📞

Giới công nghệ Mỹ tuyệt giao, Huawei đã trúng đòn chí mạng?

Minh Anh 20:00 | 20/06/2019
TGVN. Kể từ khi bị đưa vào danh sách đen của Washington vào tháng trước, lần lượt các công ty công nghệ Mỹ đã chính thức tuyệt giao với Huawei, gặp họa vô đơn chí - "gã" khổng lồ công nghệ Trung Quốc giờ ra sao?  
Giới công nghệ Mỹ tuyệt giao, Huawei đã trúng đòn chí mạng? (Nguồn: Reuters)

Vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, chỉ định đưa Huawei vào đầu danh sách thực thể gây rủi ro an ninh quốc gia. Sắc lệnh này yêu cầu các công ty Mỹ phải được sự cho phép của Chính phủ mới được làm ăn với Huawei.

Họa vô đơn chí

Sau mệnh lệnh từ ‘Trung ương’, ngay lập tức, các công ty công nghệ lớn của Mỹ đã nhanh chóng tuân thủ, mặc dù sau đó Huawei đã nhận được thời gian ân hạn 3 tháng để hoàn tất các hợp đồng còn dang dở với các đối tác và khách hàng của mình, trước khi danh sách đen chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, khó mà tưởng tượng được các thiệt hại của Huawei khi các ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ lần lượt cắt đứt quan hệ.

Sau khi Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen, Google ngay lập tức tuyên bố sẽ thu hồi quyền truy cập của công ty này với dịch vụ Android. Báo cáo của Bloomberg cho biết, Google đã cắt nguồn cung cấp cả phần cứng cũng như phần mềm cho Huawei.

Tuyên bố này đã giáng một đòn mạnh vào Huawei, vì tất cả các điện thoại của hãng đều chạy trên hệ điều hành Android của Google. Điều đó có nghĩa là hàng triệu khách hàng của Huawei có thể mất quyền truy cập vào các bản cập nhật bảo mật, cũng như có thể chịu các gián đoạn khác.

Mất nền tảng Android phổ biến - nơi cung cấp hệ điều hành cho khoảng 86,7% điện thoại thông minh trên toàn thế giới và hỗ trợ hàng triệu ứng dụng, sẽ khiến Huawei rất khó thuyết phục người tiêu dùng mua thiết bị di động của mình.

Để đối phó với tình huống ‘cực chẳng đã’ này, Huawei đã nhanh chóng chuyển sang "kế hoạch B", sẵn sàng phát hành hệ điều hành của mình thay thế Android. Nhưng dù Huawei ‘mạnh miệng’ tuyên bố, họ có thể đã sẵn sàng phát hành hệ điều hành mới vào ngay mùa Thu này tại thị trường Trung Quốc và các thị trường còn lại vào quý I hoặc II/2020, thì dư luận vẫn cho rằng, đó là một kế hoạch không thuyết phục. Thị trường điện thoại thông minh về cơ bản là cuộc đua giữa hai ‘ngựa chiến’ đều của Mỹ, iOS và Android. Nhiều đối thủ nặng ký khác dù đã cố gắng thách thức sự thống trị của Apple và Google đều đã thất bại trong quá khứ.

Còn ‘đế chế’ mạng xã hội Facebook đã cấm Huawei cài đặt sẵn bất kỳ ứng dụng Facebook nào - bao gồm WhatsApp và Instagram - trên điện thoại của họ. Lệnh cấm mới đã có hiệu lực ngay lập tức đối với bất kỳ điện thoại Huawei mới nào từ khi nó chưa xuất xưởng.

Dù Facebook hiện từ chối bình luận về thời gian lệnh cấm thực sự có hiệu lực đối với tất cả các máy điện thoại Huawei, thì vẫn chẳng có gì chắc chắn cho mối quan hệ tương lai của Huawei với Google. Thật khó để biết, liệu Huawei có còn được tiếp tục giữ quyền truy cập vào Google Play nữa hay không, hay tại một thời điểm nào đó, khách hàng sẽ đột ngột bị lấy mất mọi quyền truy cập vào ứng dụng Facebook.

Sau ZTE sẽ là Huawei

Giới quan sát cho rằng, năm ngoái, Tổng thống Trump đã nhanh chóng “đè bẹp’ Công ty công nghệ ZTE cũng của Trung Quốc chỉ trong vài ngày. Có vẻ như tiếp theo sẽ là Huawei.

Mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn với Huawei.

Vài tháng trước đó, vị thế của Huawei trong ngành công nghệ đã được khẳng định bằng việc chính thức trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai và sự hiện diện đáng kể của nó trong thị trường thiết bị viễn thông thế giới.

Nhưng bây giờ, tương lai của người khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã trở nên không chắc chắn, khi phải vật lộn với những hậu quả của việc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng, động thái này sẽ khiến Huawei bắt buộc phải tự đánh giá lại cách họ xây dựng sản phẩm và phát triển kinh doanh.

Huawei có thể thấy mình trong tình huống tương tự của ZTE, vì họ phụ thuộc quá nhiều vào các công ty Mỹ trong các hoạt động kinh doanh. (Nguồn: Reutes)

Người sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành của Huawei Nhậm Chính Phi vừa cho biết hôm thứ Hai rằng, doanh số điện thoại thông minh của họ bên ngoài Trung Quốc đã giảm tới 40% và doanh thu của Huawei trong hai năm tới có thể mất khoảng 30 tỷ USD.

Huawei cũng đã phải loại bỏ việc ra mắt máy tính xách tay MateBook mới của mình do lệnh cấm giao dịch và trì hoãn việc phát hành điện thoại thông minh công nghệ gập Mate X. Dù sự chậm trễ này đã được giải thích là do quyết định của công ty nhằm tiến hành thử nghiệm bổ sung, sau khi xảy ra sự cố lỗi Galaxy Fold của Samsung.

Mặc dù các tác động dài hạn đối với hoạt động kinh doanh của Huawei hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng giới chuyên gia đều cho rằng, con đường phía trước của Huawei sẽ không hề dễ dàng. Công ty này có thể mất phần lớn thị phần ở nước ngoài. Sự thất bại này có thể còn dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa các công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc.

Khi được hỏi về kịch bản tồi tệ nhất sẽ như thế nào đối với Huawei, Nhà phân tích hàng đầu của Công ty tư vấn công nghệ Moor Insights & Strateg Patrick Moorhead đã đưa ra mẫu so sánh với một gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác, đó là ZTE.

Lệnh cấm ZTE hồi năm ngoài gần như đã khiến công ty này sụp đổ. Chuyên gia Moorhead nhận định, Huawei có thể thấy mình trong tình huống tương tự vì họ phụ thuộc quá nhiều vào các công ty Mỹ trong các hoạt động kinh doanh.

Bộ xử lý từ Intel cung cấp năng lượng cho máy tính xách tay của Huawei, trong khi phần mềm của Microsoft và Google điều khiển các thiết bị di động và máy tính xách tay. Chất bán dẫn của Broadcom được sử dụng trong thiết bị viễn thông của Huawei. Các công ty như Skyworks và Qorvo cung cấp các thành phần cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh…

(theo Business Insider)