📞

'Giương cao lá cờ ASEAN trong năm đại dịch: Vai trò Chủ tịch của Việt Nam năm 2020'

Minh Khôi 17:55 | 06/12/2020
TGVN. Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) trụ sở tại Singapore ngày 3/12 đăng bài phân tích của chuyên gia Hoàng Thị Hà, thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, với tựa đề 'Giương cao lá cờ ASEAN trong năm đại dịch: Vai trò Chủ tịch của Việt Nam năm 2020'. Xin trích giới thiệu bài viết này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trao Chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại dịch Covid-19 là một phép thử tối quan trọng về khả năng phục hồi của ASEAN và khả năng dẫn dắt của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong khi nhiều quốc gia thành viên ASEAN vẫn đang dồn sức ngăn chặn sự lây lan của virus hoặc đang ở trong tình trạng hỗn loạn xã hội-chính trị và suy thoái kinh tế, thì Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả đại dịch và dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 1,8% trong năm nay.

Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để tập trung vào chương trình nghị sự của ASEAN và hoàn thành trách nhiệm chủ tịch của mình. Việt Nam đã sử dụng ngoại giao kỹ thuật số để duy trì động lực đối thoại và hợp tác của ASEAN. Tất cả các cuộc họp của ASEAN, kể cả các cuộc họp với các đối tác đối thoại, đều được tổ chức trực tuyến từ tháng 4/2020.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy những thay đổi về hệ thống trong khu vực, làm gia tăng sự cạnh tranh Mỹ-Trung và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam có những đóng góp lớn vào việc thúc đẩy những thay đổi về chiến lược và kinh tế không chỉ vì lợi ích của mình mà còn để xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Xử lý đại dịch Covid-19

Kể từ cuối tháng 1/2020, các ngành quốc phòng, đối ngoại và y tế của ASEAN đã cam kết phối hợp với nhau để đối phó với đại dịch Covid-19. Các thành viên ASEAN ban đầu có những đánh giá khác nhau về rủi ro từ Covid-19, thời điểm bùng phát đại dịch khác nhau và hiện đang ở những giai đoạn khác nhau của việc kiểm soát đại dịch. Covid-19 đã mang lại cho nhà nước vai trò phản ứng đầu tiên và chịu trách nhiệm cuối cùng trước người dân trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sự cố có quy mô toàn cầu và quỹ đạo khó lường như Covid-19.

ASEAN đã tăng cường hoạt động và triển khai một số sáng kiến ứng phó tập thể, bao gồm cả việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 (CARF) và Kho dự phòng tư y tế khẩn cấp ASEAN (RRMS). Những sáng kiến này đã giúp nâng cao ngọn cờ ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN đang nghiên cứu các Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tháng 11/2020, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra tuyên bố về việc xây dựng một khuôn khổ hành lang đi lại trong ASEAN. Mặc dù vậy, việc đẩy mạnh du lịch toàn khu vực ASEAN khó khả thi ở giai đoạn này, do tình hình đại dịch Covid-19 ở các nước thành viên ASEAN đang ở các giai đoạn và mức độ khác nhau. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch thực hiện; các kết quả và mục tiêu sẽ được các ngành liên quan của ASEAN tiếp tục xác định rõ.

ASEAN đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc giảm thiểu và vô hiệu hóa các biện pháp hạn chế thương mại đối với vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu khác.

Về mặt kinh tế, đại dịch đã khuyến khích các thành viên ASEAN đẩy nhanh việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và thông qua chứng nhận xuất xứ điện tử để khắc phục tình trạng gián đoạn thương mại do đại dịch Covid-19. Nghị định thư đầu tiên về sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào tháng 9/2020 chấp nhận chữ ký/con dấu điện tử. Tháng 11/2020, Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) liên quan đến Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được ra mắt. Theo đó, các thương nhân có thể tiến hành vận chuyển qua các nước thành viên ASEAN tham gia hệ thống này chỉ với một xe tải, một tờ khai hải quan và một giấy bảo lãnh của ngân hàng”.

ASEAN đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc giảm thiểu và vô hiệu hóa các biện pháp hạn chế thương mại đối với vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu khác. Tháng 4/2020, các bộ trưởng ASEAN về nông nghiệp và lâm nghiệp đã nhất trí giảm thiểu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực trong khu vực, đảm bảo sự thông thoáng trên thị trường, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản và thực phẩm. Tháng 6/2020, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết đảm bảo sự lưu thông của các mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế và nhiều sản phẩm khác liên quan đến Covid-19.

Tháng 11/2020, các thành viên ASEAN đã ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan đối với các mặt hàng thiết yếu, cam kết không áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng hóa và vật tư thiết yếu, và rút lại tất cả các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng thiết yếu không phù hợp với các cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tiến trình ATIGA đã được thực hiện theo những cam kết này và một số thành viên ASEAN đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu tạm thời của họ. Mặc dù ASEAN chỉ là một nhân tố góp phần vào sự đảo ngược này, nhưng những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì sự kết nối trong chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu được xem là một trong những phản ứng nổi bật nhất của ASEAN trong năm 2020.

ASEAN cũng đã liên hệ với các đối tác đối thoại để đảm bảo sự hỗ trợ của các nước đối tác trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, Mỹ đã hỗ trợ 87 triệu USD, Nhật Bản hỗ trợ hơn 1 triệu USD, Trung Quốc hỗ trợ hơn 1 triệu USD và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ 800 triệu Euro. Ngoài những hành động thiết thực này, thông điệp chính trị từ những cam kết của các nước đối tác cũng quan trọng không kém - đó là giữ vững tinh thần chủ nghĩa đa phương và duy trì một trật tự khu vực cởi mở và bao trùm.

