Dựa trên cơ sở dữ liệu dồi dào gấp 100 lần so với những nghiên cứu trước đây, nghiên cứu mới nhất này khẳng định so với tính toán, lượng khí methane (CH4) sản sinh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu khí ga, dầu và than trên thực tế hiện nay cao hơn từ 20-60% so với tính toán. Trong khi đó, lượng khí thải methane từ hoạt động công nghiệp và các nguồn địa chất tự nhiên cộng lại trên thực tế cũng cao hơn từ 60-110%.
Hình minh họa. (Nguồn: Al-Jazeera) |
Khí thải methane được coi là nguồn lớn thứ hai gây tình trạng ấm lên toàn cầu, chỉ sau khí carbon dioxide (CO2), theo đó khí methane là tác nhân đóng góp 20% mức tăng nhiệt độ Trái Đất kể từ thời kỳ đầu cách mạng công nghiệp vào giữa thế kỷ 18. Nồng độ khí methane tích tụ trong bầu khí quyển đã tăng gấp 2 lần trong 250 năm sau đó, trước khi chạm mức đỉnh điểm vào năm 1999. Cho đến năm 2007, lượng khí thải methane duy trì ổn định. Do đó, việc giảm khí methane được xác định là yếu tố then chốt kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái Đất.
Không khí ô nhiễm tại Trung Quốc. (Nguồn: Sky News) |
Theo nhận định của ông Stefan Schwietzke, nhà khoa học thuộc Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu trên, những đánh giá về khí thải và những nghiên cứu về khí quyển đã không tính toán đúng lượng khí methane sản sinh qua quá trình phát triển nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng những phát hiện mới này có thể tác động lớn đến nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thêm vào đó, giới khoa học cần đánh giá lại các kịch bản về khí thải vốn được căn cứ để đưa ra những dự báo về sự biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo công bố hồi đầu tháng 8, nồng độ CO2 trung bình toàn cầu trong năm 2015 là 399,4 phần triệu, tăng 2,2 phần triệu so với năm trước đó. CO2, CH4 và nitric dioxide (NO2) là 3 thành tố chính trong khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nguồn tự nhiên như đầm lầy, cháy rừng, mối và các loài động vật hoang dã cũng đóng góp một phần nhất định vào lượng khí thải toàn cầu.