Đây là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường tại Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, ngày 4/12 tại Hà Nội.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng mở cửa nên quy mô, kim ngạch xuất nhập khẩu đã lớn gấp đôi GDP. Các hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng mạnh mẽ, do vậy quản lý hải quan đang gặp những thách thức lớn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường phát biểu tại Hội thảo ngày 4/12. (Ảnh: V.C) |
Cách tiếp cận phù hợp là cần áp dụng phương pháp quản lý rủi ro dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đây được xem là khâu trọng yếu, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước vừa giúp lãnh đạo doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và qua đó nền kinh tế sẽ thu được lợi ích và doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ tiến trình này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng, hoàn thiện Thông tư ban hành cơ chế đánh giá tuân thủ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Bộ tiêu chí đánh giá (về sản xuất, buôn bán hàng hóa, thuế, hải quan) dùng để phân loại mức độ tuân thủ pháp luật trong lần soạn thảo này dự kiến sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Cường khẳng định, hiện ngành hải quan đang thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động hải quan bằng biện pháp quản lý rủi ro - đây là bước mà hải quan các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực và kiểm soát hiệu quả ngành hải quan.
Ngành hải quan hiện cũng đang đánh giá doanh nghiệp dựa trên 3 loại (luồng xanh – luồng vàng – luồng đỏ) và phân làm 7 hạng. Nhưng tiến đến để phù hợp với tiêu chuẩn hải quan thế giới và công nghệ quốc tế, ngành hải quan sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp theo 4 loại: Tuân thủ cao – Tuân thủ trung bình – Tuân thủ thấp – Không tuân thủ.
“Từ bộ tiêu chí này, cơ quan hải quan sẽ áp dụng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện tốt để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời nâng cao kiểm soát, chống gian lận thương mại...” – ông Cường nói.
Theo ông Cường, việc công khai minh bạch tiêu chí đánh giá là cần thiết, giúp hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý, đồng thời giúp doanh nghiệp tự xem xét việc thực hiện tuân thủ pháp luật của mình. “Nếu cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp cùng làm tốt điều này sẽ hướng đến môi trường kinh doanh tốt hơn, giảm thiểu tiêu cực trong tổ chức thực hiện ở cơ quan hải quan các cấp” – ông Cường cho hay.
Việc công khai minh bạch tiêu chí đánh giá là cần thiết, giúp hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý của ngành hải quan. (Nguồn: Báo Hải quan) |
Góp ý cho Dự thảo, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế C&A Đặng Thị Bình An kiến nghị, cần lựa chọn tiêu chí để đánh giá thực chất hoạt động của doanh nghiệp. Việc có quá nhiều tiêu chí khiến doanh nghiệp rất khó nhận biết mình đã vi phạm tiêu chí nào trong khi đó quy định thời gian khắc phục là quá lâu (365 ngày). Công ty cũng kiến nghị ngành hải quan nên xây dựng tiêu chí đơn giản, dễ nhớ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, Dự thảo đã không tính đến trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan quản lý.
“Trong trường hợp một doanh nghiệp bị cơ quan quản lý nhà nước cưỡng chế tạm dừng hoạt động trong một thời gian nhất định, như thế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng nếu kết luận của cơ quan quản lý chưa chính xác thì doanh nghiệp sẽ làm gì để yêu cầu bồi thường?”, ông Hiền đặt vấn đề. Vì vậy, ông Hiền đề xuất cần sớm đưa chế tài đối với cơ quan công quyền để tất cả các bên đều bình đẳng trước pháp luật.