📞

Gói cứu trợ phá vỡ bế tắc EU: Pháp khen 'bước tiến lớn tuyệt vời', Đức gọi 'cột mốc quan trọng'

10:07 | 11/04/2020
TGVN. Việc đạt thỏa thuận về gói cứu trợ cho phép nhanh chóng giải ngân 550 tỷ Euro (602 tỷ USD) đã phá vỡ thế bế tắc của châu Âu trong việc đối mặt với những hậu quả tiêu cực về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, thỏa thuận về gói cứu trợ này là "một cột mốc quan trọng". (Nguồn: Reuters)

Phát biểu trên đài Europe 1, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định, gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU) là "một bước tiến lớn” của tình đoàn kết châu Âu, là thỏa thuận "tuyệt vời” cho thấy sự thống nhất của các nước châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng.

Trong khi đó, đăng tải trên Twitter, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, thỏa thuận về gói cứu trợ này là "một cột mốc quan trọng" cho thấy một phản ứng chung của châu Âu trong đại dịch và kêu gọi nhanh chóng triển khai càng sớm càng tốt. Đặc biệt, bà cho rằng, các nước thành viên EU hiện có thể cùng nỗ lực chung tay trong cuộc chiến chống thất nghiệp.

Ngày 9/4, sau các cuộc thảo luận căng thẳng, các bộ trưởng tài chính đã tán thành một cơ chế hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong trường hợp khẩn cấp do Ủy ban châu Âu đề xuất, một cơ chế ổn định châu Âu, cũng như một quỹ bảo lãnh theo sáng kiến của Ngân hàng đầu tư châu Âu.

Các bộ trưởng cũng đồng ý xây dựng một quỹ phục hồi tạm thời, cung cấp tài trợ thông qua ngân sách EU cho các chương trình khởi động nền kinh tế và đi đến thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 500 tỷ Euro để hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo thỏa thuận này, châu Âu sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính: khoản vay lên tới 240 tỷ Euro từ quỹ cứu trợ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), một quỹ bảo lãnh 200 tỷ Euro cho các doanh nghiệp và gần 100 tỷ Euro hỗ trợ cho tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính châu Âu vẫn chưa thể đạt được sự nhất trí về việc hỗ trợ nền kinh tế trong dài hạn sau cuộc khủng hoảng thông qua phát hành "trái phiếu Corona". Đây cũng là điều mà Thủ tướng Merkel luôn phản đối.

(theo AFP)