Hồi đầu năm nay, một báo cáo của tổ chức Oxfam International được công bố cho thấy, 62 người giàu nhất thế giới đang kiểm soát một nửa lượng tài sản của hành tinh. Dù đã có nhiều người nói về tầng lớp siêu giàu của thế giới, nhưng ít ai tìm hiểu kỹ họ là ai, họ sống tại đâu và tài sản của họ đến từ đâu.
Ngày càng nhiều tỷ phú
Một báo cáo mới từ Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn thấy rõ hơn về tầng lớp này thông qua nghiên cứu nguồn cơ sở dữ liệu của những tỷ phú trên thế giới. Những dữ liệu này được thu thập trong hai thập kỷ qua từ danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.
Bản báo cáo nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2015 chia thế giới ra làm 6 khu vực: châu Âu, khu vực Mỹ-Latin, châu Phi hạ Sahara, Trung Đông và Bắc Phi, Nam Á và Trung Á, Đông Á và những nước Anglo (bao gồm Mỹ, Canada, Australia, New Zealand). Báo cáo cũng chia nền kinh tế ra làm 5 nhóm lớn: Công nghiệp khai thác và chế biến tài nguyên, Công nghiệp mới, Thương nghiệp, Phi thương nghiệp và Tài chính. Ngoài ra, báo cáo còn so sánh những tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng với những tỷ phú có tài sản thừa kế từ thế hệ trước.
Theo nghiên cứu này, tài sản của các tỷ phú trên thế giới đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Tổng tài sản của các tỷ phú đã tăng từ khoảng 1.000 tỷ USD vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX lên đến khoảng 3.000 tỷ USD trước cuộc đại suy thoái những năm 2008 – 2009, và tăng đến 5.000 tỷ USD vào năm 2015.
Tài sản của các tỷ phú tại những nền kinh tế đang phát triển đã tăng từ khoảng 500 tỷ USD năm 1996 lên đến khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2015. Trong khi đó, tổng tài sản của các tỷ phú ở những quốc gia phát triển là khoảng 3.000 tỷ USD.
Trung Quốc là một trong những nước có số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới. (Nguồn: Citylab) |
Tỷ phú tự lập nghiệp tăng
Có lẽ, biến chuyển lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ qua là sự tăng lên rõ rệt của những tỷ phú tự lập nghiệp. Hiện tượng này đặc biệt diễn ra tại Mỹ và những nền kinh tế đang phát triển. Vào năm 2014, giá trị tài sản của những tỷ phú đi lên từ tay trắng chiếm đến 70% lượng tài sản của toàn bộ các tỷ phú. Con số này đã tăng lên đáng kể so với con số 45% vào năm 1996.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng, có sự khác biệt trong sự phân bố tỷ phú tự lập nghiệp và tỷ phú được thừa kế tài sản của tổ tiên. Cụ thể, các tỷ phú người Mỹ có xu hướng tự lập nghiệp, trong khi các tỷ phú châu Âu thường có được tài sản lớn là nhờ thừa kế tài sản của tổ tiên, dòng họ.
Theo thống kê năm 2014, trong khi hơn một nửa số tỷ phú châu Âu thừa kế tài sản từ tổ tiên, con số này tại Mỹ chỉ là 1/3. Hơn thế, tài sản của những tỷ phú châu Âu chủ yếu được thừa kế qua nhiều thế hệ. Hơn 20% tài sản thừa kế của các tỷ phú châu Âu là từ 4 thế hệ trở lên, trong khi con số này tại Mỹ là 10%.
Ngoài ra, bản báo cáo cũng cho thấy, những công ty của các tỷ phú châu Âu có độ tuổi cao hơn so với các công ty của các tỷ phú người Mỹ. Trung bình, các tập đoàn châu Âu có tuổi thọ trung bình là 91 năm, trong khi con số này của các tập đoàn Mỹ chỉ là 76. Bản báo cáo đã chỉ ra rằng “có rất ít doanh nghiệp châu Âu thành lập từ năm 2008 đến năm 2014 có thể tạo ra một lượng tài sản lớn”.
Các tỷ phú tự lập nghiệp ở Mỹ chủ yếu phát triển dựa trên 2 ngành công nghệ và tài chính. Mỹ có số tỷ phú tự lập nghiệp đi theo con đường công nghệ (56 tỷ phú, chiếm 12% tổng số tỷ phú Mỹ) nhiều hơn nhiều so với châu Âu (17 tỷ phú, tương đương 5% tỷ phú của châu Âu). Hơn 40% tỷ phú Mỹ xuất thân từ ngành tài chính, đặc biệt là ngành đầu tư thanh khoản – so với 14% tại châu Âu và 12% ở các nước phát triển khác.