael và nhóm người nước ngoài sống tại Việt Nam hay như loạt bài về Biển Đông (đăng trên báo Times of India bản điện tử) của biên tập viên cao cấp người Ấn Độ Rudroneel Ghosh.

Ông Wayne Worrell Michael, 54 tuổi là một giáo viên tiếng Anh, sau 10 năm sống và làm việc tại Hà Nội, ông đã có một gia đình nhỏ cùng ba người con trai. Khi việc dạy học bị gián đoạn do dịch Covid-19, ông Wayne nhận nhiệm vụ “làm bố fulltime” và “muốn làm điều gì đó” để giữ thái độ sống lạc quan, đặc biệt là tạo không khí vui vẻ, đoàn kết giữa mùa dịch.

We thank you Vietnam - Việt Nam cố lên ra đời như thế. Cùng với 29 người bạn khác từ nhiều quốc gia, ông Wayne quay các clip, làm bộ ảnh về thông điệp ghi trên giấy nhằm động viên Việt Nam chống dịch... Các thành viên đều là công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành Việt Nam. Mục đích của dự án, như chia sẻ của ông, “Tôi yêu đất nước Việt Nam và muốn kết nối cộng đồng người nước ngoài tại đây với người dân trong nước để họ xích lại gần nhau hơn, đoàn kết trong thời điểm khó khăn này”.

Dự án "We thank you Vietnam - Việt Nam cố lên" có sự tham gia của 30 người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.

Còn với nhà báo Rudroneel Ghosh, sự quan tâm đối với Việt Nam bắt đầu từ sự ngưỡng mộ của ông về một “đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh” có nhiều điểm tương đồng với đất nước sông Hằng như cuộc đấu tranh giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân hay “sự nổi lên trong một trật tự châu Á mới”.

Ông không nhớ về số lượng bài báo từng viết về Việt Nam trên mọi khía cạnh, từ quan hệ Ấn Độ - Việt Nam dưới thời Thủ tướng Modi 2.0 đến sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông hay cuộc chiến chống Covid-19 thể hiện “ý chí sắt đá” làm nên một hiện tượng mang tên Việt Nam…

Khi biết loạt bài về Biển Đông của mình giành giải Nhất, ông Rudroneel rất vui “và thực sự biết ơn vì các bài viết của tôi về vấn đề Biển Đông được ghi nhận”. Lý giải về việc tập trung vào chủ đề “nóng” này, ông cho biết: “Thực tế là khi cán cân quyền lực toàn cầu chuyển từ phương Tây sang phương Đông, châu Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông, sẽ nổi lên như một trung tâm tăng trưởng toàn cầu. Điều này là do sự thay đổi nhân khẩu học, các nền kinh tế và cơ sở công nghệ đang gia tăng ở các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Vì thế, những gì xảy ra ở Biển Đông sẽ quyết định tiến trình của thế giới”. Biển Đông ngày nay là một vấn đề địa chính trị rất quan trọng và ông hy vọng các bài viết của mình có thể làm sáng tỏ điều này.

Các tác phẩm của ông Wayne và ông Rudroneel nằm trong số 30 bài viết, tác phẩm của phóng viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản nước ngoài và của người Việt Nam ở nước ngoài tham dự giải lần này. Đánh giá về sự gia tăng số lượng các tác giả “ngoại” vào giải thưởng năm nay, ông Bùi Trường Giang - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều nước bị phong tỏa, ảnh hưởng lớn đến công tác tham gia Giải thì sự hiện diện đông đảo hơn của người nước ngoài đã “chứng tỏ sự lan tỏa sâu rộng của Giải thưởng cũng như kết quả triển khai công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trong suốt thời gian qua”.

“Việt Nam nổi lên là một quốc gia rất quan trọng trong khu vực Biển Đông. Điều này là do cách tiếp cận thẳng thắn của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực. Việt Nam đã lên tiếng về việc tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp như tranh chấp trên Biển Đông thông qua tham vấn và hợp tác. Chúng tôi hy vọng Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN sẽ có ảnh hưởng trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông cũng như ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là lý do tại sao Việt Nam là một đối tác quan trọng đối với Ấn Độ hiện nay”. (Ông Rudroneel Ghosh, báo Times of India trả lời phỏng vấn của TG&VN)