Mặc cho số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng, nông dân Ấn Độ vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bãi bỏ ba đạo luật mới về nông nghiệp được thông qua vào tháng 9/2020.
Hàng triệu nông dân Ấn Độ tiếp tục biểu tình chống lại luật nông nghiệp mới, dấy lên lo ngại "siêu lây nhiễm" trong bối cảnh đại dịch Covid-19. |
Nông dân Ấn Độ cho rằng, các luật mới khiến họ bị “lép vế” trước các tập đoàn lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kế sinh nhai và thu nhập của họ.
Kể từ cuối năm 2020, hàng chục nghìn người biểu tình đã cắm trại xung quanh thủ đô New Delhi. Tuy vậy, do dịch bệnh và vụ mùa, làn sóng biểu tình có giảm nhưng đến nay được khởi động lại. Khi vụ mùa gần kết thúc, nông dân chuẩn bị cho một chiến dịch phản đối mới.
Nguyên nhân sâu xa
Tháng 9/2020, Quốc hội Ấn Độ thông qua ba đạo luật mới về nông nghiệp bất chấp sự phản đối của các đảng đối lập. Chính phủ nước này khẳng định các luật này sẽ loại bỏ những người trung gian, giúp nông dân trực tiếp bán sản phẩm của họ trên thị trường thương mại.
Tuy nhiên, những người phản đối lo ngại các cải cách như vậy sẽ làm giảm giá nông sản do không đảm bảo mức giá tối thiểu, tạo điều kiện cho thương lái tích trữ lượng lớn hàng hóa không hạn chế và đặt ra các quy tắc mới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng, qua đó giảm thu nhập chung của nông dân.
Nhiều vòng đàm phán giữa các hội nông dân và chính phủ Ấn Độ không đạt được bước đột phá. Đầu năm nay, chính phủ của Thủ tướng Modi đã đề nghị hoãn các luật nông nghiệp mới trong 18 tháng nhưng sự tạm hoãn này không làm hài lòng nông dân. Ở phía ngược lại, các hội nông dân muốn bãi bỏ hoàn toàn dự luật như vậy.
Sau nhiều tháng trì hoãn, Samyukta Kisan Morcha, tổ chức bảo trợ của 40 liên đoàn nông dân, đã gửi một bức thư tới Thủ tướng Narendra Modi, yêu cầu ông bắt đầu lại các cuộc đàm phán mới.
Một cuộc kêu gọi biểu tình trên phạm vi toàn quốc đã nổ ra vào ngày 26/5. Một số chính trị gia đối lập đã ra mặt ủng hộ phong trào này.
Hàng nghìn nông dân Ấn Độ tập trung tại ba trục đường cao tốc nối thủ đô New Delhi với các bang lân cận là Punjab, Uttar Pradesh và Haryana để biểu tình. Một số người thậm chí còn dựng những lều kiên cố bằng gạch và xi măng để trụ vững dưới ánh nắng thiêu đốt của mùa Hè.
Một số nông dân cho biết họ sẽ còn tiếp tục trường kỳ đấu tranh cho đến khi đạt được kết quả như mong muốn. |
Tình trạng khó khăn
Dù cuộc biểu tình lần này không còn thu hút được sự chú ý của dư luận bởi đất nước vẫn đang “gồng mình” chống lại dịch Covid-19, thế nhưng, một số nông dân cho biết họ sẽ còn tiếp tục trường kỳ đấu tranh cho đến khi đạt được kết quả như mong muốn.
Tại các điểm biểu tình, bên cạnh những người đeo khẩu trang hoặc sử dụng khăn vải để che miệng và mũi, có rất nhiều người không áp dụng bất kỳ biện pháp phòng chống dịch nào.
Bác sĩ Singh, người tham gia hỗ trợ các nông dân, cùng một số tình nguyện viên đã tuyên truyền kiến thức về Covid-19, phân phát nước rửa tay và khẩu trang miễn phí cho những người biểu tình ở mọi lứa tuổi.
Họ tiến hành đo nhiệt độ ngẫu nhiên và đưa mọi người đi xét nghiệm định kỳ. Ngoài ra, nhóm của ông Singh cũng đến điều trị cho những bệnh nhân tại các địa phương lân cận New Delhi và bang Haryana, bao gồm nông dân và những người không thể nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền.
Chia sẻ với DW, ông Singh cho biết: "Cuộc biểu tình này khác với tất cả những cuộc biểu tình trên thế giới từ trước đến nay. Nó không phải là vấn đề có thể giải quyết ngày một ngày hai. Những nông dân ở đây sẵn sàng duy trì cuộc biểu tình trong nhiều năm nếu điều đó là cần thiết để duy trì sinh kế của họ".
Lo ngại sự kiện "siêu lây nhiễm"
Cuộc biểu tình đã thu hút được sự tham gia của hàng triệu nông dân, tập trung tại thủ đô New Delhi và các khu vực xung quanh.
Chính vì vậy, giới chức Ấn Độ lo ngại, đây sẽ trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm" dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, giống như lễ hội Kumbh Mela hay các cuộc vận động bầu cử hồi tháng 4.
Thủ hiến bang Punjab, ông Amarinder Singh tuyên bố: “Đừng hành xử vô trách nhiệm. Biểu tình kiểu này là không thể chấp nhận khi mạng sống của nhiều người đang gặp nguy hiểm”.
Hiện nay, Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế lớn chưa từng có do làn sóng thứ hai của dịch Covid-19. Số ca tử vong đã vượt mốc 300.000 người và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Các chuyên gia y tế cho rằng, con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều lần.
Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp để xuống đường phố, phía nông dân khẳng định họ không thể quay đầu lúc này.
"Chúng tôi không muốn để bất cứ ai đối mặt với nguy cơ về y tế", đại diện nông dân Ấn Độ viết trong bức thư gửi Thủ tướng Narendra Modi. "Tuy vậy, các đạo luật sẽ khiến nông dân yếu thế hơn trước các tập đoàn nông nghiệp lớn. Đây là vấn đề sinh tử".
Có những ý kiến cho rằng, chính phủ Ấn Độ nên hỗ trợ tiêm chủng cho nông dân, để họ được an toàn hơn trong bối cảnh đại dịch, cũng như có đủ sức khỏe để tiếp tục lao động.
Theo DW, giới chức Ấn Độ đã có dấu hiệu muốn bắt đầu lại các cuộc đàm phán với nông dân đang biểu tình. Song, những người tham gia biểu tình khẳng định, chính phủ cần quan tâm và giải quyết nghiêm túc những bất bình của họ.