Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và giáo sĩ Fethullah Gulen. (Nguồn: AFP) |
Ngày 16/7, ngay sau khi cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra, Tổng thống Erdogan đã xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố nhà thuyết giáo Fethullah Gulen – người đứng đầu phong trào tôn giáo mang tên "Liên minh các giá trị chung", là khủng bố.
Ông nói rằng, nhóm khủng bố nhận lệnh từ nhà thuyết giáo Fethulla Gulen, một học giả tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ sống tại bang Pennsylvania (Mỹ). Được biết, ông Gulen vẫn có mối liên hệ sâu xa với tình hình chính trị, quân sự, tư pháp, truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Hồi giáo khác trên toàn thế giới. Ông này được cho là đang điều hành một phong trào tôn giáo mang tên "Liên minh các giá trị chung" có kinh phí hoạt động lên tới 1 tỉ USD.
Trước cáo buộc của Tổng thống Erdogan, nhà thuyết giáo Fethullah Gulen đã lên tiếng phản bác: “Tôi phản đối một cách mạnh mẽ nhất cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ phải được lập ra bằng quá trình bầu cử công bằng, dân chủ chứ không phải bạo lực. Là một người từng chịu đựng quá nhiều sau vài cuộc đảo chính quân sự 50 năm qua, đây là một sự sỉ nhục khi cáo buộc tôi liên quan tới cuộc lật đổ. Tôi thẳng thừng bác bỏ mọi luận điệu cáo buộc”.
Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolu đưa tin, cựu Đại tá Muharrem Kose chính là người cầm đầu chỉ huy các binh sỹ đảo chính vào lúc 22 giờ ngày 15/7 (giờ địa phương) tại thủ đô Ankara, với tuyên bố thành lập cái gọi là "Hội đồng hòa bình, một chính phủ lâm thời nhằm khôi phục nền dân chủ và nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ".
Được biết, ông Muharrem Kose từng là người đứng đầu cơ quan cố vấn luật pháp trong quân đội, tuy nhiên ông này đã bị sa thải gần đây do bị phát hiện là thành viên của phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia ở Thổ Nhĩ Kỳ, do học giả Fethullah Gulen lãnh đạo.