Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản. (Nguồn: Báo Hà Nội Mới) |
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, xây dựng vùng nguyên liệu là vấn đề quyết định với nông nghiệp hiện nay. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn không thiếu công nghệ chế biến, họ chỉ thiếu nguyên liệu. Bộ đang từng bước xây dựng vùng nguyên liệu nhưng chưa gắn kết được với đơn vị tiêu thụ.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ đang xây dựng đề án thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu với sự hỗ trợ về khuyến nông, cơ sở hạ tầng... Đó là tại tỉnh Sơn La và Hòa Bình chuyên về chanh leo và dứa; trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC tại Huế và Quảng Trị; cà phê ở Đắk Lắk và Gia Lai; rau, cây ăn quả ở Long An, Tiền Giang, vùng Đồng Tháp Mười; lúa chất lượng cao ở Kiên Giang, An Giang.
Tổng quy mô vùng nguyên liệu khoảng 26.000 ha. Đây là các vùng nguyên liệu lớn để cung cấp cho doanh nghiệp đủ số lượng và chất lượng đảm bảo cho xuất khẩu. Với những vùng nguyên liệu nhỏ hơn sẽ thực hiện theo các chương trình của địa phương. Doanh nghiệp có thể đề xuất Bộ hỗ trợ tạo vùng nguyên liệu với sự đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Từ lăng kính của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, bà Phạm Thị Hà Anh, Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Bình Minh cho biết, nếu đảm bảo được 3 yếu tố: đầu vào, đầu ra và nền tảng sản xuất sẽ đưa được các sản phẩm ra nước ngoài. Công ty đã từng bao tiêu nông sản ở Lai Châu và đã từng thất bại vì vùng chuyên canh quá xa, phải thuê thêm nhiều nhân viên, tốn thêm nhiều chi phí nhân công và logistic. Do đó, giải pháp là ngành nông nghiệp phải quy hoạch vùng nguyên liệu và khi xây dựng vùng chuyên canh cần xác định chứng chỉ ngay cho vùng đó.
Theo bà Phạm Thị Hà Anh, khâu phân loại từ hàng thô đến chế biến là khâu cần nhiều nhân lực và cần vai trò của hợp tác xã. Vấn đề cần xử lý là nền tảng sản xuất, bởi nền tảng sản xuất hạn chế thì phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp càng khó khăn.
Đồng tình quan điểm trên, đại diện Công ty MM Mega Market cho rằng, sản phẩm cần thông qua hợp tác xã thu mua và giữ được giá trị sản phẩm, từ đó mới thống nhất được giá sản phẩm. Hợp tác xã phải là cầu nối giữa người sản xuất với các công ty tiêu thụ, xuất khẩu.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị, nhiều nông dân còn chưa biết những kiến thức cơ bản để đưa hàng vào các kênh bán lẻ. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự phổ cập, đào tạo kiến thức cơ bản cho nông dân, hợp tác xã.
Về cung cấp thông tin đầu vào cho doanh nghiêp bán lẻ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục sẽ cung cấp thông tin về sản phẩm, thời vụ, chất lượng, số lượng… cho doanh nghiệp. Để có điều này, Bộ và một số địa phương sẽ ký các chương trình hợp tác để xác định trách nhiệm các bên trong sản xuất. Địa phương nào tham gia chương trình hợp tác này sẽ phải xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo yêu cầu của các nhà phân phối và doanh nghiệp thu mua.
“Cục cũng mong muốn các doanh nghiệp đặt hàng để Cục và địa phương để từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.”, ông Nguyễn Như Cường cho hay.
Về vấn đề bảo đảm chất lượng nông sản, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngành nông nghiệp đang hướng tới cấp mã số vùng trồng cho những nông sản chủ lực. Việc cấp mã số vùng trồng, nông dân sẽ phải sản xuất theo đúng quy trình.
Những nông sản ở vùng cấp mã số không chỉ để cho xuất khẩu mà còn cho cả thị trường trong nước. Khi đó, doanh nghiệp thu mua được sản phẩm như ý, người dân có trách nhiệm trong sản xuất. Doanh nghiệp có thể đặt hàng với những sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng.
Trước đề xuất việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ đào tạo kiến thức cho nông dân, hợp tác xã, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, Bộ sẽ hỗ trợ và mong muốn sự phối hợp của các doanh nghiệp để trực tiếp phổ biến các tiêu chuẩn đưa hàng vào hệ thống, kênh phân phối.
Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ nghiên cứu về kế hoạch hợp tác giữa hai đơn vị trong trước mắt cũng như lâu dài.