📞

Gói kích thích 'giải cứu nước Mỹ' của tân Tổng thống Joe Biden hiệu quả đến đâu?

Linh Chi 20:15 | 21/01/2021
TGVN. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/1 đã đề xuất dự luật kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, một phần trong kế hoạch lịch sử đầy tham vọng nhằm chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ. Gói kích thích này liệu có hiệu quả khi nguyên nhân cơ bản của các vấn đề chưa kết thúc?

Theo "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" của tân Tổng thống Joe Biden, gói kích thích sẽ hỗ trợ 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ, sau khi mỗi người đã được phát 600 USD trong gói kích cầu gần 900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 vừa qua.

Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9 năm nay và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ. Người vay thế chấp nhà được hỗ trợ giãn nợ cho tới cuối tháng 9.

Số tiền 350 tỷ USD trong gói kích thích trên sẽ được cấp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương; 170 tỷ USD sẽ dùng để hỗ trợ các trường học và cơ sở giáo dục để bảo đảm an toàn khỏi virus corona; 50 tỷ USD được chi để tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19; 20 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng Covid-19 trên toàn quốc…

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AP)

Cần giải quyết vấn đề cơ bản

Nhiều nhà kinh tế và các lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý rằng, không có khoản trợ giúp nào của chính phủ có thể vực dậy nền kinh tế cho đến khi nguyên nhân cơ bản của các vấn đề - đại dịch Covid-19 - đã bị đánh bại. Sự kết hợp của kế hoạch 900 tỷ USD được thông qua vào tháng 12 và kế hoạch mới của Tổng thống đắc cử chỉ có thể giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi được phần nào.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết, đây là một gói kích thích rất lớn, có thể giúp nền kinh tế gắn kết với nhau cho đến khi kết thúc đại dịch.

Ông Zandi và các nhà kinh tế khác tin rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - thước đo rộng nhất cho hoạt động kinh tế của một quốc gia, có thể tăng vọt nếu ông Biden nhận được trọn 1,9 nghìn tỷ ngay sau khi nhậm chức.

Tuy nhiên, theo trang CNN, thật không may, thông điệp từ các chuyên gia y tế công cộng rất rõ ràng, đó là đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi nó trở nên tốt hơn.

Các ca mắc Covid-19 mới và các ca tử vong vì dịch bệnh của Mỹ luôn ở mức cao kỷ lục. Điều đó có thể dẫn đến các biện pháp kiểm soát mới bao gồm đóng cửa kinh doanh ở nhiều vùng của đất nước. Vaccine ngừa Covid-19 hiện đang được triển khai được dự báo ​​sẽ không tiếp đủ để phân bổ rộng rãi đối với tất cả người dân Mỹ, ít nhất là đến mùa Hè năm nay.

Điều đó đồng nghĩa với việc hoạt động kinh tế có thể phục hồi chậm hơn mong đợi. Theo các chuyên gia, gói kích thích kinh tế có thể giúp nhiều doanh nghiệp và cá nhân vượt qua "cơn bão" nhưng nó sẽ không đủ để cứu được tất cả nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành.

Andrew Hunter, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ cho Capital Economics nhận thấy, từ góc độ chính sách kinh tế, gói kích thích nghìn tỷ không thực sự giải quyết được tất cả vấn đề, nếu đại dịch không được kiểm soát. "Tình hình dường như tương đối khả quan trong thời gian qua, nhưng trước hết, nền kinh tế lớn nhất thế vẫn phải phụ thuộc vào vaccine", nhà kinh tế Hunter nhấn mạnh.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Ed Moya của Onada nói: "Mỹ đang có đợt triển khai vaccine ngừa Covid-19 chậm hơn dự kiến ​​và điều đó thực sự đè nặng lên kỳ vọng về thời điểm người dân trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch”.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại dịch Covid-19 vẫn đang mang đến sự không chắc chắn và hoang mang. Sự không chắc chắn đó sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, từ các nhà bán lẻ, hãng hàng không đến các ngân hàng.

Nhà kinh tế Zandi nhận thấy, các biện pháp kiểm soát liên tục thay đổi. Đối với một người kinh doanh, điều đó là quá sức. "Đại dịch vẫn tiếp diễn sẽ làm giảm khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp. Họ sẽ không mở rộng quy mô và thuê thêm công nhân bởi họ không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra ở phía trước tương lai", ông Zandi nhấn mạnh.

1,9 nghìn tỷ có đủ?

Quy mô gói kích thích mà tân Tổng thống Biden đề xuất chỉ ít hơn một chút so với gói kích thích đã được thông qua theo Đạo luật CARES vào tháng 3/2020, nhưng ông Biden đã nói rõ vào tuần trước rằng, đây chỉ là bước đầu tiên mà ông sẽ yêu cầu Quốc hội chi tiêu.

Gói kích thích với tên gọi "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" này nhiều gấp đôi so với gói kích thích trị giá 787 tỷ USD được thông qua ngay sau khi cựu Tổng Thống Barack Obama nhậm chức vào năm 2009, thời điểm khó khăn nhất của cuộc Đại suy thoái.

Số tiền trong Đạo luật CARES, được thông qua vào thời điểm hơn 22 triệu người Mỹ đang mất việc làm, đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế và góp phần giúp các hộ gia đình vượt qua khủng hoảng kinh tế. Theo phân tích của Equip for American Bank Loss Institute, bất chấp những biến động kinh tế, số lượng hồ sơ phá sản cá nhân đã giảm 31% trong năm 2020, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1987.

Giám đốc điều hành ABI Amy Quackenboss cho hay, các chương trình cứu trợ liên tục của chính phủ, các chương trình bảo lãnh và hoãn cho vay đã giúp các gia đình và doanh nghiệp vượt qua những thách thức kinh tế trong năm qua do đại dịch Covid-19.

Hiện tại, chưa rõ có bao nhiêu tỷ USD trong số 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đang yêu cầu sẽ được Quốc hội nước này thông qua. IHS Markit's Prakken dự đoán, số tiền cuối cùng có thể lên tới gần 1 nghìn tỷ USD. Còn Moody's ước tính, nó đạt gần 750 tỷ USD.

Nhưng sự hỗ trợ đó sẽ không góp phần kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế bởi vấn đề việc làm có thể chưa được giải quyết.

Mỹ đã mất 22 triệu việc làm trong tháng 3,4 và kết thúc năm 2020 với 140.000 việc làm bị mất. Moody's dự báo rằng, những công việc đó sẽ không được phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2022, ngay cả khi gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được thông qua.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề việc làm sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí cần thêm cả những biện pháp kích thích.

Chuyên gia kinh tế Ryan Sweet của Moody’s cho rằng, cùng với các kế hoạch kích cầu của ông Trump trước đó và gói kích cầu của ông Biden chỉ đủ để nền kinh tế lớn nhất thế giới "cầm cự" đến quý III/2020.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, thị trường việc làm của Mỹ sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.

(theo CNN)