Tọa đàm có sự tham gia các các đại biểu đến từ Hội Hữu nghị Việt-Bỉ, Hội hữu nghị Bỉ-Việt, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (WBI) tại Việt Nam. Sự kiện được tổ chức vào dịp có ý nghĩa rất đặc biệt nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (22/3/1973-22/3/2023).
Những điểm sáng
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Giang - Trưởng Ban châu Âu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, khẳng định Vương quốc Bỉ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên sớm công nhận và chính thức thiết lập quan hệ với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 23/3/1973.
bà Nguyễn Thị Thu Giang – Trưởng Ban châu Âu, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Lê An) |
Trong giai đoạn những năm 70-80 của thế kỷ trước, Chính phủ và nhân dân Bỉ đã dành cho Việt Nam sự quan tâm quý báu thông qua các dự án viện trợ, góp phần tích cực đối với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đến nay, trải qua chặng đường 50 năm, quan hệ song phương không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, hợp tác khoa học-công nghệ, hợp tác phát triển... ở cả cấp liên bang, vùng và cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, với nền tảng ổn định sẵn có trong nhiều năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Bỉ ngày càng được tăng cường, trong đó có nhiều đóng góp thiết thực từ kết quả hoạt động của các tổ chức nhân dân như Hội Hữu nghị Việt Nam–Bỉ, Hội Hữu nghị Bỉ-Việt Nam, Liên minh Bỉ-Việt Nam...
Tuy nhiên, các tổ chức nhân dân cũng cần đổi mới nội dung, thay đổi phương thức để thu hút, huy động thêm nhiều nguồn lực, các hoạt động giao lưu văn hóa có tính lan tỏa rộng rãi hơn, kết nối hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Bỉ ngày càng sâu sắc hơn.
Bà nói: “Tọa đàm giao lưu nhân dân sẽ là một diễn đàn rất có ý nghĩa, là dịp để cả phía Bỉ và Việt Nam có thể cùng trực tiếp trao đổi thông tin, thảo luận và đưa ra những sáng kiến, ý tưởng, phương thức mới phù hợp, thiết thực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt giữa thế hệ trẻ của hai nước, từ đó khai thác tối đa các tiềm năng và mở rộng cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa nhân dân Việt Nam và Bỉ.
Với khoảng 13.000 người đang sinh sống và làm việc tại Bỉ hiện nay, tôi hy vọng cộng đồng người Việt tại Bỉ trong thời gian tới sẽ tiếp tục là cầu nối, là nhân tố tích cực trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân có hiệu quả ở cả Việt Nam và Bỉ”.
Trưởng Đại diện WBI Nicolas Dervaux, cũng nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp và sự hợp tác năng động của hai nước nhằm hướng tới một thế giới thịnh vượng và phát triển chung.
Để tăng cường hiệu quả các hoạt động của WBI tại Việt Nam, ông Nicolas Dervaux khẳng định Bỉ luôn rộng mở đón những người Việt Nam. Đặc biệt, việc WBI là văn phòng đại diện duy nhất của Bỉ tại châu Á đã khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam đối với Bỉ.
Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (WBI) Nicolas Dervaux phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Lê An) |
Ông Nicolas Dervaux cũng đưa ra những con số biểu hiện cho sự hợp tác tích cực giữa hai bên như: 805 người Việt nhận được học bổng tại Bỉ, 1998 chuyên gia được trao đổi giữa hai bên từ năm 1997-2021.
Từ năm 2022-2024, Bỉ và Việt Nam cũng đã thông qua 27 dự án trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, xã hội và văn hoá. Đặc biệt, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ là điểm sáng cho sự hợp tác này giữa hai bên.
Nhiều dư địa hợp tác mới
Tại toạ đàm, TS. Vũ Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bồi dưỡng và tư vấn kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam-Bỉ, đã nêu bật vai trò và những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân Việt-Bỉ nói chung và của Hội Hữu nghị Việt-Bỉ nói riêng đối với các thành tự chung của quan hệ song phương.
Bà Vũ Thị Hạnh cũng đưa ra các chương trình hành động đến 2025 của Hội như phát triển tổ chức Hội, thông tin truyền thông, vận động tài trợ và gây quỹ, phát triển và mở rộng đối tác, thắt chặt tình hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Ông Pierre Grega – Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ-Việt Nam, cũng chia sẻ về quá trình phát triển cùng những hoạt động nổi bật của Hội hiện nay.
Các sáng kiến về thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hoá, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Bỉ và Việt Nam và sáng kiến của doanh nghiệp Việt Nam về thúc đẩy hợp tác và xúc tiến kinh tế song phương cũng được trình bày tại toạ đàm.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt-Bỉ, cho biết chương trình hợp tác chung hai bên trong thời gian tới sẽ nhấn mạnh tới lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, vấn đề thực hành, thực tập và chuyển giao.
Đặc biệt, các chương trình liên quan đến nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần như vaccine, logistics, công nghiệp văn hoá trong thời đại mới.
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt-Bỉ chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Lê An) |
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh: "Khi theo dõi hoạt động của Bỉ, chúng tôi nhận thấy đổi mới sáng tạo là một trong những lĩnh vực được Bỉ rất được quan tâm.
Tương tự, đổi mới sáng tạo ở Việt nam cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh, đặc biệt là các trường đại học cũng đi tiên phong về lĩnh vực này cùng với hoạt động khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên. Đây chính là những triển vọng mới cho sự hợp tác phục vụ cho sự phát triển của cả hai bên".
Với nhiều thành tựu và dư địa mới trong hợp tác, các đại biểu đều tin tưởng quan hệ tốt đẹp giữa hai bên sẽ tiếp tục được vun đắp, củng cố và phát triển, đáp ứng nguyện vọng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại EU và là nước tích cực quan tâm, có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực logistics và phát triển hạ tầng mà Bỉ có thế mạnh. Quan hệ hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học cũng là điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Vương quốc Bỉ. Tại Việt Nam, Trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels Việt Nam với hơn 25 năm hoạt động đã trở thành cơ sở đào tạo cao học quản lý kinh tế, quản lý công có uy tín và chất lượng cao. Việt Nam và Bỉ ngày càng quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của hai bên. Trong những năm gần đây, Bỉ trở thành một trong năm nước EU có nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam theo học bậc cử nhân và sau đại học. Bên cạnh đó, Việt Nam và Bỉ tích cực hợp tác về khoa học-công nghệ, giao thông vận tải và quốc phòng an ninh (hai nước có hợp tác trong việc xử lý bom mìn, quân y, khoa học kỹ thuật quân sự, trao đổi đào tạo học viên quân sự...). Hai bên cũng mở rộng sự hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực hợp tác chống biến đổi khí hậu và an ninh phi truyền thống. |