Giáo dục toàn diện không phải là đào tạo ra các "siêu nhân" giỏi toàn diện các môn. (Nguồn: TT) |
Thực tế lâu nay, chúng ta thường chỉ đánh giá đứa trẻ qua điểm số (điểm thi, điểm học bạ…). Trong khi, việc tuyển sinh chỉ dựa vào điểm số là phiến diện. Theo thuyết đa thông minh của Howard Garner, có đến 8 loại hình thông minh gồm: logic - toán học, vận động, không gian thị giác, ngôn ngữ, âm nhạc, tương tác giao tiếp, tự nhiên, nội tâm. Do vậy, thông qua bài thi, thường chúng ta sẽ đề cao sự nổi trội về logic – toán học, về ngôn ngữ. Như vậy, còn những học sinh có khả năng ở những loại hình thông minh khác thì sao?
Từ cách đánh giá sai nên chúng ta rất dễ định hướng con sai, vô tình đẩy con em mình vào guồng quay của việc học, học để thi. Đó là thực trạng không ít đứa trẻ đang phải cặm cụi học ngày học đêm, học cả cuối tuần, học hè, mải miết luyện thi, luyện đề…
Giáo dục toàn diện không phải là đào tạo ra các "siêu nhân" giỏi toàn diện các môn, cũng giống như câu chuyện đừng bắt con cá phải leo cây. Nhiều quốc gia trên thế giới họ tuyển sinh học sinh là những người nổi trội về một mặt nào đó chứ không chỉ dựa vào điểm số. Không có gì quá bất ngờ khi có một bạn trẻ học yếu môn Toán vẫn có thể đỗ vào trường nổi tiếng.
Quay trở lại câu chuyện giáo dục ở nước ta, có lẽ còn không ít đứa trẻ vẫn đang mang trên mình gánh nặng thi cử. Đã có nhiều bài học đắt giá từ áp lực học tập. Ám ảnh thi trượt, ám ảnh trường chuyên khiến cho không ít đứa trẻ đánh mất niềm tin vào chính mình, thậm chí có những hành động dại dột.
Phần lớn người ta vẫn tin vào đánh giá năng lực của một đứa trẻ qua việc vào được trường chuyên, qua học bạ đẹp, những điểm số 10 tròn trĩnh. Đến khi nào người lớn mới cho các em quyền được thi trượt, quyền được trải nghiệm, quyền thất bại và tôn trọng những nỗ lực của các em dù kết quả có như thế nào?
Các em cần môi trường học tập có khả năng phát huy giá trị bản thân, tham gia các dự án học tập theo hướng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống chứ không phải cách giải toán nhanh, viết văn theo khuôn mẫu.
Thực tế, không có mô hình giáo dục nào là hoàn hảo với tất cả mọi người. Điều quan trọng là để trẻ không chịu những áp lực học tập, thi cử. Nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý vẫn lên tiếng, cho rằng cần bớt thời gian học chữ để trẻ học làm người, học kỹ năng sống, thực hành kỹ năng…
Hơn hết, yếu tố giáo dục gia đình luôn đứng ở vị trí số một trong quá trình giáo dục trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại đặt giáo dục nhà trường là số một, họ giao phó con em mình cho thầy cô và kỳ vọng về một tương lai xán lạn.
Để trẻ học bớt áp lực, có lẽ phụ huynh cần phải thay đổi trước. Cha mẹ nên định hướng lại giáo dục cho con em mình, rằng mục tiêu của các em không phải đến cái đích trường chuyên, không phải là giải thưởng, không phải được đặt chân vào trường đại học danh tiếng. Điều quan trọng là giáo dục trẻ đạt được các yếu tố nền tảng như kỹ năng sống, hướng đến làm người tử tế và hạnh phúc.
Muốn vậy, trẻ không thể "ngốn" thời gian vào những buổi đi học thêm, hay cặm cụi giải bài tập kể cả kỳ nghỉ lễ tết, nghỉ cuối tuần, bởi học ngày học đêm để được gì? Hơn cả, phụ huynh hãy thông cảm và đồng hành cùng con em mình. Con trẻ như những cái cây, cha mẹ cần vun đắp, tưới tắm thường xuyên.
Nhìn rộng ra, đó là câu chuyện 4 em nhỏ sống sót kỳ diệu trong rừng Amazon vừa được lực lượng cứu hộ Colombia giải cứu hôm 9/6. Chị cả 13 tuổi đã vận dụng các kỹ năng học từ trò chơi của bà để giúp các em sống sót trong rừng Amazon, chờ lực lượng cứu hộ. Tức là, kỹ năng sinh tồn từ trò chơi đã giúp các em nhỏ ứng phó được với những tình huống hiểm nguy gặp phải trong cuộc sống.
Chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, vậy nên cách giáo dục cũng phải thay đổi. Thực tế, bên cạnh kiến thức, trẻ cần học tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, khả năng kiểm soát thông tin, khả năng ứng phó với mọi khó khăn.
Có lẽ, chúng ta không cần những “sản phẩm đầu ra” biết giải toán nhanh mà cần những con người biết cách giải quyết vấn đề, biết cách làm việc nhóm sao cho hiệu quả. Để từ đó, trẻ không chỉ được phát triển kiến thức, kỹ năng mà còn nhận thức, lối sống, không bị lúng túng khi bước vào đời.
Để tạo ra một người trẻ thành công, hạnh phúc cần khơi dậy, nuôi dưỡng đam mê cũng như giúp trẻ phát triển được thế mạnh của bản thân. Đứa trẻ cũng cần được học và thực hành ứng xử với cha mẹ, thầy cô, với người lớn, bạn bè; được rèn luyện lòng tự tin như phát biểu, thảo luận, phản biện trước đám đông… Khi đề cao những yếu tố đó, chắc chắn thước đo đặt ra trong mỗi kỳ thi sẽ không còn nằm ở điểm số.