Nhỏ Bình thường Lớn

Giữ di sản chưa bao giờ đơn giản!

Trò chuyện với các doanh nhân bên lề Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ tư, tôi càng trân trọng những người coi giữ gìn di sản như sứ mệnh của mình.
Ban Tổ chức trao tặng giấy khen cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào thành công của sự kiện.  (Ảnh: MH)
Ban Tổ chức trao tặng giấy khen cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào thành công của sự kiện. (Ảnh: MH)

Còn nhớ, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của giới công thương nói chung trong công cuộc xây dựng, kiến thiết kinh tế, xã hội quốc dân. Cho đến nay, nội dung bức thư ấy vẫn còn nguyên giá trị khi những doanh nhân không chỉ đóng góp xây dựng đất nước mà còn đang nỗ lực gìn giữ những di sản.

Đến tham dự sự kiện Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ tư từ rất sớm, cảm xúc đầu tiên trỗi dậy trong lòng tôi là sự phấn chấn, tự hào khi nhìn thấy những gương mặt doanh nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế của các địa phương.

Họ có mặt tại đây, tức là họ quan tâm đến hai chữ: Di sản. Riêng sự quan tâm ấy, chưa nói đến những hành động trên thực tế của họ đã là một sự đáng quý, đáng trân trọng vô cùng. Bởi lẽ, Covid-19 vừa đi qua, những thiệt hại mà đại dịch này để lại còn chưa khắc phục hết. Nhiều doanh nghiệp chưa thể đứng vững hẳn sau cơn thập tử nhất sinh nhưng họ vẫn dành thời gian để cùng bàn bạc, thảo luận về một nhiệm vụ luôn nóng bỏng: bảo vệ di sản! Với các doanh nhân có mối quan tâm này, dù ít hay nhiều, hai chữ di sản cũng sẽ có mặt trên bàn cân khi họ đưa ra các quyết định đầu tư của doanh nghiệp mình.

Song hành cùng di sản

Thấy tôi từ xa, chị Phan Thị Quảng, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Quảng Hồng, Bãi biển Hồng Quảng vẫy tay hồ hởi. Doanh nhân đến từ Quảng Ninh này đã khiến báo giới tốn nhiều giấy mực bởi tinh thần quyết liệt, quyết đoán của chị trong những hoạt động đầu tư liên quan đến Vịnh Bái Tử Long suốt hai thập kỷ qua. Chị đã nhận thấy sứ mệnh bảo vệ vẻ đẹp của di sản thiên nhiên này từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước trong một lần đi đưa cơm cho chồng làm ca.

Chị cười vui: “Từ ngày Vịnh Hạ Long chưa được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì đã được tôi công nhận luôn rồi. Hồi đó, tôi đứng nhìn xuống khu bãi biển đầy rác của thị xã, thấy nó đẹp như nàng công chúa Lọ Lem. Bãi biển đẹp quá mà mỗi khi thủy triều rút đi là để lại cả chục tấn rác. Hồi đó, ở Việt Nam có lẽ chưa có nhà đầu tư nào đầu tư vào bãi tắm hay khu du lịch. Tôi nhìn “nàng Lọ Lem” của đất Quảng mà xót xa và tiếc…”.

Có lẽ, chị Quảng chẳng bao giờ nghĩ rằng, chính cái tâm trạng xót xa và tiếc nuối cho một vẻ đẹp hiếm có của Hạ Long ấy đã biến thành hành động của chị sau này khi đã có sự chín muồi cả về thế và lực.

Chị Phan Thị Quảng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Quảng Hồng, Bãi biển Hồng Quảng chia sẻ câu chuyện “hồi sinh” bãi biển tại vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: MH)
Chị Phan Thị Quảng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Quảng Hồng, Bãi biển Hồng Quảng chia sẻ câu chuyện “hồi sinh” bãi biển tại vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: MH)

Gần mười năm sau, doanh nhân Phan Thị Quảng ôm hồ sơ dự án lên gặp Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh khi đó là ông Đỗ Quang Trung để trình bày. “Anh Trung đã dành bốn giờ đồng hồ để tiếp tôi. Tôi như cô sinh viên đi bảo vệ luận án tốt nghiệp và trả lời chi tiết lần lượt khoảng 50 câu hỏi của Chủ tịch tỉnh”, chị kể.

Cuối cùng, ông Trung đồng ý trình dự án của chị lên Tỉnh ủy với kết luận ngắn gọn: “Tôi đồng ý vì dự án của cô làm cảnh quan đẹp hơn. Một vùng thiên nhiên đẹp được công ty của cô đầu tư và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân”.

Người đi trước thì phải mở đường, vì mở đường mà đi lâu. Doanh nhân Phan Thị Quảng cứ lần mò từng bước một để chạm tới đích của mình: một bãi biển đẹp tự nhiên và không rác thải. Năm năm sau, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép công ty của chị thực hiện dự án. “Được lời như cởi tấm lòng”, chị hồ hởi và âm thầm biến bãi rác thành một bãi tắm sạch đẹp. Như nàng Lọ Lem biến hình, vịnh Bái Tử Long cứ thế lột xác từng phần. “Tôi đã đổi hết đường ống nước thải tập trung về một khu vực riêng, còn khu bãi biển Bái Tử Long dài khoảng hơn 3 km bờ biển thì không có bất kỳ một nguồn nước bẩn nào thải xuống. Mỗi lần ngắm nhìn những đổi thay do dự án mang lại, tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Tôi mong mình luôn được song hành với di sản và các cấp chính quyền đồng hành với tôi để những công sức, trí tuệ mà tôi đã bỏ ra hơn 30 năm qua sẽ phát huy tốt hơn nữa những kết quả tích cực của nó”, doanh nhân Phan Thị Quảng chia sẻ.

