📞

Gian nan thử sức tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak

Minh Quân 14:00 | 26/10/2022
Chính quyền tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ phải đưa nước Anh vượt qua thách thức chính trị, kinh tế và an ninh chưa từng có trong bốn thập kỷ qua.

Ông Rishi Sunak trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh ngày 25/10. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 24/10, viết trên Twitter cá nhân, cựu Thủ tướng Anh David Cameron hồi tưởng: “Cách đây một thập kỷ, tôi từng dự đoán rằng đảng Bảo thủ sẽ chọn ra một thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên cho nước Anh”. Ngày 25/10, kịch bản đó đã thành hiện thực: Cựu Bộ trưởng Tài chính gốc Ấn Độ Rishi Sunak đã được Vua Charles III đề nghị thành lập chính phủ và qua đó, trở thành Thủ tướng Anh.

Tuy nhiên, đó không chỉ là điểm đặc biệt duy nhất của chính trị gia 42 tuổi này. Ông cũng là Thủ tướng Anh trẻ nhất trong 200 năm qua và Thủ tướng đầu tiên theo theo đạo Hindu. Đồng thời, ông Rishi Sunak là chính trị gia cấp cao hiếm hoi của xứ sở sương mù trong danh sách 100 người giàu nhất: Cùng với phu nhân Akshata Murthy, tổng tài sản của gia đình ông lên tới 837 triệu USD.

Sự đặc biệt ấy càng nổi bật hơn trong bối cảnh nước Anh đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có trong hàng thập kỷ qua.

Khó chồng khó

Tháng Chín vừa qua, biểu tượng của nước Anh hậu Thế chiến II, điểm tựa tinh thần của người dân xứ sở sương mù, Nữ hoàng Elizabeth II, đã băng hà sau 70 năm trị vì. Chỉ trong chưa đầy hai tháng, nước Anh đã thay ba Thủ tướng. Trong số đó, người tiền nhiệm của ông Rishi Sunak, bà Liz Truss trở thành Thủ tướng Anh có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử Anh với vỏn vẹn 45 ngày.

Nội bộ đảng Bảo thủ cũng chia rẽ đáng kể sau cuộc chạy đua giữa bà Liz Truss và ông Rishi Sunak chưa đầy 2 tháng trước. Đáng ngại hơn, uy tín của đảng này trong mắt cử tri đã giảm sút nghiêm trọng: Thống kê mới nhất của Politico (Bỉ), Statista (Đức) cho thấy đảng Bảo thủ chỉ giành được 22% số phiếu ủng hộ nếu tổng tuyển cử diễn ra so với 52% của Công đảng. Khảo sát của YouGov (Anh) tính đến ngày 21/10 thậm chí cho thấy chênh lệch còn lớn hơn, với tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ và Công đảng lần lượt là 19% và 56%.

Tỷ lệ ủng hộ thấp đáng báo động dành cho đảng Bảo thủ có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ rắc rối chính trị liên quan đến vụ “Partygate” của ông Boris Johnson, sai quy trình bổ nhiệm Phó lãnh đạo văn phòng kỷ luật đảng Bảo thủ Chris Pincher hay câu chuyện bà Liz Truss buộc phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwarsi Kwarteng sau hơn 1 tháng bổ nhiệm, trước khi chính mình từ chức vài ngày sau đó.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa và rõ nét hơn cả chắc chắn có liên quan tới kinh tế: Trước tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 và hệ lụy từ xung đột Nga-Ukraine, nước Anh đang trải qua khủng hoảng chưa từng có trong nhiều thập kỷ.

Trước tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 và hệ lụy từ xung đột Nga-Ukraine, nước Anh đang trải qua khủng hoảng chưa từng có trong nhiều thập kỷ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế của Anh chỉ tăng trưởng 1% năm nay và 0,2% năm tới, thấp hơn nhiều lần so với mức 6,6% năm 2021. Hiện GDP của Anh còn kém 0,2% so với quý cuối năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19. Lạm phát tại Anh đã chạm mức 10,1%, cao nhất trong bốn thập kỷ. Niềm tin tiêu dùng ở mức gần thấp nhất lịch sử, với doanh số bán lẻ tháng 9 giảm 1,4%, tệ hơn dự kiến. Tháng qua, London đã vay ròng 20 tỷ bảng, cao hơn tới 1/4 so với kế hoạch ban đầu.