Kiểm soát cạnh tranh nước lớn

Đại dịch Covid-19 đã làm leo thang sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời góp phần làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và EU. Trước những diễn biến đó, Việt Nam tự thấy mình đang ở trong tình cảnh vừa khó khăn, vừa thuận lợi.

Tháng 10/2020, Hà Nội đã chào đón tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, những người đang tìm cách tăng cường quan hệ với Việt Nam như một phần trong kế hoạch Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn của họ. Việt Nam được hưởng lợi đáng kể từ các sáng kiến cơ sở hạ tầng chất lượng cao và sự phục hồi chuỗi cung ứng của những nước này. Chẳng hạn, tháng 7/2020, 15 trong số 30 công ty Nhật Bản nhận được tài trợ di dời của chính phủ đã chọn chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Thời khắc quyền lực trung gian” của ASEAN đã đến khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15/11/2020.

Việt Nam cũng đang hướng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam đã đóng góp vào việc đưa ra Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản tháng 11/2020, trong đó lưu ý rằng cả AOIP và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) của Nhật Bản đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản có liên quan trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác.

ASEAN vừa là vùng đệm vừa là điểm tựa để Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại đa hướng và chống lại sức ép phải chọn bên. Tháng 8/2020, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh vị trí trung lập của ASEAN trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Đóng góp của Việt Nam vào tuyên bố đảm bảo rằng luật pháp quốc tế là cơ sở để duy trì tính trung lập và là kim chỉ nam định hướng cho ASEAN trong bối cảnh bất ổn địa chính trị. Tuyên bố khuyến khích sự tham gia mang tính xây dựng của các đối tác bên ngoài của ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời tái khẳng định định hướng “hướng ngoại, cởi mở và hòa nhập” được ASEAN đặt ra sau Chiến tranh Lạnh.

ASEAN cũng tạo cơ hội để Việt Nam và các quốc gia khác theo đuổi chủ nghĩa đa phương mang tính bao trùm, duy trì lập trường trung lập để tiến hành hợp tác và thực thi quyền tự quyết của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng.

Sáng 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Thời khắc quyền lực trung gian” của ASEAN đã đến khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15/11/2020. Việt Nam đã cùng các nước khác ký kết RCEP, thể hiện cam kết mạnh mẽ của họ về thương mại tự do và cởi mở, và thể hiện tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc thương mại khu vực.

Và các vấn đề khác

Liên quan đến các vùng biển tranh chấp, trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN tại hai Hội nghị cấp cao ASEAN thường niên, các cuộc họp cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị thượng đỉnh với một số đối tác đối thoại trong năm nay đều khẳng định UNCLOS là cơ sở để xác định các quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển và khung pháp lý mà mọi hoạt động ở biển phải tuân thủ.

Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đã giúp nâng cao vị thế quốc tế và tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ở Thái Bình Dương.

Việt Nam cũng đã tích cực đưa tiểu vùng sông Mekong vào chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay. Phát biểu tại Diễn đàn an ninh ASEAN về hội tụ hợp tác tiểu vùng Mekong với các mục tiêu ASEAN tháng 7/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh ASEAN cần phải nâng cao vai trò và vị trí trung tâm của mình trong tiểu vùng sông Mekong, liên kết khu vực này với các mục tiêu xây dựng cộng đồng và phát triển bền vững của ASEAN. Theo sáng kiến của Việt Nam, Hội đồng điều phối ASEAN đã triệu tập một phiên họp đặc biệt về phát triển tiểu vùng vào tháng 9/2020. Cuộc họp diễn ra mới chỉ một lần này đã khuyến khích các nỗ lực gắn tăng trưởng tiểu vùng với sự phát triển toàn diện của ASEAN.

Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đưa các vấn đề Mekong vào chương trình nghị sự và các thể chế của ASEAN đã mang lại sự tiến bộ. Tuy còn hạn chế do thiếu sự đồng thuận của ASEAN, nhưng sự tiến bộ này đã khiến nhiều người quan tâm và lo lắng hơn đến thảm họa môi trường đang diễn ra và tình trạng di cư ở lưu vực sông Mekong. Năm 2020 cũng chứng kiến sự gia tăng về mức độ chú ý và tần số đề cập đến các vấn đề sông Mekong tại các cuộc họp của ASEAN với một số đối tác đối thoại, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Tháng 9/2020, Mỹ đã “tăng tốc cuộc chơi” bằng cách khởi động Đối tác Mỹ-Mekong với các khoản viện trợ mới.

Ngoài những vấn đề trên, Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN cũng đã đưa vào thảo luận chương trình nghị sự về việc xây dựng cộng đồng, rà soát Hiến chương ASEAN, đánh giá giữa kỳ Cộng đồng ASEAN 2025 và thảo luận về tầm nhìn sau năm 2025.

Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đã giúp nâng cao vị thế quốc tế và tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ở Thái Bình Dương. Việt Nam được nhiều người xem là nước mới nổi trên phương diện dẫn dắt ASEAN. Giới lãnh đạo Việt Nam ngày càng muốn đưa bản sắc ASEAN vào triển vọng chiến lược của mình – với phương châm hành động “Cộng đồng suy nghĩ, cộng đồng hành động”. Vì một ASEAN đoàn kết và mạnh mẽ là lợi ích chiến lược lâu dài của đất nước, nên Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào ASEAN sau khi kết thúc vai trò chủ tịch năm nay thông qua sự lãnh đạo về tư duy, các sáng kiến và thực lực để tiếp tục đưa ASEAN vững bước đi lên.

(Theo ISEAS)