Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015” ngày 13/12. (Ảnh: Quang Hòa) |
Hiểu chưa thấu, chuẩn bị chưa sâu
Tại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015”, chia sẻ về sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam cho AEC nói riêng và hội nhập nói chung, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thừa nhận, các doanh nghiệp hiện nay đều rất lạc quan trước các cơ hội từ hội nhập song hiểu chưa thấu, chuẩn bị chưa sâu. Ông Lộc dẫn chứng báo cáo mới đây của VCCI cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị nào cho quá trình hội nhập. Nguyên nhân chính, theo ông Lộc là doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin.
“Thời gian qua, dù đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập nhưng các thông tin doanh nghiệp thực sự cần thì vẫn thiếu. Nội dung các cam kết, thỏa thuận của Hiệp định được đăng tải toàn văn trên các website nhưng ngôn ngữ hàn lâm, khó hiểu đối với các doanh nghiệp. Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng không ít nhưng phần lớn là chung chung và sơ sài”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, doanh nghiệp vướng mắc trong việc thực thi các cam kết về hội nhập thì lại không tìm được đầu mối để giải đáp, hướng dẫn một cách chính thức. “Các thông tin hội nhập khi về đến địa phương để phổ biến cho doanh nghiệp trên địa bàn thì quan chức các địa phương lại hiểu không thống nhất, không rõ ràng”, ông Lộc cho biết.
Trước những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân kinh doanh, cũng như để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công.
“Muốn phát triển nhanh, bền vững thì kinh tế phải là trung tâm. Mà kinh tế thì ai làm? Nhà nước chỉ tạo điều kiện, còn lại là doanh nhân làm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tính toán chiến lược nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà, trước hết là phải hạ giá thành gắn liền với đảm bảo chất lượng, thông qua nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động và ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất… Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, thứ nhất là thị trường, thứ hai là hoàn thiện thể chế, luật lệ, cải cách thủ tục để doanh nghiệp bớt đi chi phí, thời gian để hạ giá thành, để tăng sức cạnh tranh.
Ba nỗi lo chung
Trước đó, tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015”, vấn đề tìm hướng đi cho doanh nghiệp hướng tới AEC đã được đưa ra bàn thảo sôi nổi.
Đánh giá về năng lực cạnh tranh, Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng đã chỉ ra ba nỗi lo của doanh nghiệp khi vào AEC. Thứ nhất, năng suất lao động thấp do khu vực tư nhân khó phát triển. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, tính liên kết lỏng lẻo. Có đến 96% doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ và 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hoạt động dưới dạng phi chính thức hoặc bán chính thức.
Thứ hai, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thấp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã khá thành công trong liên kết xuôi với những thành tựu xuất khẩu ban đầu ấn tượng nhưng lại chưa thành công trong liên kết ngược. Đây chính là hệ quả của việc tác động qua các kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thể hiện nhưng ở mức độ còn thấp. Trên thực tế, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, nhận thức chưa đúng của các doanh nghiệp Việt Nam về các cam kết kinh tế, thương mại mới. Đa số doanh nghiệp nhìn nhận ASEAN như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu mà lợi ích này trong ASEAN là tương đối hạn chế. Trên thực tế, việc kết nối một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất mới là mục tiêu chính của ASEAN và là lợi ích dài hạn mà các doanh nghiệp trong ASEAN cần nhắm đến.
Để tự tin bước vào AEC, bà Hằng cho rằng, từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có giải pháp chủ động đổi mới về quản trị, xây dựng một tầm nhìn kinh doanh chiến lược. Bên cạnh đó, cần khắc phục sự thiếu chủ động nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin cụ thể trong từng lĩnh vực, bởi những thông tin này sẽ tác động mạnh mẽ đến sự dịch chuyển của chuỗi giá trị và đương nhiên là sẽ tác động đến chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.
Phải thay đổi cách chơi
Ví sân chơi hội nhập như một ván cờ, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM) cho rằng, có ba cách chơi cờ, thứ nhất là chỉ quan tâm đến nước cờ, cách thứ hai có tầm nhìn xa hơn là quan tâm đến thế cờ. Và hiện nay một số tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp Việt đang hội nhập theo hai cách này. Còn cách thứ ba cao tay hơn cả là dự đoán được nước cờ của đối thủ, thì chưa phổ biến ở Việt Nam.
Do đó, theo TS. Võ Trí Thành, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cùng doanh nghiệp phải “thay đổi cách chơi cờ” để tiến kịp với xu thế hội nhập của thế giới và khu vực.
Với “ván cờ AEC”, TS. Võ Trí Thành phân tích đây không phải là kinh doanh mà là hợp tác. “Tại sân chơi này, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn chúng ta làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn”.
Cũng theo ông Thành, ASEAN sẽ có tầm nhìn sau 2015 xanh hơn, bền vững hơn, sáng tạo hơn, thông minh hơn và có khả năng chống chịu cao hơn. Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, đây là một chân trời vô tận cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi bên cạnh các xu thế tập đoàn, ASEAN đang có xu thế cá thể hóa, rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp như có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn, thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt. Ông Nguyễn Hồng Cường – Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) Hội nhập AEC sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu do mỗi nước trong nội khối sở hữu riêng những Hiệp định thương mại tự do (FTA) với bên ngoài. Khi đó, thị trường rộng mở nhưng sức ép về cạnh tranh cũng tăng lên. Để đứng vững trong môi trường đầy thách thức này, các doanh nghiệp không nên quá mải mê đi tìm các lợi thế so sánh với các thị trường khác trong khu vực mà cần phải biết chú trọng xây dựng nội lực của chính mình. Riêng với Tập đoàn TH, chúng tôi hoàn toàn tự tin khi tham gia vào chuỗi liên kết này bằng nội lực và tầm vóc của mình. Ngoài ra, Nhà nước phải đóng vai trò là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khi hội nhập bằng việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hành lang pháp lý thông thoáng và mình bạch. Chỉ minh bạch thì mới bảo vệ được các doanh nghiệp chân chính và chỉ có những doanh nghiệp chân chính mới vững bước tiến ra biển lớn trên con đường hội nhập quốc tế. Ông Ngô Minh Hải – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH |
Phan Mích