📞

Giám đốc Seed To Table: “Tôi đến Việt Nam không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình yêu”

23:16 | 26/03/2019
Đến Việt Nam khi mới bước qua tuổi 20, ở lại đất nước hình chữ S này cũng đã 21 năm, sáng lập viên của Seed To Table - bà Ino Mayu cảm nhận đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của bà dành cho đất nước và con người Việt Nam.
Bà Ino Mayu nói chuyện với bà con nông dân về lợi ích của việc trồng rau hữu cơ (Ảnh: Seed To Table)

Khi được hỏi về lý do khiến bà đến và ở lại Việt Nam lâu như vậy, bà Ino Mayu đã mỉm cười, thốt lên “Nói về Việt Nam ư? Tôi chỉ muốn nói một chữ “Tuyệt”" và một nụ hạnh phúc mà bà đã dành cho “Thế giới & Việt Nam” trong buổi nói chuyện về Seed To Table đầy thú vị, tại một một quán cà phê nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

Seed to Table là một tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ Nhật Bản dành cho những hoạt động cộng đồng về các dự án nông nghiệp bền vững với môi trường tại Việt Nam.

Thưa bà, Seed To Table là một trong những tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ Nhật để tài trợ cho các dự án cộng đồng tại Việt Nam. Bà có thể chia sẽ thêm thông tin với bạn đọc của TG&VN? 

Bà Ino Mayu: Đúng vậy. Chính phủ Nhật có những chương trình hỗ trợ không hoàn lại cho các tổ chức phi lợi nhuận phục vụ cho các hoạt động cộng đồng với quy mô nhỏ ở nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, và trong đó có Việt Nam.

Seed To Table được thành lập năm 2009 tại Tokyo, là tổ chức được thành lập “thừa kế” trên nền tảng từ một tổ chức phi lợi nhuận khác mà tôi cũng là một thành viên. Tổ chức này cũng hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ nông nghiệp, đào tạo và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường cho các dự án tại Việt Nam.

Bà Ino Mayu - Sáng lập viên của Tổ chức Seed to Table

Sau khi hết thời gian hoạt động tại Việt Nam, tổ chức này giải thể. Tuy nhiên, tôi thấy các dự án vẫn còn dang dở và chưa đi đến mục tiêu ban đầu. Do vậy, thay vì về Nhật, tôi đã quyết định xin Chính phủ để thành lập Seed To Table và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ tổ chức PACCOM, là tổ chức duy nhất của Chính phủ Nhật có chức năng duy nhất là hỗ trợ cho các dự án phi chính phủ tại Việt Nam.

Đến nay Seed to Table đã có mặt ở Việt Nam gần 10 năm rồi.

Không chỉ là người từng tham gia các dự án trước đây và trong khoảng thời gian đó, cũng như khi bà là người sáng lập của Seed To Table. Vậy trong quá trình triển khai các dự án, vấn đề nào để bà quan tâm nhất?

Bà Ino Mayu: Trước khi tham gia vào các dự án tại Việt Nam, tôi cũng tìm hiểu và được biết Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm đến các vấn đề để nghiên cứu, chuyển giao và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhưng vì nhiều lý do mà các chương trình đã không đạt được kết quả như ý.

Do vậy, khi tổ chức cũ vào làm việc và ngay cả khi tôi đã “tiếp quản” lại quy trình đã triển khai trước đó, có lẽ do không đủ thời gian để triển khai các kế hoạch, nên tôi thấy cả một dây chuyền sản xuất vẫn còn có nhiều mắt xích bị bỏ trống, chẳng hạn như đầu ra của sản phẩm, vấn đề xử lý con giống, việc chăm sóc như thế nào… vẫn còn có nhiều vấn đề phải bàn tới.

Ví dụ, năm 2005, bà con ở tỉnh Hòa Bình được sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cung cấp con giống. Nhưng do chưa có kiến thức về chọn lựa và xử lý con giống, các sản phẩm được nhập từ Trung Quốc bị sâu bệnh. Và cũng do là chương trình đại trà, nên lần đó, bệnh dịch lan ra toàn tỉnh một cách nhanh chóng, người nông dân bị thiệt hại nặng nề.

