📞

Giáo hoàng và thông điệp “tương thân tương ái” với nước Mỹ

22:37 | 25/09/2015
Trở thành Giáo hoàng đầu tiên phát biểu trước cả hai viện của Quốc hội Mỹ, Giáo hoàng Francis ngày 24/9 đã kêu gọi người dân nước này nên mở rộng vòng tay đón người di cư Trung Đông.
Giáo hoàng Franicis phát biểu tại Quốc hội Mỹ. (Nguồn: NYTimes)

Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo hoàng đã tự giới thiệu mình là “người con của lục địa lớn này”, đồng thời lên tiếng kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ bảo vệ và giữ gìn phẩm giá của tất cả người dân Mỹ.

Rộng vòng tay với người di cư

Bước vào phòng họp Quốc hội không còn một chỗ trống bởi sự hiện diện của các thẩm phán Tòa án tối cao, các quan chức Nội các và các nhà lập pháp của cả hai đảng, Giáo hoàng Francis đã phần nào mang lại sự đoàn kết giữa các phe phái vẫn thường đối đầu nhau. Ngay trước khi ông bắt đầu cất lời, cả phòng đã cùng lúc đứng dậy để chào đón ông.

Vị Giáo hoàng người Argentina đã phát biểu tại đúng vị trí mà các Tổng thống Mỹ vẫn thường đưa ra Thông điệp liên bang hàng năm. Đứng sau ông là Phó Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện John Boehner, cả hai người đều là tín đồ Công giáo.

"Mỗi người con của một đất nước đều có một nhiệm vụ, một trách nhiệm cá nhân và xã hội. Trách nhiệm của các bạn, với tư cách thành viên của Quốc hội, là với hoạt động lập pháp của mình làm cho đất nước phát triển như một quốc gia” - Giáo hoàng nói trong lời mở đầu.

"Hoạt động lập pháp luôn luôn dựa trên sự quan tâm dành cho cho người dân. Chính vì điều này mà các bạn đã được mời, được kêu gọi và triệu tập bởi những người bỏ phiếu cho các bạn” – ông tiếp lời.

“Chúng ta phải nỗ lực khôi phục hy vọng, sửa chữa sai lầm, duy trì các cam kết và từ đó thúc đẩy lợi ích của các cá nhân cũng như các dân tộc. Chúng ta phải cùng nhau hướng về phía trước với một tinh thần mới của sự tương thân tương ái, đoàn kết, hợp tác vì lợi ích chung”, Giáo hoàng nói.

Bài phát biểu của Giáo hoàng Francis nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng di cư châu Âu, buôn bán vũ khí và án tử hình. Trong đó, ông kêu gọi người dân Mỹ nên mở rộng vòng tay đón người di cư Trung Đông.

“Chúng ta, những người con của châu lục này, đều không sợ những người nước ngoài, bởi vì hầu hết chúng ta đã từng là người nước ngoài. Tôi nói điều này với các bạn vì biết rằng, nhiều người trong số các bạn cũng là hậu duệ của những người nhập cư. Hàng ngàn người đang đi về phía Bắc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cho những người thân yêu của họ, tìm những cơ hội lớn hơn. Đó không phải những gì chúng ta muốn làm cho con cái mình hay sao? Hãy nói đến họ như những con người chứ không phải những con số, hãy nhìn vào khuôn mặt họ, lắng nghe câu chuyện của họ, cố gắng trả lời họ một cách tốt nhất”, Giáo hoàng nói.

Giáo hoàng cũng cảnh báo về toàn cầu hóa, với giọng nhẹ nhàng hơn: “Tôi muốn các bạn nhớ rằng có nhiều người quanh chúng ta vẫn đang mắc kẹt trong vòng đói nghèo”. Ông cho rằng, nếu nỗ lực toàn cầu hóa là để tạo ra và phân phối của cải thì các hoạt động nghề kinh doanh “cao quý” phải trở thành một phần cần thiết của toàn cầu hóa và để phục vụ lợi ích chung.

Giáo hoàng còn kêu gọi chấm dứt việc buôn bán vũ khí, vì hoạt động này sẽ khiến vũ khí rơi vào tay những người có thể “gây đau khổ không kể xiết cho cá nhân và xã hội”. Ông cho rằng chính vì tiền mà người ta sẵn sàng khiến người vô tội phải đổ máu.

Theo Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng quyết định sử dụng tiếng Anh – ngôn ngữ chính của người Mỹ - trong bài phát biểu, dù cách phát âm của ông chưa được chuẩn xác.

Cả nước Mỹ cùng lắng nghe

Các nhà lập pháp của tất cả các nền tảng chính trị và tôn giáo của nước Mỹ đã háo hức chào đón Đức Giáo hoàng, tạm thời ngừng tranh cãi, chia rẽ và chống lại nhau để cùng lắng nghe ông nói.

Ở bên ngoài, hàng chục ngàn khán giả tập trung trên các tuyến phố và xa hơn là nhiều người theo dõi bài phát biểu của Giáo hoàng qua màn hình ti vi. An ninh được thắt chặt ngoài khu nhà và các khu phố quanh tòa nhà Quốc hội bị phong tỏa cùng với sự có mặt của đông đảo cảnh sát, giống hệt những ngày Tổng thống Mỹ nhậm chức hoặc đọc Thông điệp liên bang.

Đông người nhưng rất trật tự, hàng nghìn người chờ đợi sự xuất hiện của Đức giáo hoàng sau khi ông kết thúc bài phát biểu trước Quốc hội.

Trước khi Giáo hoàng đến phát biểu, các nhà lập pháp của cả hai bên đã bận rộn tìm cách tận dụng lợi thế chính trị từ những quan điểm của Giáo hoàng, với việc đảng Dân chủ háo hức trước việc giáo hoàng ủng hộ hành động cải cách luật nhập cư và chống sự ấm lên toàn cầu cùng bất bình đẳng thu nhập. Một thành viên đảng Cộng hòa còn nói về kế hoạch tẩy chay bài phát biểu của Giáo hoàng - liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, một đề tài mà ông đã cùng Tổng thống Obama đề cập trong cuộc hội đàm trước đó cùng ngày tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Boehner, một thành viên đảng Cộng hòa đã từng cố gắng mời hai giáo hoàng tiền nhiệm của Francis tới Quốc hội Mỹ (nhưng không thành công), đã bác bỏ những lo ngại cho rằng, một Giáo hoàng can dự vào chính trị sẽ làm khuấy động tranh cãi.

"Đức Giáo hoàng vượt lên trên tất cả những điều này”, Boehner, cũng là người đã gặp riêng Francis trước bài phát biểu, nói. “Ông đã khơi gợi được những điều tốt đẹp trong chúng ta và đưa chúng ta trở lại những nghĩa vụ thường nhật. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là lắng nghe, mở rộng lòng mình trước thông điệp của ông”.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng đã chào đón Đức Thánh Cha sáng 24/9 với một đoạn băng video dài khoảng một phút. “Người Mỹ đã dõi theo Giáo hoàng khi ông tiếp cận các đối tượng khán giả khác nhau, cả từ bên trong hay bên ngoài Giáo hội”, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói.

Chuyến thăm kéo dài 6 ngày đánh dấu lần đầu tiên Giáo hoàng Francis đến nước Mỹ. Ông dự kiến có một lịch trình làm việc dày đặc ở Washington, New York và Philadelphia.

Ngày 25/9, ông sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc và tổ chức lễ cầu nguyện ở cung thể thao Madison Square Garden.

N.K (Theo CTV News, NYTimes)