📞

Giáo dục: Đồng tiền liệu có đi liền chất lượng?

08:15 | 01/07/2018
Không phải ngẫu nhiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lại nhận được nhiều ý kiến chất vấn nhất tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Trong suốt hơn một thập niên vừa qua, người dân đã được "thưởng thức" hết thay đổi này lại đến thay đổi khác của ngành Giáo dục nước nhà. Điều đáng nói, là Bộ Giáo dục đã liên tục thay đổi sách giáo khoa, thay đổi hình thức thi cử nhưng dường như chất lượng giáo dục vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Có Đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi: Nền giáo dục của chúng ta sẽ mất bao lâu để đi hết con đường quá độ của đổi mới ?

Đáp lại câu hỏi ấy, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng: “chúng ta đang đổi mới căn bản và toàn diện nên giáo dục không thể đứng yên”. Nhưng thay đổi cái gì và thay đổi như thế nào để học sinh không thể là vật thí nghiệm thêm nữa?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Mọi sự thay đổi trong giáo dục cần được xây dựng trên cơ sở khoa học với tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn. Chứ không thể chưa nhìn thấy kết quả của dự án này lại có sự ra đời của một đề án mới.

Ở khía cạnh khác, khi học phí thấp, chất lượng đại học khó có thể cao. Vậy khi tăng học phí, liệu chất lượng đại học có cao thật hay không? Liệu đồng tiền có đi liền chất lượng?

Thử hỏi, người ta làm việc vì cái gì? Vì tiền lương?. Tuy nhiên, tiền không phải yếu tố quyết định toàn bộ chất lượng giáo dục. Chỉ đến khi con người đảm bảo nhu cầu tối thiểu về ăn-mặc- ở thì tiền không còn là một động cơ thúc đẩy chất lượng. Lúc này, con người sẽ làm việc vì nhiều điều khác, để được tôn trọng, được khẳng định giá trị, được thể hiện và truyền lại những giá trị đó cho thế hệ sau. Nói như vậy, tiền chỉ là một trong những động cơ bên ngoài nên tăng tiền chưa chắc tăng chất lượng. Tăng chất lượng bền vững phải là tăng động cơ làm việc bên trong.

Nếu so giữa phần thưởng vật chất (thu nhập, tiền lương) và phần thưởng tinh thần (vị thế xã hội, sự tôn trọng và sự thành công của học sinh) hay môi trường được tự do thể hiện, hẳn phần thưởng tinh thần có giá trị hơn, khuyến khích người ta làm việc nhiều hơn.

Nước ngoài có câu: “không phải cái gì lấp lánh đều là vàng”. Các trường tăng thu học phí thì bắt buộc phải chứng minh chất lượng giáo dục đào tạo của họ tăng nhưng trên thực tế không phải cứ một trường nổi tiếng, có học phí đắt đỏ thì chất lượng đào tạo sẽ cao hơn một trường ít nổi tiếng với học phí ít hơn.

Ở Mỹ, một số trường có thương hiệu lớn, học phí cao trên thực tế chỉ chú trọng đầu tư về thương hiệu, đầu tư cho ra một, hai sản phẩm tiên phong của nhà trường mà ít đầu tư cho con người. Do vậy, chất lượng có được là do nỗ lực tự thân của học sinh rất nhiều. Còn các trường nhỏ hơn do không thể cạnh tranh bằng thương hiệu, họ sẽ dành phần lớn nguồn lực đầu tư vào học sinh, hỗ trợ người học đạt được các chuẩn chất lượng đầu ra.

Để đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, việc học tập kinh nghiệm thế giới là cần thiết nhưng có lẽ chúng ta thất bại vì chỉ mang về được mô hình của thế giới nhưng không mang được triết lý hoặc triết lý đó không được thấm nhuần. Các điều kiện vật chất và tinh thần cho giáo viên cũng không đáp ứng đủ để triển khai đúng triết lý mô hình.

Tại sao các mô hình giáo dục thành công ở nước ngoài khi “vào mình” đều có vấn đề? Ngoài vấn đề nghiên cứu thích ứng mô hình, sự thất bại là do những người vận hành mô hình đó. Đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực không được tập huấn đến nơi đến chốn, thực hiện mang tính hình thức đối phó sẽ góp phần dẫn đến thất bại.

Đổi mới chính là sự loay hoay của những người làm chính sách, phải chăng chúng ta chưa có triết lý giáo dục nhất quán. Bởi thế, mỗi khi ngành Giáo dục lại ấp ủ và sắp sửa cho “ra lò” đứa con tinh thần mang tên cải tiến, đổi mới nào đó, không ít người lại lo lắng. Bởi hiệu quả giáo dục xã hội chưa biết thế nào nhưng chắc chắn là sẽ có thêm một khoản tiền không nhỏ đổ vào đó.

Có lẽ, vấn đề nằm ở chỗ ngành giáo dục cần xây dựng lòng tin đối với công chúng…

TS. Trần Thành Nam