Đây là một trong những dự án hợp tác văn hóa cụ thể, thực chất, đi đúng mục tiêu chính của Diễn đàn Hợp tác Đông Á và Mỹ Latinh (FEALAC) là tăng cường sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, đối thoại chính trị và hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia thành viên; khai thác tiềm năng hợp tác đa ngành trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, trao đổi giữa nhân dân các quốc gia thuộc Diễn đàn.
Phiên họp đầu tiên của Dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của FEALAC” sẽ được tổ chức tại thành phố Huế (Việt Nam) từ ngày 28 - 30/4/2016. Hiện tại, có gần 20 đơn vị quốc tế và nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã đăng ký tham gia. |
Phiên họp đầu tiên
Mục tiêu cơ bản của Dự án là góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế cấp địa phương giữa các nước thành viên FEALAC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và phát triển. Dự án cũng góp phần quảng bá, tăng cường hiểu biết của nhân dân các nước về FEALAC và các hoạt động của diễn đàn này.
Trên cơ sở sáng kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam và sự ủng hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Diễn đàn FEALAC sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên từ 28-30/4 triển khai dự án thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của FEALAC. Dự kiến, phiên họp sẽ tập trung vào hai nội dung chính là thảo luận chuyên đề “Di sản văn hóa và phát triển bền vững” và xem xét thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn.
Tham dự phiên họp này sẽ có các đại sứ và đại biểu đại diện các thành phố văn hóa của các nước FEALAC. Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành cho biết, phiên họp là nơi gặp gỡ và thảo luận của các Thị trưởng, đại diện của các thành phố đầu tiên của FEALAC về việc thiết lập mạng lưới các thành phố văn hóa, đồng thời cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong các vấn đề văn hóa, bảo tồn di sản và phát triển bền vững.
Trong đó, những nội dung quan trọng và cấp thiết sẽ được trao đổi tại hội thảo bao gồm: tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản đô thị trong thời kỳ thay đổi và phát triển đô thị nhanh chóng; Nhu cầu phát triển bền vững các thành phố hiện đại kết hợp với việc quan tâm đến các giá trị di sản và văn hóa; Quy hoạch đô thị - bảo tồn di sản văn hóa - phát triển du lịch; Bảo tồn di sản văn hóa - du lịch - dịch vụ - việc làm; Vai trò của cộng đồng và những người dân địa phương trong việc xác định, bảo tồn và phát triển giá trị di sản; Xác định bản sắc và thương hiệu thành phố và giáo dục di sản.
Phiên họp đầu tiên của Dự án không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh, mà còn là một hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện và Festival Huế 2016, thành phố chủ nhà sẽ phối hợp với các thành phố tham dự phiên họp tổ chức Triển lãm ảnh giới thiệu các đặc trưng văn hóa, di sản của các thành phố tham dự với chủ đề “Di sản văn hóa và phát triển bền vững”.
Đẩy mạnh các dự án cụ thể
Kết nối Đông Á và Mỹ Latinh, hai khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi tập trung tới 40% dân số thế giới, 33% GDP của toàn cầu. FEALAC là một cơ chế hợp tác của 36 quốc gia từ hai khu vực với mục đích xây dựng một kênh đối thoại chính thức và thường xuyên giữa hai khu vực trên bốn nhóm công tác: chính trị - xã hội - phát triển bền vững; thương mại - đầu tư - du lịch - doanh nghiệp vừa và nhỏ; khoa học, công nghệ - đổi mới giáo dục; văn hóa - thanh niên - giới và thể thao.
Trình diễn thời trang ở cố đô Huế. |
Qua 17 năm thành lập và phát triển, hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp, bình đẳng và cùng có lợi, Diễn đàn ngày càng hoàn thiện về tổ chức và cơ chế hoạt động với các cuộc họp định kỳ được tổ chức ở ba cấp: Bộ trưởng Ngoại giao, các quan chức cao cấp và cấp chuyên viên của các nước thành viên. Đã có trên 200 dự án và sáng kiến được triển khai trong khuôn khổ hợp tác của Diễn đàn, mang lại những lợi ích thiết thực cho các nước thành viên.
Tuy nhiên, đến nay, các thành viên FEALAC đều cho rằng hiệu quả của tiến trình hợp tác này chưa cao, trong khi tiềm năng hợp tác giữa các thành viên được đánh giá còn rất lớn. Chính vì vậy, các nước thành viên FEALAC đều mong muốn thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể và đi vào thực chất. Việc “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của FEALAC” là một trong những dự án được kỳ vọng như vậy.
Di sản văn hóa trong phát triển bền vững
Vai trò của văn hóa ngày càng được khẳng định trong phát triển bền vững. Văn hóa vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, môi trường lại vừa là mục đích của phát triển. Văn hoá là một yếu tố then chốt tác động tới mọi giai đoạn trong quá trình phát triển.
Di sản thiên nhiên và văn hóa tại các đô thị đóng góp chung vào phát triển bền vững của các thành phố và cộng đồng dân cư – vừa là cộng đồng thụ hưởng vừa là chủ nhân phát triển các di sản văn hóa. Mối quan hệ di sản và thành phố là một mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ. Việc phát triển đô thị và bảo tồn di sản đều dựa trên lợi ích cộng đồng, hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau đề cùng phát triển. Lợi ích không chỉ là về kinh tế mà giá trị ở chỗ lưu truyền các di sản văn hóa cho thế hệ mai sau.
Việc đô thị hóa thành phố là xu thế phát triển trên thế giới, gắn liền với xu thế này là xu thế hiện đại hóa đô thị. Việc phát triển thành phố và công tác bảo tồn di sản văn hóa đang đặt ra những thách thức cần được giải quyết hơn bao giờ hết. Những nguyên tắc, định hướng đảm bảo cho bảo tồn di sản văn hóa và phát triển của đô thị là gì, cần giải quyết những thách thức này như thế nào là những vấn đề lớn cần sự chia sẻ và hợp tác quốc tế để hành động vì mục tiêu phát triển bền vững.