📞

Giữ lửa Tuồng trên phố cổ Hà Nội

PHƯƠNG ANH 15:00 | 25/05/2024
Có dịp trải nghiệm phố đi bộ gần Hồ Gươm vào mỗi tối thứ Sáu và Chủ nhật hàng tuần, bạn sẽ thấy ở một góc nhỏ trên phố Mã Mây sáng ánh đèn sân khấu. Nơi đó có những trích đoạn của những vở tuồng quen thuộc một thời...
Du khách say mê theo dõi những màn biểu diễn Tuồng trên phố cổ. (Ảnh: Phương Anh)

Tại đây, người dân và du khách được thưởng thức miễn phí nhiều tác phẩm nổi tiếng của nghệ thuật Tuồng truyền thống do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã về hưu biểu diễn.

Qua nhiều năm cống hiến, họ vẫn nuôi dưỡng đam mê với loại hình nghệ thuật độc đáo này và mong mỏi lan tỏa đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Gánh hát đặc biệt

Dù mang đậm đà bản sắc văn hóa của Việt Nam nhưng Tuồng khó học và biểu diễn hơn các loại hình khác vì đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa thể hiện vũ đạo, hát và diễn xuất.

Nghệ thuật này thường khai thác chủ đề nội dung từ những câu chuyện lịch sử, văn học và cả những câu chuyện tình cảm đời thường. Mỗi tác phẩm có cách thể hiện riêng nhưng đều hướng tới giá trị nhân văn, thông điệp sâu sắc.

Hiện nay, Tuồng đang có nguy cơ bị mai một và lãng quên, nên để loại hình nghệ thuật độc đáo này có thể tiếp tục giữ vững bản sắc và đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, các nghệ sĩ cao niên vẫn say mê với nghề.

Nghỉ hưu từ năm 2018, NSND Hương Thơm luôn trăn trở với nỗi lo lớn nhất là nghệ thuật Tuồng ngày càng thiếu vắng khán giả, đồng thời mong muốn biểu diễn phải có khán giả xem để biết được cái hay, cái đẹp của Tuồng.

Bà chia sẻ: “Biết là khó nhưng chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng truyền lửa nghề cho các thế hệ sau này. Hơn nữa, tôi tin rằng nếu Tuồng được đưa vào học đường sẽ tạo ra những cơ hội mới, giúp trẻ em hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này từ khi còn nhỏ tuổi”.

Được sự cho phép của Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, gánh hát đặc biệt này đã duy trì biểu diễn từ tháng 1/2024 cho đến nay.

Số thành viên tính đến thời điểm hiện tại là 19 người, đa phần là các nghệ sĩ đã về hưu nhưng niềm đam mê cháy bỏng đã thôi thúc họ tiếp tục biểu diễn để giữ ngọn lửa Tuồng truyền thống rực cháy mãi.

Để phục vụ đêm diễn, các nghệ sĩ Tuồng phải có mặt từ sớm để hóa trang. Đối với họ, đây là việc cần phải trau chuốt đến từng chi tiết, thời gian từ 1-2 tiếng đồng hồ.

Mỗi nét vẽ, khối màu đều thể hiện rõ tính cách của nhân vật mà nghệ sĩ thủ vai. Bởi vậy mà xưa nay các diễn viên Tuồng phải tự hóa trang, biến mình thành những họa sĩ chuyên nghiệp.

Tại phố Mã Mây, họ lựa chọn biểu diễn các trích đoạn quen thuộc như Ông già cõng vợ đi xem hội; Hồn cô hóa cáo; Nghêu, sò, ốc, hến...

Đây là những trích đoạn đặc sắc đã được các nghệ sĩ biểu diễn và tập luyện trong suốt những năm làm nghề, do vậy mỗi nghệ sĩ khi trình diễn đều mang linh hồn của nhân vật để du khách khi thưởng thức được vẹn tròn cảm xúc nhất.

Gắn bó với nghệ thuật Tuồng khoảng 40 năm, NSND Văn Thủy cảm động chia sẻ: “Có nhiều người sau khi xem biểu diễn đã vào hỏi chúng tôi về nghệ thuật Tuồng. Các khán giả trong nước và nước ngoài xem rất hào hứng, thậm chí có các cháu thiếu nhi dù chỉ mới 5-6 tuổi cũng ngồi cùng bố mẹ xem biểu diễn từ đầu đến cuối chương trình.

