📞

Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo

Nhã Anh 10:15 | 16/10/2021
Nhìn vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có thể thấy quyền lợi của người dân đã được đặt làm trung tâm, khẳng định mọi tầng lớp nhân dân đều có cơ hội bình đẳng thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bảo đảm quyền con người theo chuẩn nghèo mới

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Theo chuẩn nghèo mới, các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016-2020.

Sự thay đổi này nhằm mục tiêu không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn thông qua các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các chỉ số đo lường đã được cập nhật, bổ sung nhằm nhận diện được bản chất của nghèo đói như chỉ số dinh dưỡng, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ giáo dục của người lớn; đồng thời bổ sung các chỉ số đo lường thiếu hụt về việc làm của người nghèo. Đây là chỉ số phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân; chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian.

Bên cạnh đó, các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người nghèo được nhà nước quan tâm, bù đắp, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hiện hành ngày càng được cải thiện và nâng cao để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ngày 27/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021.

Chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 với tiêu chí thu nhập đã tiếp cận bằng mức sống tối thiểu của người dân tại thời điểm năm 2021 với thu nhập bình quân đầu người một tháng tại khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng, khu vực thành thị là 2.000.000 đồng.

Trên cơ sở chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, số lượng người nghèo được hưởng thụ chính sách tăng 2,3 lần tại thời điểm năm 2022. Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện công tác rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để làm căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, giải pháp giảm nghèo.

Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực để thực hiện hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ mọi mặt về đời sống kinh tế, xã hội cho hộ nghèo như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.

Vậy, cụ thể hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo như thế nào?

Một là, hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn tối đa 100 triệu đồng không phải đảm bảo tiền vay, trường hợp vay vốn đi xuất khẩu lao động thì được vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật, lãi suất hiện nay là 6,6%/năm (0,55%/tháng).

Hai là, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại từ nhà đến viện, từ bệnh viện về nhà khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng phải đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật đối với phần người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.

Ba là, trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Bốn là, hỗ trợ vay vốn làm nhà ở, nước sinh hoạt và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Năm là, hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng.

Sáu là, người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, cấp phát miễn phí tờ rơi, băng đĩa pháp luật.

Song song với hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên, Việt Nam phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (từ năm 1998) tập trung hỗ trợ có mục tiêu cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và người nghèo.

Ngày 28/7, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được triển khai kịp thời sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nghèo đói trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có mục tiêu, có thời hạn bảo đảm quyền con người. (Nguồn: Nhân dân)

Giải quyết các vấn đề nghèo đói trọng tâm, trọng điểm, cấp bách

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được triển khai kịp thời sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nghèo đói trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có mục tiêu, có thời hạn bảo đảm quyền con người.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại dịch Covid-19 có thể đã đẩy 80 triệu người ở châu Á rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực.

Trên cơ sở đó, Chương trình tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nghèo, đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm tốt, hỗ trợ đối tượng yếu thế không rơi vào tình trạng nghèo đói.

Đối với địa bàn nghèo, Chương trình tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đối với người nghèo, Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đảm bảo nâng cao thu nhập cho hộ nghèo thông qua các hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

Đồng thời, Chương trình cũng hỗ trợ người lao động trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài; cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững.

Đặc biệt, Chương trình chú trọng cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em 0-16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, Chương trình còn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai.

Người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn cũng sẽ được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thông tin, viễn thông, dịch vụ truy nhập internet để năng cao kiến thức, năng lực thoát nghèo, phục vụ sản xuất, tìm việc làm, tạo sinh kế bền vững; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Qua đó giúp khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo cũng sẽ được thúc đẩy, nhân rộng nhằm lan tỏa tinh thần giảm nghèo bền vững trong xã hội.

Cùng với đó, Việt Nam cũng sẽ nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương không rơi vào tình trạng nghèo đói; giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Nhìn chung, đây là những chính sách rất nhân văn, thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đến từng "miếng cơm manh áo" của người dân, đặt người dân vào trung tâm của các quyết sách, thực hiện đổi mới dựa vào nhân dân, “lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định.