📞

Giao lưu văn hóa Việt-Nhật: Thêm niềm tin và sự hiểu biết

HÀ ANH 08:55 | 19/10/2020
TGVN. Nếu như nhiều người Nhật Bản cảm giác thân thuộc như ở quê hương khi sống ở Việt Nam thì, trong trái tim nhiều người Việt Nam, văn hóa Nhật Bản cũng đang ngày càng gần gũi...
Các hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản – Việt Nam.

'Cánh cửa thần kỳ' đến Nhật Bản

Có lẽ, bất kỳ em nhỏ nào cũng biết đến bảo bối này của chú mèo máy Doreamon. Và dường như, đối với người Việt Nam thì Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cũng giống như một “cánh cửa thần kỳ” giúp họ đến với đất nước mặt trời mọc vậy.

Được thành lập tại Hà Nội vào tháng 3/2008 với tư cách là một văn phòng đại diện tại nước ngoài của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã trở thành địa chỉ hợp tác, liên kết với nhiều cơ quan chính phủ Việt Nam, các tổ chức văn hóa nghệ thuật và các tổ chức giáo dục nhằm thúc đẩy các hoạt động trên ba lĩnh vực chính là trao đổi văn hóa nghệ thuật, giáo dục tiếng Nhật, nghiên cứu Nhật Bản và giao lưu trí tuệ.

Có thể nói, thông qua “văn hóa”, “ngôn ngữ” và “đối thoại”, Trung tâm đã nỗ lực tạo ra một không gian của sự kết nối giữa Nhật Bản và Việt Nam để từ đó tạo ra sự đồng cảm, tin tưởng giữa người dân hai nước.

Hơn mười năm qua, nhiều chương trình văn hóa Nhật Bản từ mỹ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh đến thời trang, thiết kế... đã được Trung tâm tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các sáng tạo mới và một môi trường cho sự chia sẻ.

Trung tâm cũng hợp tác với các cơ quan văn hóa nghệ thuật, các nghệ sĩ và nhân vật văn hóa Việt Nam để tổ chức các buổi triển lãm, hòa nhạc, biểu diễn sân khấu, chiếu phim, diễn thuyết cùng các chương trình để thúc đẩy sự kết nối giữa các nghệ sĩ và nhân vật văn hóa từ hai nước và các nước châu Á khác.

Đặc biệt, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản hằng năm đều có các chương trình tài trợ cho các hoạt động ở ba lĩnh vực chính: giao lưu văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu Nhật Bản và giao lưu tri thức và giáo dục tiếng Nhật.

Trong một lần trò chuyện với phóng viên TG&VN, nữ họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando tâm sự rằng, sống ở Việt Nam đã lâu và nhìn lại thời gian khi ở Nhật Bản nhiều lúc chị thấy mình bị mất đi cảm giác đâu là Việt Nam và đâu là Nhật Bản.

Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam dành trọn không gian tầng một làm thư viện với mong muốn đưa đến cho độc giả những ấn phẩm gồm sách, tạp chí cũng như các đĩa CD, DVD giới thiệu về văn hóa Nhật Bản bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt.

Ngoài ra, khi đến với ngôi nhà này tại phố Quang Trung, công chúng cũng có thể tham khảo và trau dồi thêm khả năng ngôn ngữ thông qua rất nhiều đầu sách và tài liệu liên quan đến việc dạy và học tiếng Nhật với thư viện mở cửa tự do.

Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản Ando Toshiki chia sẻ rằng: “Để biết thêm về văn hóa Nhật, chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều về việc người Việt sẽ quan tâm đến những lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nào. Ngược lại, chúng tôi, với tư cách là người Nhật, cũng muốn người Việt xem và biết tới những nét văn hóa, xã hội Nhật Bản, do đó chúng tôi phải làm sao dung hòa cả hai yếu tố đó khi tổ chức các hoạt động.

Một trong các hoạt động mà chúng tôi đã thảo luận rất nhiều trước khi đưa ra kế hoạch thực hiện là Tuần lễ phim Nhật Bản. Ngoài ra, cũng có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật hợp tác giữa các nghệ sỹ hai nước như hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Không Tường của Nhật Bản ra mắt khán giả các vở kịch”.

Ngắm hoa anh đào, đến hẹn lại lên!