Gặp được những người yêu Tuồng, những thế hệ nhỏ tuổi thích thú với nghệ thuật Tuồng như vậy tôi rất vui. Đây là điều đáng mừng khi Tuồng có thể tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ”.

Màn biểu diễn của nghệ sĩ Tuồng trên phố Mã Mây. (Ảnh: Phương Anh)

Miệt mài giữ lửa nghề

Kể từ những ngày đầu thành lập, gánh Tuồng của những nghệ sĩ cao niên này đã trở thành món ăn tinh thần độc đáo đối với người dân và du khách mỗi dịp lên phố cổ.

Nhiều du khách cả trong và ngoài nước có thêm một điểm dừng chân thú vị khi dạo chơi trên phố cổ Hà Nội.

Chương trình biểu diễn miễn phí nhưng mọi thứ đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ đến nhân vật và nội dung.

Tất cả những điều này làm nên một chương trình ấn tượng và đầy màu sắc, giúp khán giả đắm chìm trong không gian ánh sáng được thắp lên từ niềm đam mê, sự tâm huyết, “sinh vì nghệ, tử vì nghệ” của các nghệ sĩ.

Với sự chu toàn trong cách diễn và tạo hình nhân vật, các nghệ sĩ Tuồng như đưa khán giả vào thế giới của từng nhân vật.

Qua từng cử chỉ, lời thoại, mỗi nghệ sĩ đều chứng tỏ được sự chuyên nghiệp và đam mê của mình, họ làm nên những tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống và ý nghĩa, mang lại cho du khách trải nghiệm văn hóa khó quên.

Hóa thân vào vai diễn trong trích đoạn Hồn cô hóa cáo, NSƯT Bích Tần để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Thể hiện vai diễn này khoảng 18 năm, nữ nghệ sĩ đã thuần thục từng hành động, nét mặt và tâm lý nhân vật một cách tinh tế và sống động.

Bà chia sẻ: “Mỗi lần biểu diễn, tôi đều cảm thấy như mình đang sống cùng nhân vật. Vai diễn này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật diễn xuất cao, giọng hát nội lực và sức khỏe tốt mà còn cần sự thấu hiểu sâu sắc về tâm hồn và số phận nhân vật. Tôi luôn muốn mang đến cho khán giả những màn trình diễn chân thực và xúc động nhất”.

Dù thời tiết nóng bức hay lất phất mưa, góc phố ấy vẫn sáng đèn, hấp dẫn nhiều khán giả và du khách dừng chân thưởng thức.

Có lẽ, đây không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là nơi những giá trị văn hóa truyền thống được trân trọng, tôn vinh và lan tỏa.

NSND Hương Thơm luôn trăn trở với nỗi lo lớn nhất là nghệ thuật Tuồng ngày càng thiếu vắng khán giả trẻ. (Ảnh: Phương Anh)

Các nghệ sĩ Tuồng trên phố cổ Hà Nội không chỉ là những người bảo tồn mà còn là những người tiên phong trong việc làm mới và phổ biến nghệ thuật Tuồng.

Họ đã và đang góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và tình yêu với nghệ thuật truyền thống trong lòng công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Những đêm diễn không chỉ là dịp để các nghệ sĩ Tuồng trình diễn mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu và trao đổi giữa những người yêu nghệ thuật truyền thống.

Dẫu biết còn nhiều khó khăn để đưa Tuồng đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ nhưng bằng cách này, loại hình nghệ thuật đượm hồn dân tộc sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển cùng nhịp sống trẻ.

Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy, với niềm đam mê và sự cống hiến không mệt mỏi của các nghệ sĩ đã về hưu, nghệ thuật Tuồng hoàn toàn có thể tìm lại vị trí xứng đáng trong lòng khán giả hiện đại.

Tuồng hay Hát bộ, Hát bội là những cách gọi chỉ một loại hình loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm, Tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn… thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau và chưa được thống nhất liên quan đến thời điểm ra đời của Tuồng và phân kỳ lịch sử phát triển của loại hình nghệ thuật này.

Đa phần các nhà nghiên cứu khẳng định Tuồng là loại hình sân khấu nghệ thuật lâu đời nhất, có mặt ở cả ba miền đất nước, khởi nguồn từ đất Bắc rồi dần tiến vào miền Trung và Nam Bộ. Đặc biệt, Tuồng đạt đỉnh cao vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX, được triều đình nhà Nguyễn coi là quốc kịch.