📞

Giao thông công cộng ở Mỹ đến hồi kết?

17:35 | 23/11/2016
Tại Mỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang chứng tỏ hoạt động hiệu quả hơn các phương tiện giao thông công cộng truyền thống.

Tư nhân hóa dịch vụ vận tải công cộng

Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các công ty Lyft, Uber, Juno, Uber Pool hay Google Bus… đang dần chiếm một vị trí quan trọng trong giao thông công cộng ở Mỹ. Hành khách có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ và giá cả. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt, trải rộng nhờ tiềm lực tài chính mạnh của những công ty trên vô hình trung góp phần làm suy yếu các phương tiện giao thông công cộng truyền thống. Câu hỏi đặt ra là trong tương lai mọi người sẽ di chuyển trong thành phố theo cách thức nào.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp vận tải nhà nước mang tính độc quyền và được chính phủ trợ cấp, do đó các doanh nghiệp tư nhân khó có khả năng cạnh tranh được về giá. Bên cạnh đó, một số quy định khác của chính phủ cũng khiến các doanh nghiệp vận tải tư nhân không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp vận tải nhà nước.

Các hãng taxi tư nhân đang cạnh tranh quyết liệt với các phương tiện giao thông công cộng ở Mỹ.

Nhiều ý kiến cho rằng nên tư nhân hóa các dịch vụ vận tải công cộng để dịch vụ trở nên tốt hơn, mức giá sẽ cạnh tranh hơn, mang lại lợi ích cao hơn cho hành khách. 

Khu vực tư nhân có lợi thế lớn trong việc nâng cấp hạ tầng trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới và các dữ liệu đầu vào. Tuy nhiên, chính phủ không thể mạo hiểm chi một lượng tài chính lớn để thử nghiệm các ý tưởng mới.

Lợi ích tối đa

Chariot là ví dụ điển hình trong việc mang lại lợi ích tối đa mà giao thông công cộng không thể làm được. Phương tiện này chỉ hoạt động trong các giờ cao điểm về mật độ giao thông công cộng và chỉ hoạt động trên các tuyến phố chính. Số lượng chuyến thay đổi tùy theo nhu cầu, hành khách đặt vé qua điện thoại thông minh. Vậy là cả Chariot và hành khách đều được hưởng các lợi ích từ hệ thống được nâng cấp. 

Tuy nhiên, dịch vụ tư nhân cũng có một số vấn đề. Chariot không tiếp cận được người nghèo ở San Francisco bởi chỉ những ai dùng điện thoại thông minh và cần dịch vụ trong giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối mới có thể sử dụng được dịch vụ của hãng này. Như vậy, những người có thu nhập thấp vốn bị hạn chế về điều kiện giao thông, lại càng không thể sử dụng dịch vụ này để có thể nhanh chóng đến chỗ làm như những người giàu. Những người nghèo chính là các đối tượng có nhu cầu cao hơn về các giải pháp giao thông tốt do giờ làm việc của họ ít linh hoạt hơn

Tại Mỹ, phương tiện giao thông công cộng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Phương tiện phổ biến nhất là xe bus và tàu điện ngầm. Ở những thành phố lớn, xe bus hoạt động liên tục với các chuyến cách nhau từ 5-30 phút và hoạt động 24/24h. Hầu hết các thành phố ở Mỹ đều có tàu điện.

Cũng có ý kiến cho rằng hai loại hình giao thông nhà nước và tư nhân này không nhất thiết phải triệt tiêu nhau mà có thể kết hợp với nhau. Hành khách có thể dùng điện thoại thông minh để lựa chọn loại hình vận tải đưa họ đến đích nhanh nhất, rẻ nhất và tiện lợi nhất.

Còn đối với những người thu nhập thấp, chính phủ nên có những trợ cấp cần thiết để họ có thể lựa chọn phương tiện tư nhân phù hợp với họ nhất. Như thế, thay vì tiêu tốn hàng triệu USD để vận hành các tuyến giao thông, chính phủ sẽ tiết kiệm được tiền và trút “gánh nặng” lên các đối tượng tư nhân. Số tiền tiết kiệm sẽ được dùng để cung cấp các tiện ích đi lại cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ cho rằng sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm... cũng là cách tập luyện để tăng cường sức khỏe. Khi lựa chọn phương tiện giao thông công cộng, họ phải đi bộ nhiều hơn. Họ cũng biết rằng việc lựa chọn giao thông công cộng đồng nghĩa với việc góp phần vào phát triển kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, bảo vệ môi trường sống. Mỗi năm, nhờ có giao thông công cộng, Mỹ tiết kiệm được 4,2 tỷ gallons nhiên liệu. Ước tính, mỗi người dân sẽ tiết kiệm tới 10.000 USD/năm nếu sử dụng phương tiện công cộng thay vì dùng xe riêng.

(theo City Lab)