Phát biểu trước hàng chục nghìn người tại Vương cung thánh đường St. Peter ở Vantican, Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn hòa bình sẽ đến với Jerusalem và tất cả các tín đồ Công giáo trên toàn thế giới.
Giáo hoàng kêu gọi người Israel và Palestine nối lại đối thoại để có thể đạt được một giải pháp cho phép 2 nhà nước tồn tại hòa bình trong khuôn khổ đường biên giới được 2 bên nhất trí và quốc tế công nhận. Giáo hoàng đồng thời kêu gọi bảo vệ những trẻ em ở khu vực Trung Đông bị ảnh hưởng do căng thẳng gia tăng giữa Israel và Palestine.
Giáo hoàng Francis cũng đề cập tới các điểm nóng khác trên thế giới như Syria, Iraq, Yemen, Nam Sudan. Giáo hoàng cầu mong căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ có thể được giải quyết.
Giáo hoàng Francis kêu gọi hòa bình cho Jerusalem. (Nguồn: AP) |
Lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis về hòa bình tại Jerusalem được đưa ra trong bối cảnh bất ổn đã gia tăng trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kể từ đó đến nay, các vụ biểu tình phản đối của người Palestine và những cuộc xung đột với các lực lượng Israel xảy ra gần như hàng ngày tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Bạo lực giữa hai bên đã làm ít nhất 12 người Palestine thiệt mạng.
Ngay sau động thái của Mỹ, Giáo Hoàng Francis cho rằng “nguyên trạng” của Jerusalem cần phải được tôn trọng. Mới đây nhất, ngày 21/12 vừa qua, với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Israel chiếm đóng miền Đông Jerusalem trong chiến tranh năm 1967 và năm 1980 đơn phương tuyên bố toàn bộ thành phố là thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Trước đó, trong bài phát biểu vào đêm Giáng sinh 24/12, Giáo hoàng Francis cũng đã phát đi thông điệp cầu mong điều tốt lành cho người di cư.
Vị Giáo hoàng đáng kính 81 tuổi xuất thân là một đứa trẻ di cư đã kêu gọi hơn 1,3 tỷ tín đồ Công giáo trên toàn thế giới quan tâm hơn tới số phận của hàng triệu người di cư khổ cực, buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, xung đột và nghèo đói.
Ông cũng cực lực lên án hành động buôn người, tố cáo hành vi tội lỗi của các băng nhóm buôn người kiếm tiền trên sự đau khổ của những người đã bị dồn vào bước đường cùng.