Giảm nghèo bền vững: Cần đặt con người ở vị trí trung tâm. Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 27/7. |
Sáng 27/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Những kết quả đáng ghi nhận
Đa số đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo của cơ quan thẩm tra. Theo đó, thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%/năm.
Nhiều đại biểu cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những điểm sáng của Việt Nam được các nước trên thế giới ghi nhận. Rất nhiều những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy đất nước đã đi đúng hướng, đem lại niềm tin của người dân vào đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Việt Nam cũng là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, có nghĩa là ngoài chỉ số về thu nhập thì chuẩn nghèo còn có các chỉ số về xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin..
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cho thấy kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai.
Nguồn lực thực hiện chương trình chưa đảm bảo, còn dàn trải, manh mún, các mô hình sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ nhưng hiệu quả kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Các mục tiêu về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, sử dụng nước, hợp vệ sinh, sử dụng điện lưới quốc gia chưa đạt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.
Khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo
Theo đại biểu Âu Thị Mai, đoàn Tuyên Quang, để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế trong giai đoạn vừa qua, cần phải “đặt người nghèo ở vị trí chủ thể trung tâm của công tác giảm nghèo". Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo.
"Khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước mà phải sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo", đại biểu nói.
Đại biểu cũng mong muốn các thiết kế chính sách sẽ quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Bởi vì, nhóm hộ cận nghèo và mới thoát nghèo là nhóm có ranh giới rất mong manh, có thể chuyển sang hộ nghèo bất cứ lúc nào, chỉ cần một tác động rất nhỏ trong đại dịch Covid-19.
Đại biểu nhấn mạnh cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người. "Hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, điều cốt lõi hơn đó chính là phải thiết kế được những chính sách mềm, phải dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân. Theo quan điểm của tôi là đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho các vấn đề đào tạo nghề và sinh kế cho người dân", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long: Cần khơi dậy ý thức chủ động vượt khó, vươn lên thoát nghèo của người dân. |
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long cho rằng nên tiếp tục rà soát, dỡ bỏ, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, cho không, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ, so bì chính sách, khơi dậy ý thức chủ động vượt khó, vươn lên thoát nghèo của người dân.
Đại biểu còn cho rằng việc xác định các tiêu chí hộ nghèo trong giai đoạn mới phải thực chất hơn. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong khai thác nguồn lực từ các đề án hợp tác quốc tế để có thêm nhiều cơ hội kinh nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến, tăng khả năng, kỹ năng tiếp cận nguồn lực tài chính, thực hiện các mô hình sinh kế, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bền vững cho hộ nghèo, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo các cấp để có sự nhất quán, từ nhận thức đến cách nghĩ, cách làm, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.
Cần bố trí cân đối, hợp lý
Thống nhất cao về chủ trương đầu tư Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn Yên Bái, cho rằng, sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ, các Bộ, ngành cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về nội dung, đối tượng, nguyên tắc hỗ trợ, các tiêu chí, định mức,… để các địa phương chủ động trong việc thực hiện Chương trình.
Đại biểu cũng đề nghị, trong việc thiết kế chính sách giảm nghèo, cần cân đối hợp lý giữa các chính sách hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ cho không; giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững.
Về cơ chế điều hành, đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn Hà Nam, đề nghị trong quá trình thực hiện cũng cần có sự phân cấp phân quyền cho địa phương, chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm, lối sống, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng vừng miền đảm bảo sát thực tế.
Để chương trình được đảm bảo triển khai một cách đồng bộ hiệu quả, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình, đề nghị Chính phủ xem xét cân đối bố trí kinh phí hợp lý giữa các đề án và tiểu đề án; Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cần thể hiện rõ sự kết nối giữa các ngành liên quan đặc biệt là sự vận động chung tay của các doanh nghiệp trong vấn đề liên kết tạo sản phẩm và ưu tiên tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm; …
Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần có mục tiêu bình đẳng giới xuyên suốt trong cả Chương trình; Đề nghị bổ sung mục tiêu hỗ trợ đào tạo cho con em hộ nghèo, bảo đảm y tế cho hộ nghèo để bảo đảm thoát nghèo bền vững; Phải đưa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào chỉ tiêu đánh giá cho toàn bộ giai đoạn 2021-2025; Đánh giá chi tiết cụ thể số liệu về các hộ nghèo trong bối cảnh dịch bệnh để đưa ra các chỉ tiêu cụ thể hơn;….
Một số ý kiến khác cho rằng, cần tính toán phương án huy động nguồn lực. Nguồn lực xã hội hóa huy động hiện nay cũng rất lớn. Cần huy động xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, điện để các hộ nghèo vươn lên, giảm nghèo bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ sinh kế;...
| Chủ tịch Quốc hội: Thực hiện bằng được mục tiêu gia đình có công có mức sống ngang hoặc cao hơn mức trung bình Sáng nay 27/7, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu nhân ... |
| Đưa công tác đối ngoại của Quốc hội lên tầm cao mới Chiều 26/7, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất để triển khai công tác ... |