Ngày 11/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Tiềm năng ngành dược phẩm Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Phạm Sanh Châu, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và gần 100 hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu giới thiệu tiềm năng ngành dược phẩm Việt Nam tới các doanh nghiệp Ấn Độ. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ). |
Gần đây, Việt Nam đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ được tự do tham gia các gói đấu thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập với những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đấu thầu hoàn toàn căn cứ theo công nghệ và chất lượng sản phẩm, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng khuyến khích doanh nghiệp Ấn Độ thành lập trung tâm sản xuất dược phẩm tại TP. Hồ Chí Minh nhưng yêu cầu các doanh nghiệp này cần tăng cường kiểm soát chất lượng. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Ấn Độ đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong đó có nhất nhiều doanh nghiệp dược phẩm lớn như Sun Pharma, Natco, Mylan…
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đáp ứng được nhu cầu của 100 triệu dân với giá trị tiêu thụ thuốc bình quân đầu người khoảng 64 USD/năm. Tổng giá trị tiêu thụ thuốc đến năm 2020 là 6,23 tỷ USD, trong đó, giá trị sản xuất trong nước đạt 2,9 tỷ USD, giá trị thuốc nhập khẩu khoảng 3,5 tỷ USD.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến Tiềm năng ngành dược phẩm Vệt Nam. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ) |
Hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm được mở rộng nhanh chóng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành dược Việt Nam trong những năm gần đây vẫn chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.
Để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ngành dược, Chính phủ Việt Nam đã có các ưu đãi đối với đầu tư sản xuất thuốc, vaccine, khuyến khích nghiên cứu hoa học về công nghệ sinh học, sản xuất thuốc mới… Bộ Y tế hiện đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung cụ thể liên quan đến chính sách đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.
Tham gia hội thảo, nhiều đại diện hệp hội và doanh nghiệp Ấn Độ cũng đã có các bài thuyết trình, giới thiệu về công ty và thể hiện mong muốn hợp tác, đầu tư vào Việt Nam.
Tiến sỹ Viranchi Shah, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ (IDMA) đánh giá cao cơ hội đầu tư dược phẩm tại Việt Nam và cho rằng hai bên chưa khai thác hết các tiềm năng hợp tác.
Tiến sỹ Aprajita Takiar, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nhân Dược phẩm FOPE giới thiệu tóm tắt về cách thức Ấn Độ có thể cung cấp và sản xuất các loại thuốc chất lượng tốt với giá rẻ. Bà Takiar mong muốn được tìm hiểu rõ hơn về các điều kiện thuận lợi trong kinh doanh tại Việt Nam và loại hình liên doanh có thể thực hiện được giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.
Hội thảo “Tiềm năng ngành dược phẩm Việt Nam” là sự kiện trực tuyến thứ 7 trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Ấn 2020 nhằm kết nối doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông.