Sáng 1/8, tại Hà Nội, Hội thảo Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) Ecommunity đã chính thức khai mạc với chủ đề "Hợp tác kinh tế trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á" (ASEAN).
Diễn ra từ 1-4/8, Hội thảo được tổ chức bởi Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức Kenan Foundation Asia và Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm thiết lập quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN.
Hội nghị quy tụ 80 thanh niên ASEAN tiêu biểu có kinh nghiệm và quan tâm tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), quan hệ thương mại Hoa Kỳ - ASEAN...
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và Đại sứ của 9 nước trong khu vực ASEAN đã có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi với đại biểu thanh niên tham dự sự kiện về tương lai của hợp tác kinh tế trong khu vực ASEAN.
Thông qua các bài trình bày từ chuyên gia, phiên họp toàn thể, thảo luận đa chiều và tham quan thực địa trong khu vực Hà Nội, các thành viên tham dự hội nghị sẽ hiểu hơn về AEC cũng như quan hệ thương mại Hoa Kỳ - ASEAN. Từ đó, các thủ lĩnh trẻ sẽ có những kinh nghiệm tốt nhất trong việc cân bằng tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 1-4/8 với hội tụ 80 gương mặt thanh niên tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: YN) |
Hiểu biết hạn chế về AC
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, với GDP khoảng 2,6 nghìn tỉ USD của năm 2016, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới với thị trường gần 630 triệu người. Trong những năm gần đây, ASEAN đã có những bước tiến đáng kể về kinh tế, xã hội như: Tỷ lệ người sống dưới mức nghèo ở các quốc gia đã giảm một nửa trong hai thập kỷ qua. Tỷ lệ tử vong của trẻ nhỏ chỉ còn khoảng 1/3 so với những năm 90…
Tuy nhiên trong thời đại toàn cầu hóa và kỷ nguyên của khoa học và công nghệ số, AC đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết đó là sự hiểu biết về Cộng đồng ngay trong khu vực ASEAN còn hạn chế. Những vấn đề như AC là gì? Cộng đồng sẽ có những đóng góp gì cho sự phát triển của khu vực? Hay những kết quả của cộng đồng thu được cho đến nay... được rất ít người biết đến.
Ngoài thách thức về mức độ phát triển so với các khu vực phát triển trên thế giới còn ở khiêm tốn, ASEAN còn phải đối mặt với nhiều thách thức về văn hóa, xã hội, môi trường và các thách thức phi truyền thống khác…
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu sẽ có cơ hội được đến thăm một số công ty và tổ chức như DesignBold, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Công ty Luật Baker McKenzie và Doanh nghiệp xã hội Oriberry để tìm hiểu cơ hội kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Các thanh niên đến từ 10 quốc gia ASEAN cũng sẽ được tham gia hoạt động mô phỏng Hội nghị cấp cao ASEAN và đến thăm làng múa rối Đào Thục để trải nghiệm văn hóa truyền thống của Việt Nam. |
Giáo dục là giải pháp hiệu quả nhất
Bàn về giải pháp để giải quyết những thách thức của cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, giáo dục đào tạo sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã tích cực đổi mới giáo dục đào tạo để người học phát triển thể lực, trí tuệ, nhân cách, toàn diện và thực hiện những mục tiêu của ASEAN.
Thứ nhất, tăng cường nhận thức về ASEAN thông qua việc tăng cường hiểu biết về lịch sử, văn hóa cùng của từng quốc gia thành viên các nước Đông Nam Á.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và cơ hội giáo dục cơ bản cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người khuyết tật, người yếu thế và các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ ba, tăng cường sử dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Thứ tư, hỗ trợ phát triển giáo dục, kỹ thuật và nghề nghiệp cũng như học tập suốt đời trong khu vực.
Thứ năm, hỗ trợ các ngành khác nhằm thực hiện mục tiêu của giáo dục vì sự phát triển bền vững.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển giáo dục Đại học thông qua cơ chế đảm bảo chất lượng mạnh mẽ.
Thứ bảy, nâng cao vai trò của giáo dục Đại học trong phát triển kinh tế xã hội thông qua quan hệ đối tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Cuối cùng, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cho giáo viên, học giả và những người liên quan khác trong cộng đồng giáo dục.
Những lời chúc mừng được các đại biểu viết trực tiếp. (Ảnh: Y.N) |
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, trong ba trụ cột của AC, gồm Cộng đồng An ninh - chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - xã hội, giáo dục sẽ có đóng góp vào việc đạt được mục tiêu của cộng đồng văn hóa xã hội của ASEAN. Với mục đích đến năm 2025, xây dựng một AC hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm với xã hội.
“Tôi tin rằng, hội thảo sẽ cung cấp thêm nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm mới. Thông qua Hội thảo, các bạn không chỉ được biết thêm thông tin về AEC mà còn có cơ hội để trao đổi những kỹ năng để có thể đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng bằng những cách khác nhau. Các bạn trẻ của Chương trình lãnh đạo trẻ Đông Nam Á tham dự Hội thảo sẽ là những hạt nhân góp phần vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực ASEAN” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Được công bố năm 2013, Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) là chương trình nổi bật của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm tăng cường phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua một loạt các chương trình, YSEALI hướng tới xây dựng năng lực lãnh đạo của thanh niên, tuổi từ 18 đến 35, tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á và phát triển một số cộng đồng ASEAN. YSEALI tập trung vào các chủ đề quan trọng mà thanh niên trong khu vực quan tâm như: Tinh thần tích cực của công dân, giáo dục, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. |