📞

Google 'chi đậm' để nhờ vả Apple: Phanh phui vi phạm luật chống độc quyền

T.Thủy 15:45 | 27/10/2020
TGVN. Google phải chi ra từ 8 đến đến 12 tỷ USD mỗi năm để 'nhờ' Apple tích hợp công cụ tìm kiếm Google trở thành mặc định trên iPhone, cũng như các thiết bị khác của 'quả táo'.
Google đã phải chi ra số tiền không hề nhỏ để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone và các thiết bị của Apple. (Nguồn: Dân trí)

Dù được xem là đối thủ “không đội trời chung” trên thị trường công nghệ, giữa Google và Apple vẫn có những thương vụ âm thầm bắt tay với nhau để đôi bên cùng có lợi.

Một trong những “thương vụ bí ẩn” đó vừa được tiết lộ trong đơn kiện của Bộ Tư pháp (DOJ) Mỹ nộp lên tòa án, với cáo buộc Google vi phạm luật chống độc quyền.

Theo đơn kiện này, Google đã chấp nhận trả cho Apple số tiền từ 8 đến 12 tỷ USD mỗi năm, để Apple sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone cũng như trên các thiết bị khác như iPad, máy tính Mac… Đơn kiện cũng cho biết CEO Tim Cook của Apple và CEO Sundar Pichai đã gặp mặt nhau vào năm 2018 để thảo luận về mức giá của thỏa thuận.

Thậm chí, sau thương vụ, phía Google và Apple còn xem sau như “người một nhà”, dù trước đó Apple và Google vốn được xem là “không đội trời chung” trên thị trường di động.

Mặc dù DOJ thừa nhận rằng người dùng iPhone cũng như các thiết bị của Apple có thể thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định trên thiết bị của họ, nhưng rất ít người thực hiện điều này, khiến cho Google gần như trở thành một công cụ tìm kiếm “độc quyền”, gây bất lợi cho các đối thủ nhỏ hơn. DOJ cho biết, tính riêng trong năm 2019, hơn một nửa số lượt tìm kiếm trên Google đến từ các thiết bị của Apple.

DOJ lập luận rằng thương vụ của Google với Apple là một hành động vi phạm luật chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường tìm kiếm Internet, khi Google đã sử dụng “sức mạnh của đồng tiền” để ép buộc người dùng của Apple phải sử dụng công cụ tìm kiếm của Google, thay vì có thêm những sự lựa chọn khác.

Hiện Google lẫn Apple vẫn chưa đưa ra bình luận gì về cáo buộc của DOJ.

Trong một bài viết trên blog cá nhân, Kent Walker, Giám đốc chính sách của Google gọi cáo buộc của DOJ là “một sai lầm sâu sắc”. Walker lập luận rằng việc cung cấp cho người dùng những công cụ tìm kiếm chất lượng thấp sẽ gây hại cho họ nhiều hơn là mang đến lợi ích.

Walker đã so sánh số tiền mà Google trả cho Apple cũng tương tự như cách các “hãng sản xuất ngũ cốc trả tiền cho siêu thị để sản phẩm của họ được trưng bày ở đầu hàng hoặc ở những kệ hàng ngang tầm mắt người mua”.

Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên Google chi tiền để được trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple. Trước đó, vào năm 2014, Google đã phải trả cho Apple số tiền 1 tỷ USD, tiếp theo vào năm 2017, số tiền phải trả là 3 tỷ USD và đến năm 2018 con số này đã tăng lên từ 8 đến 12 tỷ USD.

Dĩ nhiên Google hoàn toàn có lý do khi chi số tiền lớn như vậy để “nhờ vả” Apple, khi mà lượng truy cập Google đến từ nền tảng iOS của Apple chiếm đến 50% tổng doanh thu từ các thiết bị di động của Google. Rõ ràng, đây là thỏa thuận mà cả Google lẫn Apple đều có lợi.

Trong đó, Apple vẫn là phía có nhiều lợi thế hơn ở thương vụ này, khi hãng chỉ việc tích hợp Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của mình và có thể đưa ra mức giá cao hơn trong thời gian tới khi lượng người dùng của Apple tiếp tục tăng. Trong trường hợp Google từ chối mức giá cao mà Apple đưa ra, Apple hoàn toàn có thể “chia tay” Google để chuyển sang một công cụ tìm kiếm khác, chẳng hạn mời gọi Microsoft đưa công cụ tìm kiếm Bing của hãng lên nền tảng iOS và nhận tiền từ Microsoft.

Ngày 20/10, chính phủ Mỹ đã nộp đơn kiện Google liên quan tới vấn đề độc quyền . Theo cáo trạng, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cáo buộc Google đã kìm hãm sự cạnh tranh để duy trì vị thế mạnh mẽ của họ trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo trên công cụ tìm kiếm.

Vụ kiện nhằm vào Google là một trong những vụ kiện chống độc quyền lớn nhất từng được thực hiện nhằm chống lại một hãng công nghệ, được thực hiện sau quá trình điều tra song song của Bộ Tư pháp và một loạt các thẩm phán đứng đầu nhiều bang. Theo thông tin từ tờ báo Wall Street Journal, 11 thẩm phán các tiểu bang khác nhau dự kiến sẽ ký vào một đơn kiện chống lại Google, và thẩm phán tại nhiều bang khác cũng sẽ nộp các đơn kiện chống độc quyền riêng lẻ khác nhằm vào Google.

Nếu bị tòa án tại Mỹ kết án vi phạm luật chống độc quyền, Google có nguy cơ phải đối mặt với một án phạt nặng và thậm chí có phải chia tách công ty ra nhiều mảng nhỏ riêng biệt để giảm thiểu sức mạnh và tầm ảnh hưởng.

(theo Dân trí)