Cô Hoàng Thị Chiến bên học trò. (Ảnh: NVCC) |
Bắc Xa là xã biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của huyện Đình Lập, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 33km. Điểm xuyết trong vùng đất biên ải trùng điệp này là những thôn, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ đã sinh sống từ bao đời nay.
Ký ức hơn 30 năm
Sinh ra ở Bản Hang, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, cô Hoàng Thị Chiến theo học Trung cấp Sư phạm 12+2 ở thành phố Lạng Sơn, sau đó học liên thông lên Đại học. Ra trường, cô được nhận về công tác ở trường Tiểu học xã Kiên Mộc từ năm 1988, rồi chuyển đi mấy điểm trường, đều thuộc trường Tiểu học Bắc Xa.
Thời điểm mới ra trường cũng là ký ức đáng nhớ nhất của cô giáo Chiến. Cô kể: “Khi ấy, tôi về dạy học ở điểm trường Bản Mục, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập. Hàng ngày, từ nhà tôi phải đi bộ qua đường mòn trong rừng 8 km. Tuần nào cũng vậy, dạy xong chiều thứ Sáu, tôi lại khăn gói để sáng tinh mơ thứ Bảy về nhà nghỉ cuối tuần, sáng thứ Hai lại đến trường như hành trình đã định.
Có hôm trời mưa, nước lũ ở suối dâng cao, tôi vẫn liều mình lội qua khi nước đến ngang bụng. Một phần tôi biết bơi khá giỏi, nên không sợ nước. Ở trường, chỉ có mình tôi là cô giáo phụ trách khoảng gần 30 em học sinh ở các độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi, nhưng các em đều học lớp Một”.
Khi ấy, đời sống người dân còn vất vả, nên chưa quan tâm đến việc cho con cái đi học. Giáo viên muốn các con đi học, đều phải đến từng nhà vận động gia đình.
Năm thứ hai thì học sinh quen cô giáo, nhiều em đã biết đọc, biết viết, phụ huynh cũng vui hơn, tin tưởng cô giáo và chịu khó đưa con đến trường.
Đến trường không có đường đi, chỉ đi theo lối mòn dân sinh, nên không ít lần cô Chiến bị trượt ngã, quần áo lấm lem, có lúc cô chỉ biết tự cười một mình rồi động viên mình hướng về phía điểm trường.
Năm 2009, cô Chiến tập đi xe máy, rồi cô được giao nhiệm vụ chuyển đến điểm trường Bản Chạo để tiếp tục sự nghiệp “cắm bản”. Mỗi lần đi dạy, cô Chiến phải gửi xe máy bên bờ sông, rồi lội qua nhánh sông Kỳ Cùng.
Cô Chiến bảo: “Vào lúc trời mưa, nước lũ lên cao tôi phải nghỉ dạy. Nhìn dòng lũ cuồn cuộn không thể qua sông, tôi càng thương các em học sinh khi phải đợi mùa lũ đi qua, cô trò mới gặp nhau và tiếp tục sự nghiệp gieo chữ”.
Đến năm 2010, một lần nữa cô chuyển điểm trường đến Bản Táng, xã Kiên Mộc. Đường đi vẫn là lối mòn, dốc cao, khoảng cách chừng 7 km và phải leo lên đỉnh núi, xuống khe thì mới đến điểm trường. Năm 2019, do có con nhỏ, cô Chiến chuyển về trường Tiểu học Bắc Xa, dạy ở trường chính và không phải đi “cắm bản” nữa.
Hành trình “cắm bản” đầy ắp yêu thương
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Hoàng Thị Huệ có hơn 25 năm “cắm bản” ở nhiều điểm trường khó khăn nhất tại các bản ở Bắc Xa.
Nhắc về những kỷ niệm “cắm bản” đầy ắp yêu thương của mình, cô cho biết: “Tôi nhớ nhất là lúc còn dạy ở điểm trường thuộc bản Khuổi Tà, sau đó vài năm lại chuyển sang điểm trường ở bản Háng…
Đều là những điểm đi lại vô cùng khó khăn, chỉ có đường mòn, không có đường cho xe máy, ô tô đi. Tôi còn nhớ ngày đó, đồn biên phòng Bắc Xa phải dùng ngựa thồ thực phẩm từ ngoài vào đồn. Còn tôi, mỗi lần đến lớp là một hành trình phải vượt qua bao đèo dốc, bao suối khe…”.