“Vượt lên chính mình”

Trong số các nữ doanh nhân tham dự sự kiện, tôi chú ý nhiều đến một tà áo dài tha thướt với họa tiết giản dị nhưng ấn tượng. Hỏi ra mới biết đó là chị Trịnh Thu Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Nhà hàng Khách sạn. Tiếp tôi với nụ cười tươi như hoa và tác phong lịch sự của người có thâm niên trong ngành dịch vụ, chị bảo: “Không phải là người mẫu mà dám bận áo dài trình diễn là tôi đã thấy bản thân vượt lên chính mình rồi. Áo dài của các bà, các chị ngày xưa quá tuyệt vời và mỗi dịp quan trọng, đặc biệt là những dịp tiếp khách quốc tế, tôi thường không phải suy nghĩ nhiều về trang phục bởi đồ phù hợp nhất, tự tin nhất và tự hào nhất mà tôi chọn chính là tà áo dài truyền thống”.

Chị Trịnh Thu Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Nhà hàng Khách sạn trong trang phục truyền thống.  (Ảnh: MH)
Chị Trịnh Thu Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Nhà hàng Khách sạn trong trang phục truyền thống. (Ảnh: MH)

Khác với lĩnh vực của chị Phan Thị Quảng, chị Thu Hương là doanh nhân có thâm niên trong lĩnh vực ẩm thực – một trong những loại di sản văn hóa phi vật thể. Như được bật đúng “công tắc” khi được hỏi về vấn đề khôi phục những nét văn hóa thông qua ẩm thực, chị hào hứng chia sẻ: “Nhà hàng của tôi là nhà hàng Việt Nam và tôi đã từng bước khôi phục các món ăn cổ truyền của Bắc Bộ. Tôi yêu vô cùng những nét ẩm thực của Hà Nội 36 phố phường. Tôi muốn khôi phục mâm cỗ cổ truyền với những món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ và cả những món mà trong cung đình mới có. Ẩm thực của Việt Nam ngon, bổ và đẹp, đặc biệt là tốt cho sức khỏe, cân bằng âm dương. Với tôi, khôi phục và gìn giữ những công thức nấu ăn truyền thống để lưu lại cho muôn đời sau có thể coi là một sứ mệnh”.

Nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui và nhiệt huyết của chị Thu Hương, tôi hiểu tình yêu của chị đối với văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói riêng hấp dẫn chị đến nhường nào. Tôi cũng hiểu, khi tình yêu ấy biến thành hành động thì sức mạnh mà nó mang lại lớn đến nhường nào.

Chia sẻ tại sự kiện, nhà báo Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam khẳng định, “Việt Nam thực sự là một đất nước có tiềm năng văn hóa và lợi thế để phát triển các ngành kinh tế dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản”.

Tuy nhiên, để công cuộc bảo tồn và gìn giữ giá trị di sản đạt được hiệu quả cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội. UNESCO đã khẳng định “không có văn hóa nếu không có sự tham gia tự giác của người dân và cộng đồng”. Trong đó, không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản.

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã ý thức và thận trọng hơn khi khai thác di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần lan tỏa giá trị di sản một cách hài hòa, nhân văn và có bản sắc.

Có nhiều những chia sẻ tại Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam. Ẩn trong đó là những câu chuyện cảm động, những nỗ lực và hy sinh không hề nhỏ.

Gìn giữ và bảo tồn di sản chưa bao giờ là điều đơn giản, nhưng không có nghĩa là bất khả thi. Bác Hồ từng đưa ra sự ví von dí dỏm về những việc lớn, những nhiệm vụ khó khăn trong bài thơ Hòn đá:

Hòn đá to,

Hòn đá nặng,

Một người nhấc,

Nhấc không đặng.

Hòn đá to,

Hòn đá nặng,

Nhiều người nhấc,

Nhấc lên đặng.

Bảo tồn di sản cũng vậy, cần có sự chung tay của mọi người, trong đó, đội ngũ doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nói như nhà báo Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp: “Lưu truyền được những giá trị di sản văn hóa cho các thế hệ sau một cách đầy đủ và đúng với giá trị thực của nó không còn là trách nhiệm mà cần được các doanh nhân coi như là sứ mệnh của mình”.

Văn hóa bánh mì của Pháp và nghệ thuật múa mặt nạ của Hàn Quốc được UNESCO ghi danh

Văn hóa bánh mì của Pháp và nghệ thuật múa mặt nạ của Hàn Quốc được UNESCO ghi danh

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định công nhận văn hóa bánh mì (baguette) của ...

Tinh hoa nghệ thuật làm gốm của người Chăm

Tinh hoa nghệ thuật làm gốm của người Chăm

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các ...

Việt Nam có thêm 2 Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Việt Nam có thêm 2 Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Với 2 di sản mới được công nhận, tính đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Khẳng định sứ mệnh của doanh nhân trong bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa

Khẳng định sứ mệnh của doanh nhân trong bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội Unesco ...

Hoa Kỳ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

Hoa Kỳ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và ...