1. Đã ngoài tuổi 75, nhưng ông già người K’Ho tên K’Long này vẫn còn tráng kiện lắm. Mọi người thường gọi ông với cái tên thân mật: “Ông Liên Xô”. Sở dĩ ông có cái biệt danh đó là vì ông vừa to con, bước đi mạnh mẽ như con thú hoang, giọng ồông ồông như tiếng thác đổ. Trong cái buôn làng nhỏ bé lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh này, mọi việc to nhỏ đều do một tay ông “phán xử” nên mọi người rất kính trọng và xem ông như tâm phúc của gia đình. Thời niên thiếu của K’Long cũng đầy chông gai, nhưng cũng rất hào hùng. Ông tham gia đánh Pháp khi chưa tròn tuổi 18, tiếp đó là tham gia chống Mỹ. Khi buôn làng đã bình yên, K’Long cũng chọn mảnh đất này để lập nghiệp. Ông K’Long hiện là người nhiều tuổi và có uy tín nhất làng. Từ việc bà con trong thôn có xích mích gì, ông cũng đứng ra giải hòa, người này đổi chác với người kia món hàng nếu có giá trị khá lớn thì ông cũng đứng ra định giá cho đôi bên vừa lòng, thậm chí ở trong thôn nếu bán hoặc sang nhượng đất hay nhà ở nếu không có chữ ký của K’Long thì coi như chưa “hợp pháp”. Ông làm những việc này cũng chẳng phải vì lợi lộc gì mà vì trách nhiệm xuất phát từ cái tình, cái nghĩa mà ông dành cho người dân ở chốn rừng sâu này.Cái thôn Tây Sơn mà già K’Long đang sống trong đơn vị hành chính thuộc xã Phi Liêng, nhưng địa hình lại phức tạp: một phần thuộc xã Phi Liêng, một phần thuộc địa bàn Liêng S’ronh (Đam Rông – Lâm Đồng), phần còn lại nằm dàn trải vùng giáp ranh của tỉnh Đắc Nông nên khó quản lý. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đến ít có phương tiện nào ra vào được, mà chủ yếu phải đi bộ – ra đến trung tâm xã Phi Liêng chỉ khoảng 20km nhưng phải mất hơn nửa ngày đường xuyên rừng. Cũng chính vì vậy mà những con người sống dưới dãy P’nơm Kan có dòng Đạ Me này trở nên “phóng khoáng” trong cả nếp nghĩ lẫn trong việc làm. Họ sống và gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, với núi rừng, sông suối. Chính những ngọn núi, con suối nơi đây như dòng sữa mẹ nuôi họ lớn lên; đã chứng kiến, chia sẻ biết bao buồn vui của buôn làngNgược với thời gian, K’Long hồi tưởng về những năm tháng kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Ông trầm ngâm trong khói thuốc rê được quấn chặn bởi lá rừng. Trong cõi lòng của người đàn ông dân tộc K’Ho này, những hẻm rừng, con suối đã hằn sâu trong trí nhớ. Nơi đây từng thuộc khu căn cứ 20 thuộc H10K8 của bộ đội ta, đã từng làm cho giặc ngoại xâm nhiều phen hao binh, tổn tướng. Hòa bình rồi, K’Long rời quân ngũ với hàm trung sĩ, cùng bà con người K’Ho bắt tay vào việc dựng xây buôn làng. Sự heo hút, cách trở và đói rét đã làm cho nhiều người đồng tộc với ông phải rời khỏi chốn này. Năm 1993, những người K’Ho lần lượt được tái định cư gần trung tâm xã Phi Liêng, chỉ còn vài hộ và K’Long vẫn bám chặt vùng rừng này. Giọng ông trầm trầm trong khó thuốc bảng lảng: “Mình sinh ra và lớn lên ở đây, đấu tranh để dành lại sự sống ở đây, nếu bỏ đi ai trông mồ mả tổ tiên cho mình”.