Khi ấy, cô Huệ chưa biết đi xe máy, nhà chỉ có chiếc xe đạp cũ bố mẹ mua cho để đi làm. Cứ chiều thứ Sáu, cô về nhà với bố mẹ nghỉ cuối tuần, rồi chuẩn bị thêm lương thực, quần áo để chiều Chủ nhật lại đạp xe gần trăm cây số đến điểm trường, kịp cho ngày đầu tuần dạy học.
Cô Huệ nhớ lại: “Tôi cứ đi lầm lũi trong rừng một mình, mệt thì dừng chân nghỉ. Hôm nào phải đem theo quần áo rét, đồ dùng thức ăn, sách vở cho học trò, không thể chở bằng xe đạp được, tôi phải gánh bằng quang gánh. Có hôm trời mưa, đường trơn, tôi cứ ngã dấp dúi, rồi lại bò dậy khi quần áo bê bết bùn đất, ướt nhẹp. Đến được điểm trường thì trời đã rất khuya...”.
Bây giờ nhiều thế hệ học sinh của cô Huệ đã ra trường, thành đạt. Ngay tại trường Tiểu học Bắc Xa, hiện có hai em học sinh thuộc thế hệ đầu tiên cô Huệ dạy tiểu học, giờ trở về trường đứng trên bục giảng cùng cô Huệ tiếp tục dẫn dắt các thế hệ học trò. Nhiều em đã tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược Hà Nội, hiện là bác sĩ công tác tại địa phương và Hà Nội.
Cô Hoàng Thị Huệ luôn tự hào là giáo viên ở vùng biên. (Ảnh: NVCC) |
Khó khăn đến mấy cũng đến lớp
Gia đình cô Chiến vừa đông con, lại nghèo. Ông nội cô trước đây cũng làm nghề nhà giáo, nên luôn động viên cô đi học đến nơi đến chốn để theo nghề nhà giáo.
Có lần ông bảo cô: “Người làm thầy sẽ mang niềm tin, gieo con chữ đến bao thế hệ học trò, giúp bọn trẻ học làm người, sau này có ích cho xã hội. Niềm hạnh phúc của nghề sẽ theo người thầy suốt cuộc đời, cháu phải giữ nghề, khó không được nản”.
Nhớ lời ông nội, các điểm trường dù có xa xôi hay khó khăn đến đâu, mỗi ngày cô vẫn đến với học sinh. Đường khó vẫn đi, trời mưa, rét cô vẫn đến trường để gieo cái chữ cho từng lứa học trò.
Cô Chiến cho rằng, kinh nghiệm của nghề giáo được tích luỹ mỗi ngày bằng chính sự tìm tòi, học hỏi và vươn lên của bản thân người thầy. Cô chia sẻ: “Nghề nào cũng cần đam mê, tôi yêu nghề giáo, nên dù được phân công dạy môn nào, lớp nào, tôi luôn nỗ lực hết mình cập nhật kiến thức mới, làm sao để mỗi bài giảng của tôi đều mang màu sắc hấp dẫn đến các lứa tuổi học trò. Với các em học sinh tiểu học, bài giảng càng phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, thậm chí cô phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các em hiểu và nhớ bài”.
Hạnh phúc làm nghề của cô giáo Chiến cứ dày lên mỗi ngày trong hành trình gieo chữ ở vùng biên xứ Lạng. Nhìn lại nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành từ những điểm trường, từ lớp học của mình, cô rất tự hào vì tiếp tục dạy các học sinh là con của học trò cũ. Cô cười: “Nhiều lúc, gia đình các em gặp cô với tình cảm gần gũi, thân thương khi cả bố mẹ và các con đều là học sinh của tôi, đều trân trọng chào “cô giáo của vợ chồng em, cô giáo của các con em”.
Với cô Hoàng Thị Huệ, niềm tự hào về nghề giáo ở vùng biên giới luôn là những kỷ niệm và những câu chuyện bất tận đầy cảm xúc.
Trong không khí cả nước hướng đến ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, cô xúc động cho biết: “Những ngày này, chưa bao giờ chúng tôi được hoa của học trò, nhưng phần thưởng lớn nhất là lời chào, lời cảm ơn từ đáy lòng phụ huynh và học sinh nhiều thế hệ.
Hạnh phúc của thầy trò vùng cao chỉ đơn giản thế, nhưng lại ý nghĩa lớn lao vô cùng, nó cứ âm ỉ thắp sáng ước mơ cho chúng tôi mỗi ngày cùng nhau tiến về phía trước”.