Do đó, Seed To Table nghĩa là “từ hạt giống đến bàn ăn”, vì tôi mong muốn người nông dân Việt Nam sẽ không chỉ cải thiện được kinh tế, tiếp cận được những sản phẩm sạch tốt sức khỏe và cả là được sống trong môi trường

Và sau 10 năm có mặt ở Viêt Nam, các dự án của Seed To Table triển khai như thế nào và kết quả ra sao, thưa bà?

Bà Ino Mayu: Sau khi thành lập, tôi đã cùng Seed To Table, ngoài việc chuyển giao công nghệ làm nông nghiệp sạch bền vững, còn nghiên cứu và tìm phương pháp giúp bà con hiểu cách sử dụng con giống, những lợi thế cũng như bất cập của giống mới, giống cũ… cũng như cách chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra.

Thêm nữa, tôi may mắn tiếp quản một “sự nghiệp” của tổ chức cũ để lại. Điều đó, đã giúp cho Seed to Table giảm thiếu rất nhiều thời gian để xin giấy phép, cũng như tiếp cận với các cơ quan đoàn thể địa phương. Sau 10 năm hoạt động, Seed To Table cũng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Cụ thể, như việc triển khai cho các cán bộ nòng cốt tại một số địa bàn của tỉnh Bến Tre trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch trong một dây chuyền khép kín: chọn giống, cách trồng và chăm sóc; Làm nhà vườn để có hiệu quả cao và chống sâu bệnh; Tập huấn việc mở những cửa hàng rau sạch, đóng gói sản phẩm… Kết quả là thu nhập của hàng ngàn bà con nông dân được nâng cao rõ rệt, khi sản phẩm sạch có giá thành cao hơn.

Đồng thời, mô hình ngày càng được nhân rộng về quy mô và chất lượng, không chỉ ở các địa bàn tỉnh Bến Tre, mà còn được bà con nông dân ở các địa bàn lân cận như Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… đến để học hỏi và làm quen.

Bên cạnh đó, điều tôi tâm đắc nhất là thông qua mô hình làm nông nghiệp sạch này, người dân và các em học sinh cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và biết cách bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời, thông qua việc được ăn những loại rau quả nông nghiệp sạch, họ sẽ yêu hơn phong cách hương vị ẩm thực của địa phương, cũng như biết cách ăn sản phẩm như thế nào để tốt cho sức khỏe của mình.

Hoat động vườn rau hữu cơ của các em học sinh tại trường PTTH Phan Ngọc Tòng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (Ảnh: Seed To Table)

Bà vừa nhắc đến các em học sinh. Có phải dự án Seed To Table không chỉ áp dụng mô hình này dành cho những người nông dân? 

Bà Ino Mayu: Đúng vậy. Ngoài việc chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân, Seed To Table còn đem mô hình này vào tại một số trường phổ thông cấp 2 và cấp 3 tại tỉnh Bến Tre. Thông qua chương trình, các em có thể tự làm ra các sản phẩm, rồi thu hoạch và bán lấy tiền làm các kế hoạch nhỏ, hay đóng góp vào việc hỗ trợ cho nhà trường trang bị thêm cơ sở vật chất.

Chương trình được các em rất thích thú, vì đã có được những đồng tiền do chính mình làm ra. Đồng thời, cũng giúp cho các em học sinh dần thay đổi tư duy, nhận thức, quan điểm và biết nói không với những vấn đề có hại cho sức khỏe và môi trường sống. Vì vậy, chương trình được các nhà trường ủng hộ rất nhiệt tình. Hiện nay, Seed to Table đã triển khai được tại 12 điểm trường học và tôi cũng hy vọng mô hình này sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa.

Việt Nam là một nước phát triển về nông nghiệp, nhưng nền tảng cho việc làm ngông nghiệp sạch thực sự vẫn đang ở giai đoạn đầu. Vậy làm thế nào để các địa phương có thể tiếp cận đến được các dự án của Seed To Table? 

