Giờ Trái đất 2024: Đoàn kết vì con người và hành tinh của chúng ta
Kha Ninh
16:21 | 25/03/2024
Tối ngày 23/3 (giờ địa phương), hàng triệu người từ hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng loạt công trình biểu tượng nổi tiếng thế giới, đã tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2024.
Tối ngày 23/3, để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024, hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã hành động tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ, từ 20h30 đến 21h30. Trong ảnh: Tàn tích của ngôi đền Parthenon cổ trên đỉnh đồi Acropolis, ở Athens, Hy Lạp, chìm trong bóng tối khi tắt đèn trong Giờ Trái đất. (Nguồn: Reuters)
Chiến dịch này do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng, diễn ra vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm, với mục đích nâng cao nhận thức về thách thức của biến đổi khí hậu và khuyến khích việc bảo tồn năng lượng. Trong ảnh: Cổng Ấn Độ (India Gate) trước và sau khi tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất ở New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)
Kể từ lần đầu tiên diễn ra năm 2007, sự kiện này ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một hiện tượng toàn cầu, với hàng triệu người từ hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng. Trong ảnh: Tháp Elizabeth hay thường gọi là Big Ben, di sản thế giới của UNESCO nổi tiếng ở thủ đô London, Anh, tắt đèn hưởng ứng chiến dịch. (Nguồn: Reuters)
Để bảo đảm tác động hiệu quả và lan tỏa, năm nay, WWF vận động sự ủng hộ của những người nổi tiếng và có ảnh hưởng như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nhà vô địch marathon Olympic người Kenya Eliud Kipchoge, thành viên nhóm nhạc Super Junior nổi tiếng của K-pop Choi Siwon, nữ diễn viên Hollywood Kate Walsh, nữ diễn viên Bollywood Ananya Panday, câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain... Trong ảnh: Nhà hát Opera Sydney trước và sau khi tắt đèn trong Giờ Trái đất ở Sydney, Australia. (Nguồn: Reuters)
Năm nay, ngoài hoạt động tắt đèn và các thiết bị điện, chiến dịch Giờ Trái đất có thêm hoạt động mới có ý nghĩa và hấp dẫn hơn, đó là kêu gọi tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi tìm ra những cách thú vị nhất để “dành một giờ cho Trái đất”. Mọi người tham gia qua Ngân hàng Giờ, một nền tảng tương tác trực tuyến được làm mới giúp dễ tiếp cận chủ đề bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Hoạt động tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất tại Tháp Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP)
Những người ủng hộ từ hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng nhau đóng góp hơn 1,4 triệu giờ qua Ngân hàng Giờ. Trong đó, hơn 208.000 giờ dùng để kết nối lại với thiên nhiên thông qua tình yêu thể dục, hoạt động ngoài trời và nghệ thuật; hơn 248.000 giờ dùng để khôi phục môi trường sống bằng tình yêu dành cho thực phẩm và sự bền vững; hơn 703.000 giờ để tìm hiểu thêm về hành tinh xanh thông qua giáo dục giải trí, hơn 261.000 giờ dành để truyền cảm hứng cho người khác và gần 45.000 giờ tìm hiểu những cách sáng tạo khác để chăm sóc hành tinh của chúng ta. Trong ảnh: Nhà thờ Cologne nằm cạnh cầu đường sắt Hohenzollern bắc qua sông Rhine, Di sản thế giới được UNESCO công nhận, tắt đèn trong chiến dịch Giờ Trái đất ở Cologne, Đức. (Nguồn: Reuters)
Với Giờ Trái đất, một giờ đồng hồ chìm trong bóng tối có nhiều ý nghĩa sâu xa. Đây là lúc mỗi người suy ngẫm về tác động lâu dài của mỗi hành động mà chúng ta tạo ra trên hành tinh, cũng như cách để cùng nhau tạo ra sự thay đổi. Trong ảnh: Công viên Merlion trước và sau khi tắt đèn ở khu thương mại trung tâm ở Singapore. (Nguồn: Reuters)
Sự kiện này là thời điểm hàng triệu người trên toàn cầu đoàn kết, thể hiện sự quan tâm đến tương lai của hành tinh, ngôi nhà chung của nhân loại. Trong ảnh: Cung điện Buckingham tắt đèn trong chiến dịch Giờ Trái đất ở London, Anh. (Nguồn: Reuters)
Giờ Trái đất cũng là thông điệp nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những hành động nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Có hàng triệu người cùng tham gia để giảm thiểu tác động đến môi trường, và chúng ta không hề đơn độc. Trong ảnh: Đấu trường La Mã cổ kính trước và sau khi tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất ở Rome, Italy. (Nguồn: Reuters)
Hàng loạt địa điểm nổi tiếng trên thế giới đã tắt đèn để hưởng ứng chiến dịch năm nay, trong đó có Cung điện Hoàng gia Thái Lan ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Reuters)
Nhà thờ St Alexander Nevsky, một trong 50 nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất thế giới. Công trình được coi là biểu tượng của thành phố Sofia, Bulgaria, chìm trong màn đêm. (Nguồn: Reuters)
Khu vực trung tâm nhộn nhịp, sầm uất bao quanh toà tháp đôi Petronas (trái) và tháp KL ở Kuala Lumpur, Malaysia đồng loạt tắt đèn hưởng ứng chiến dịch. (Nguồn: AFP)
Tại Việt Nam, theo số liệu về mức tiêu thụ điện toàn quốc của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh, tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng. Trong ảnh: Trung tâm thương mại Tràng Tiền và phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất.
Sự kiện Giờ Trái đất năm 2024 tại Việt Nam diễn ra với thông điệp “TIẾT KIỆM ĐIỆN - THÀNH THÓI QUEN” được gửi đến cộng đồng với lời kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường và không chỉ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ, mà mọi tổ chức, cá nhân cần ghi nhớ và thực hiện thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả năm để tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thực sự trở thành thói quen. Trong ảnh: Một khu dân cư ở Hà Nội thực hiện tắt điện trong 1 giờ. (Nguồn: TTXVN)