Giá xăng dầu đã dần tăng trở lại sau động thái giảm sản lượng của tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao. Không loại trừ khả năng trong thời gian tới, nước Anh sẽ chứng kiến các vụ đình công tương tự như ở châu Âu, thậm chí là cắt điện khi Nga tiếp tục giảm bán khí đốt.

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence (Mỹ) đã nhận định: “Bất ổn chính trị và kinh tế đã khiến hoạt động kinh doanh (tại Anh) giảm với tốc độ chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009”.

Môi trường an ninh - đối ngoại của Anh cũng gặp phải nhiều thách thức lớn. Xung đột Nga-Ukraine diễn biến phức tạp và chưa thấy hồi kết, trong khi các nỗ lực viện trợ tài chính - quân sự của Anh có thể bị giới hạn nếu nền kinh tế của London tiếp tục gặp khó khăn. Trong khi đó, ông Sunak cần tiếp nối di sản tích cực dưới thời bà Liz Truss trong cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy tiến trình đàm phán Nghị định thư về Bắc Ireland giai đoạn hậu Brexit.

Quản lý tốt quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy chiến lược “nước Anh toàn cầu”, xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua củng cố quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay hiện diện quân sự với các hoạt động tự do hàng hải và thỏa thuận an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) cũng là những nhiệm vụ không dễ dàng với chính quyền của tân Thủ tướng Rishi Sunak.

Quản lý quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy xoay trục sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chiến lược “nước Anh toàn cầu” hậu Brexit sẽ là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của chính quyền ông Rishi Sunak - Ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Ấn Dộ Narendra Modi bên lề Thượng đỉnh COP26, tháng 11/2021. (Nguồn: Reuters)

Các thách thức nêu trên đều đã được giới chuyên gia, truyền thông Anh và quốc tế đề cập những ngày qua. Nhiều người cũng chỉ ra rằng ông Rishi Sunak không có bề dày kinh nghiệm chính trị khi mới bước vào chính trường 7 năm về trước; vì thế, vị trí Thủ tướng Anh là quá sức đối với chính trị gia gốc Ấn 42 tuổi này.

Lửa thử vàng

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không có nhiều chính trị gia có thể hoàn toàn tự tin rằng sẽ lãnh đạo tốt đất nước khi bản thân họ chưa từng ngồi vào vị trí lãnh đạo.

Quan trọng hơn, nhìn vào lịch sử, hầu hết các Thủ tướng được coi là “xuất sắc” của nước Anh đều xuất hiện vào thời khắc khó khăn nhất. Ông Winston Churchill lãnh đạo xứ sở sương mù khi London đứng trước nguy cơ thất bại trong Thế chiến II trước chiến dịch tấn công của Phát xít Đức. Ông Clement Attlee tiếp quản một nước Anh thời hậu chiến bị tàn phá và bên bờ vực phá sản, thiếu thốn nguồn lực về y tế, lương thực, nhà ở cùng ngân sách. Bất chấp các tranh cãi, bà Margaret Thatcher đã trở thành nữ Thủ tướng Anh đầu tiên và có thời gian tại vị lâu nhất thế kỷ XX sau khi triển khai nhiều chính sách đảo ngược lạm phát cao kỷ lục, đưa Anh vượt lên hầu hết các nền kinh tế tại châu Âu vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Hơn 30 năm sau, nước Anh một lần nữa đối mặt những thách thức nghiêm trọng. Giống như bà Margaret Thatcher, ông Rishi Sunak cũng là chính trị gia với nhiều điểm đặc biệt. Song liệu điều đó có giúp tân Thủ tướng Anh đưa xứ sở sương mù vượt qua khó khăn thêm một lần nữa? Vẫn còn quá sớm để khẳng định.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng chính phủ mới sẽ cần hành động sớm và quyết liệt hơn, với tinh thần trong bài phát biểu đã đi vào lịch sử của ông Winston Churchill trước Nghị viện Anh năm 1940, song trước “đối thủ” mới là bất ổn chính trị, khó khăn kinh tế và môi trường an ninh biến động: “Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên mặt đất; chúng ta sẽ chiến đấu giữa những cánh đồng, trên các con phố hay nơi ngọn đồi xa; chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng!”