Bà Ino Mayu: Phải nói thật là tôi rất vui. Vì sau khi chương trình triển khai và mang lại kết quả tại các địa phương của tỉnh Bến Tre, lãnh đạo nhiều địa phương, cũng như hội nông dân, Hội khuyến nông ở một số địa bàn các tỉnh thành của Việt Nam cũng đã mạnh dạn đề nghị See To Table hỗ trợ.

Tuy nhiên,  Seed to Table là một tổ chức nước ngoài, nên mọi vấn đến của chúng tôi đều bị ràng buộc, giám sát bởi Chính phủ Nhật trong việc sử dụng nguồn tài trợ sao cho có hiệu qảu và với ngay các cơ quan đoàn thể của địa phương trong việc cấp phép hoạt động… Do đó, hiện chúng tôi cũng đang chọn lọc địa phương phù hợp nhất để có thể triển khai trong thời gian tới.

Mẹ con cô Phan Thị Hồng Nguyên ở Bến Tre là một trong số những gia đình được hỗ trợ bởi "ngân hàng bò" của Seed To Table (Ảnh: Seed To Table)

Thành công của Seed To Table là không thể phù nhận. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để có được kết quả đó, Seed To Table cũng không hẳn chỉ là thuận lợi?  

Bà Ino Mayu: Tôi được biết Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chương trình đưa cán bộ ngành nông nghiệp tại một số địa phương đi học tập ở một số nước khác như Đan mạch, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc cũ... nên tôi nghĩ đây là một chương trình mang lại lợi ích rất lớn cho người dân Việt Nam, cũng như nhà nước Việt Nam cũng sẽ giảm rất nhiều chi phí cho việc đào tạo cán bộ...

Tuy nhiên, thời gian đầu, chúng tôi mất khá nhiều thời gian để thuyết phục họ hợp tác do có một số suy nghĩ cục bộ. Có lẽ do họ nghĩ đây chỉ là việc hỗ trợ cho Seed To Table chứ không phải là vì quyền lợi của người dân địa phươn, việc xin giấy phép triển khai dự án, cũng như việc giới thiệu những cán bộ nòng cốt của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn mất khá nhiều thời gian. Đó là vấn đề mà chúng tôi rất quan ngại, bởi sẽ không còn nhiều thời gian làm dự án.

Nhưng đến nay, bằng những hiệu quả mà Seed To Table đã mang lại cho địa phương, "rào cản" đó cũng đã được khắc phục rất nhiều và tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo địa phương trong thời gian tới, để Seed To Table hoàn thành được các kế hoạch cũng như sứ mệnh của mình.

Mục tiêu của Seed to Table thời gian tới như thế nào? 

Bà Ino Mayu: Hơn 20 năm trước, tôi đến với Việt Nam trong vai trò là thành viên của tổ chức cũ và ngay cả hiện tại, tôi đang là giám đốc của dự án Seed To Table, với vai trò nào tôi cũng đến đây nhằm để mang đến những lợi ích thiết thực nhất cho người nông dân Việt Nam.

Nhất là khi tôi đến những khu vực nông thôn, cuộc sống của họ còn khó khan, nông nghiệp là ra thì không có giá trị trên thị trường và điều đó càng khiến tôi có trách nhiệm nhiều hơn và xem các dự án của Seed To Table là những sứ mệnh. Nên đã không phải vì tiền, hay vì thành tích... Mà trong đó, là cả tình yêu mà tôi đã dành cho Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua... Hiện tôi cũng đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình rồi (cười)

Để nói tới những dự án sắp tới, hiện chúng tôi đang xin gia hạn thêm 3 năm, cũng như kinh phí từ phía Chính phủ Nhật để triến khai tiếp một số chương trình tại tỉnh Đồng Tháp và hy vọng, thời gian việc gia hạn giấy phép sẽ nhanh hơn, vì địa phương này đã lên tiếng đề nghị sự hỗ trợ của Seed To Table từ giữa năm 2018, nhưng do đang triển khai tại Bến Tre và năm nay chúng tôi mới triển khai được.

Xin cảm ơn và chúc bà cùng Seed To Table sẽ gặt hái được thành quả cao trong chương trình sắp tới.