Những đứa trẻ lớn lên trên nương rẫy không biết nổi một con chữ |
2. Song những ngày tháng yên ả, bình lặng của cuộc đời ông với vùng đất này rồi cũng dần dần nhường chỗ cho sự xao động của những đồn người đến mưu sinh lập nghiệp. Từ năm 2000, nạn khai thác khoáng sản – quặng vônphram, rồi đến khai thác vàng đã khiến những con suối, hẻm rừng nơi đây bị cày xới tơi tả. Dòng người tứ xứ đổ về làm xáo trộn nơi đây, đến con hươu, con khỉ cũng bỏ rừng mà đi; con cá dưới suối cũng không sống nổi bởi thuốc luyện vàng, luyện quặng. Cả khu rừng bạt ngàn với hàng ngàn hécta bị lay động bởi tiếng độc cơ khai thác quặng, xe cộ, hàng quán mọc đầy...Cho đến khi nạn khai thác khoảng sản trái phép được khống chế, những âm thanh hỗn độn, sự nhốn nháo, nhếch nhác của những quán lều xiếu vẹo dọc các hẻm đường, những trò tiêu khiển trác táng của những kẻ “ăn quặng” trúng mánh vung tiền không tiếc tay cũng đành phải chấm dứt. Sự bình yên lại trở về với những hẻm rừng, con suối nơi K’Long đã sinh ra. Nhưng vùng đất này đã trở thành quê hương thứ hai của cả những người không phải là dân tộc bản địa như người Thái, người Nùng, người Mông… Sau hàng ngàn kilômét từ Bắc vào Nam, họ vào đây mang theo cả dòng tộc, cả bản làng. Trong thâm tâm của họ, đây có lẽ là vùng đất lý tưởng nhất trong số những chặng “dừng chân” trước đó. Mặc dù có sự xâm nhập của nhiều dân tộc đến vùng đất này, nhưng những con người ở dưới dãy P’nơm Kan vẫn sống chan hòa, gắn kết. Trong tâm thức của họ có nhiều nét đồng cảm, nhưng rõ nhất vẫn là cái nghèo. Họ sống và chết dường như phó mặc vào núi, vào sông. Cái chết xuất phát từ đói kém hay bệnh tật đến với họ nhẹ nhàng, như một sự đã định, nhưng khi kể ra thì không ai khỏi rùng mình. Đơn cử: Một người đàn bà đã mang bầu 8 tháng tuổi, vẫn ra ruộng làm cỏ bắp để kiếm cái mưu sinh, không may rơi xuống hố đãi vàng chết cả mẹ lẫn con. Người chồng Lý Văn Phòng nhìn dòng suối thở dài buông một câu đau xót: “Yàng đã bắt mẹ con nó đi rồi”. Ở cái chốn rừng sâu cách trở này, ngoài cái đói, cái rét, bà con luôn đối mặt với sư hoành hành của bệnh tật, với chính điều kiện sống khắc nghiệt nơi đây.3. Trong túp lều tranh xiêu vẹo, K’Nhông vẫn lặng lẽ ngồi đan lưới. Bên bếp lửa, người vợ là Ka Glang với đôi tay gầy guộc, run rẩy với lấy những thanh củi lồ ô trên chạn bỏ thêm vào cho đượm lửa để sưởi ấm vì bị cảm lạnh. Gọi thật to, K’Nhông mới ngoảnh lại nở một nụ cười khiêm tốn với mọi người. K’Nhông nói lí rí trong cổ, chắc có lẽ sự mệt mỏi và đói kém đã làm cho thanh quản của ông tắc nghẹn. Người đàn ông trong thôn đi cùng với chúng tôi giải thích: “Bập Điếc nói: Nó (bà Ka Glang) đi rừng về và bị cảm lạnh tý thôi. Sưởi một lúc là nó khỏi liền thôi mà”. Lý giải về cái biệt danh “Bập Điếc” dành cho K’Nhông là cách gọi thân mật của người dân trong buôn dành cho người đàn ông bị điếc và đã có con. Sống trong túp lều không được che chắn cẩn thận, gió mưa ra vào dễ dàng, bên cạnh con suối Đạ Me chỉ có hai vợ chồng già K’Nhông. Khi được hỏi về con cái của họ, Ka Glang đỡ lời: “Vợ chồng mình có 5 đứa, chúng đều ở riêng hết rồi, nhưng đứa nào cũng nghèo lắm”. Có lẽ núi rừng này rất thấu hiểu về cuộc đời của người đàn ông bị điếc này, đã cho ông đôi mắt sáng để lên rừng bẫy thú, xuống suối thả lưới, giăng câu tìm con cá, bắt con thú để có thứ lót dạ qua ngày, và cướp đi đôi tai thính để K’Nhông khỏi nghe những âm thanh của sự rên rỉ lẫn buồn đau ở đời…Đã qua con dốc Pọt Gơn, buôn làng Tây Sơn khuất hẳn sau những cánh rừng già, mọi người trong chúng tôi không thể quên nổi những ánh mắt ngơ ngác của lũ trẻ không biết nổi một con số, cái chữ lẫn tiếng Kinh. Đôi mắt thất thần trông ngóng làm cho cái cổ xanh xao vốn đã dài lại càng dài hơn của người mẹ trẻ Yàng Thị Hằng (15 tuổi) đang bế con ngồi trước cửa của túp lều tranh ngóng chồng đi bẫy thú chưa về. Cái âm thanh vít điều cày kêu rin rít của lão Lý A Chừ đã 61 tuổi vẫn đang cõng trên lưng đứa con thứ 11 còn đỏ hỏn, bọc trong tấm áo đã bị thủng khá nhiều chỗ khóc không ra tiếng vì khát sữa… Tất cả mọi thứ đó như đang dội vào không gian mênh mông, vào mỗi vách núi, con suối giữa đại ngàn trùng điệp…Theo SGGP