Kể từ năm 2016, Lễ hội Hoa anh đào lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã góp phần gia tăng mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trở thành một sự kiện thường niên diễn ra vào cuối tháng Ba, thông qua lễ hội, vô số những nét đẹp văn hóa của hai bên được quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến người tham quan, góp phần tăng cường sự hiểu biết về những nét độc đáo cũng như tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng.

Cùng sự hiện diện nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản như trình diễn múa Yosakoi, trình diễn thư pháp, biểu diễn trà đạo, mặc thử áo kimono và biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, Lễ hội còn có sự đan xen của những hoạt động truyền thống trong văn hóa dân tộc Việt Nam như hát ca trù, xẩm, biểu diễn cắm tỉa hoa, giới thiệu văn hóa ẩm thực…

Theo ghi nhận của giới báo chí, Lễ hội Hoa anh đào luôn là điểm đến của người dân trong khu vực và các tỉnh lân cận, đồng thời ngắm hoa anh đào Nhật Bản đã trở thành một nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Mỗi năm, hàng nghìn du khách ghé thăm những khu vực có mặt của hoa anh đào để có thể trải nghiệm được nét đẹp độc đáo của riêng nước Nhật.

Gần đây nhất là năm 2019, Lễ hội này mở rộng cả về quy mô và chất lượng với 20.000 cành hoa anh đào, 300 cây hoa anh đào và nhiều loài hoa đặc trưng của Việt Nam như cẩm tú cầu, mẫu đơn, hoa lan..

Các hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản – Việt Nam.

Tinh thần kết nối văn hóa mới

Năm 2020 là năm mà Nhật Bản, Việt Nam và thế giới phải đối mặt với nhiều nguy cơ của đại dịch Covid-19 nên những hoạt động giao lưu văn hóa cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Giám đốc Ando Toshiki nói rằng chính trong thời điểm khó khăn này, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng trở nên sâu sắc: “Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam với tinh thần mới vẫn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi văn hóa nhằm củng cố niềm tin lẫn nhau và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước”.

Bởi vậy, nhiều hoạt động văn hóa vẫn được Trung tâm tổ chức như Cuộc thi thiết kế bìa cuốn tiểu thuyết mới của Haruki Murakami, hoạt động đọc tranh truyện Ehon Nhật Bản, bài giảng online về nghệ thuật tấu nói Kakugo, triển lãm Búp bê truyền thống Nhật Bản, Talkshow “Giới thiệu du lịch Nhật Bản từ góc nhìn Anime”...

Tháng 7 vừa qua, Đại học Đông Á ở thành phố Đà Nẵng kết hợp với Đại sứ quán Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức thành công chương trình Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật 2020.

Với chủ đề “Văn hóa Việt-Nhật – Kết nối ước mơ” nhân kỷ niệm 47 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, sự kiện này càng đặc biệt khi khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản của Đại học Đông Á đã được thành lập, hiện thực hóa quyết tâm làm nên sự bền vững cho nhịp cầu hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo.

Lễ hội năm nay diễn ra sôi động với 11 gian hàng, trưng bày hàng ngàn bản sách, cây xanh và vật dụng cũ theo mô hình Ngày hội Mottainai - hoạt động tương tác rộng rãi với cộng đồng, mọi người cùng trao đổi đồ dùng đã cũ (mang ý nghĩa tiết kiệm, tránh lãng phí) của người dân xứ sở hoa anh đào.

Lễ hội còn mang đến nhiều cảm xúc cho người xem qua chủ đề “Trình diễn trang phục truyền thống Việt – Nhật” qua nhiều tiết mục nghệ thuật được dàn dựng ấn tượng, nhiều trò chơi văn hóa dân gian Việt-Nhật, cuộc thi làm mặt nạ Việt-Nhật, thi hùng biện “Khám phá xứ sở hoa anh đào”…

Có thể nói, suốt những năm qua, chuỗi hoạt động giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam luôn mang lại cho người Việt những trải nghiệm thú vị. Trong một lần trò chuyện với phóng viên TG&VN, nữ họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando tâm sự rằng, sống ở Việt Nam đã lâu và nhìn lại thời gian khi ở Nhật Bản nhiều lúc chị thấy mình bị mất đi cảm giác đâu là Việt Nam và đâu là Nhật Bản.

Bên cạnh những ấn tượng về sự chăm chỉ và hiếu khách của người Việt, Giám đốc Ando Toshiki cũng đã có cảm giác “như ở nhà” khi ông ngày càng gắn bó với nhịp sống ở Hà Nội và đặc biệt thích thú với nghệ thuật Chèo truyền thống của Việt Nam.