📞

GMO: “Cứu tinh” hay “tội đồ”?

11:00 | 08/04/2017
Thực phẩm biến đổi gene (tiếng Anh: Genetically Modified Organism, gọi tắt là GMO) bắt đầu được nuôi trồng đại trà từ cách đây khoảng hai thập kỷ. Nhưng, cùng với đó cũng là cuộc chiến dai dẳng, bất phân thắng bại giữa bên ủng hộ và bên phản đối tiêu dùng loại thực phẩm này.

GMO là khái niệm được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng, động vật được biến đổi gene. Không thể phủ nhận mặt tích cực mà loại thực phẩm này mang lại cho thế giới, cụ thể là năng suất mùa vụ cho hàng chục triệu nông dân trên thế giới và hàng chục triệu USD giá trị nông sản cho những nền kinh tế đang phát triển loại cây trồng này.

Một số loại thực phẩm biến đổi gen (Nguôn: EWN)

Không chỉ kháng lại thuốc diệt cỏ, kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn, loại bỏ chất ô nhiễm trong đất..., thành phần dinh dưỡng có trong GMO cũng thay đổi. Nhiều nhà khoa học và các chính trị gia, bằng các lập luận của mình, đã khẳng định biến đổi gene là công nghệ quan trọng nhất trong nông nghiệp để giải quyết thách thức nuôi sống số dân toàn cầu đang tăng lên. Các số liệu thống kê cho thấy cây trồng biến đổi gene được đưa vào ứng dụng nhanh nhất trong lịch sử khi diện tích trồng GMO trên thế giới năm 2011 tăng tới 94 lần so với năm 1996.

Tuy nhiên, bất chấp việc khoảng 100 quốc gia trên thế giới đã cho phép tiêu thụ thực phẩm biến đổi gene, với khoảng 30 quốc gia cho phép trồng cây biến đổi gene, phần lớn người tiêu dùng vẫn đang trong tình trạng bị nhiễu thông tin về GMO. Có hay không những tác động của GMO trên phương diện gene đối với người tiêu dùng hiện vẫn là ẩn số.

Năm 2012, kết quả nghiên cứu do nhà sinh học phân tử Gilles-Eric Seralini (Pháp) chủ trì được công bố trên tạp chí Mỹ Food & Chemical Toxicology đã gây chấn động thế giới. Theo đó, những con chuột thí nghiệm được nuôi bằng ngô biến đổi gene NK603 của Tập đoàn nông nghiệp Monsanto (Mỹ) bị ung thư với những khối u lớn như quả bóng bàn. Thông tin này củng cố thêm sự nghi ngờ của các nhà khoa học và đa số người tiêu dùng về mặt trái của GMO bởi việc cấy ghép gene lạ vào thực phẩm có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như gây dị ứng, làm giảm sức đề kháng, thậm chí gây ung thư...

GMO có cơ chế thủ tiêu quá trình sinh sản tự nhiên, có tính đột biến cao và thường xuyên vượt khỏi giới hạn gene đã khiến nhiều quốc gia phát triển đắn đo về những rủi ro có thể mang lại cho sức khỏe con người.

Cuối năm ngoái, 15/28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại bỏ GMO khỏi toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ. Điều này cho thấy thế giới chưa sẵn sàng chấp nhận thực phẩm biến đổi gene. Tại Mỹ - quốc gia có diện tích và sản lượng GMO lớn nhất thế giới với 69 triệu ha, cũng diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối sử dụng loại thực phẩm này.

Ở Việt Nam, từ cuối năm ngoái, đã bắt đầu trồng thí điểm ba giống ngô biến đổi gene, trong khi loại thực phẩm này đã được tiêu dùng phổ biến tại Việt Nam từ cách đây gần một thập kỷ. Đa số các chuyên gia và người trồng đều có cái nhìn tích cực về các giống cây trồng biến đổi gene.

Trong khi kết luận GMO là “cứu tinh” hay “tội đồ” đối với loài người còn chưa ngã ngũ và sự trung thực của nhà sản xuất các giống cây GMO còn chưa được cơ quan nào kiểm chứng, khẳng định, người tiêu dùng nên có quyền được biết chính xác thứ xuất hiện trên bàn ăn của gia đình mình có phải là GMO hay không?!