Chào Cục trưởng! Có vẻ như năm 2016 vừa qua, điện ảnh nước nhà đã tạo được nhiều điểm nhấn đáng chú ý?
Đúng vậy, không riêng năm 2016 mà có thể nói là vài năm gần đây, hoạt động điện ảnh đã ít nhiều gây tiếng vang ở trong nước và ngoài nước, đưa điện ảnh Việt Nam lên vị thế cao hơn trong khu vực.
Bây giờ, báo chí cũng ít dùng từ “thảm họa” đối với phim Việt. Điều đó chứng tỏ chất lượng phim Việt đã được cải thiện. Bên cạnh đó còn có một số tác phẩm giành giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, điểm yếu là chưa có những tác phẩm xuất sắc hoặc những tác phẩm đỉnh cao.
Thế nhưng phim xuất sắc hay phim đỉnh cao theo cách nhìn chuyên môn chưa chắc đã thu hút được đông khán giả, thưa Cục trưởng?
Trên thế giới, một số bộ phim có giá trị nghệ thuật cao vẫn được cho là khó xem, không dành cho số đông công chúng. Tuy nhiên, có giải thưởng như Giải Oscar đã cân bằng được hai yếu tố: nghệ thuật và “ăn khách”. Tôi nghĩ không nhất thiết cứ nghệ thuật là phải khó xem mà ta nên tìm đến sự hài hòa: chấp nhận một vài phim thể nghiệm nghệ thuật kén khán giả nhưng cũng nên đặt mục tiêu xây dựng những phim có chất lượng, thậm chí xuất sắc mà vẫn được khán giả đón nhận, theo đó thị hiếu khán giả cũng được nâng cao dần. Chỉ như vậy, chúng ta mới có sự chọn lọc tốt. Lúc đó, tác phẩm đỉnh cao thực sự mới xuất hiện và khán giả cũng sẽ yêu thích nó.
Nhân dịp Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ IV vừa qua, lãnh đạo một số công ty điện ảnh nước ngoài chia sẻ với tôi rằng, họ thấy thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển khá nhanh, tăng trưởng khoảng 25%/năm, trong khi đó, Hàn Quốc tăng 2%/năm còn Trung Quốc tăng 3,7% /năm. Hiện tại, thị phần phim Việt Nam đã chiếm gần 30% và đó là con số tương đối lớn so với nhiều nền điện ảnh, kể cả ở châu Âu. Trên thế giới, chỉ có năm nền điện ảnh có thị phần phim nội trên 50% là Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Một công ty điện ảnh lớn đã đánh giá rằng, thị phần phim nội của Việt Nam có thể lên đến 50% sau bảy năm nữa. Đó là những đánh giá đáng mừng cho thấy sự phát triển khả quan của nền điện ảnh Việt Nam.
Vậy, để biến cái khả quan đó thành hiện thực thì hẳn là cần có những bước đi cụ thể trong năm 2017 và xa hơn?
Trước mắt, chúng ta có hai việc cần làm ngay. Một là, trình lần thứ 3 Đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Bế tắc của Quỹ sau hai lần trình Chính phủ là nguồn thu ổn định. Trong khi nguồn thu chủ yếu cho Quỹ điện ảnh của tất cả các nước là trích % từ vé xem phim, từ doanh thu phòng vé thì pháp luật về tài chính của Việt Nam lại chưa phù hợp. Hai là, xây dựng một đề án Luật điện ảnh sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển của điện ảnh nói riêng và xã hội nói chung.
Trong năm 2017 cũng diễn ra một số sự kiện điện ảnh tại Việt Nam và đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới, qua đó cho thấy hiệu quả quảng bá văn hóa, du lịch ra quốc tế rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước còn eo hẹp, vì vậy, việc xã hội hóa điện ảnh và các sự kiện điện ảnh vẫn cần được thúc đẩy mạnh hơn.
Được biết, trong năm 2017, Việt Nam có khả năng sẽ đăng cai tổ chức giải ASEAN Film Awards. Chúng ta có thể kỳ vọng về một tiếng vang như HANIFF 2016 không thưa bà?
Một cảnh trong phim “Taxi, em tên gì?” |
Đây là sáng kiến mà Việt Nam đưa ra trong cuộc họp của lãnh đạo điện ảnh ASEAN. Theo đó, sẽ sáng lập giải thưởng điện ảnh ASEAN (tức ASEAN Film Awards), để tăng cường sự gắn kết giữa các nước thành viên, cũng như nâng cao chất lượng phim của các nước ASEAN.
Chính vì thế, nhiều khả năng, với vai trò là “sáng lập viên”, Cục Điện ảnh đang xây dựng Đề án lồng ghép giải thưởng phim ASEAN thành một phần trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 tại Đà Nẵng. Chưa thể nói trước về thành công, nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng bởi các nước thành viên rất hào hứng tham gia nếu sáng kiến này được triển khai.
Xin cảm ơn Cục trưởng!
“Trong năm 2016, điểm nhấn đáng chú ý chính là việc 100% bộ phim ra rạp đều là phim của tư nhân, bởi trong hai năm gần đây việc đặt hàng của nhà nước cho điện ảnh tạm dừng theo quy định mới đối với các phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng phim tư nhân sản xuất cũng xấp xỉ bằng năm 2015 - khoảng 40 phim. Đó cũng là kết quả của việc khích lệ xã hội hóa điện ảnh” - Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan. |