📞

Góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững của tiểu vùng Mekong

23:13 | 16/06/2018
Trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Cấp cao ACMECS 8 và CLMV 9, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị một lần nữa khẳng định tinh thần chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững của tiểu vùng Mekong.

Xin Thứ trưởng đánh giá về ý nghĩa và các kết quả chính của Hội nghị Cấp cao ACMECS 8  và CLMV 9.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập” và CLMV lần thứ 9 với chủ đề “Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn” diễn ra tại Bangkok, Thái Lan ngày 16/6/2018 đã thành công tốt đẹp. Hai Hội nghị Cấp cao lần này là bước triển khai mạnh mẽ kết quả của Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 7 và CLMV lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2016. Đây cũng là bước cụ thể hoá cam kết năm 2016 của các Nhà Lãnh đạo về cải cách các cơ chế hợp tác ACMECS và CLMV nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường phối hợp với các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các trưởng đoàn dự Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 và CLMV lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh hai cơ chế đã đi qua chặng đường 15 năm và đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới: bên cạnh thời cơ lớn là hợp tác trong khu vực đang phát triển với nhiều cơ chế hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mekong và các đối tác đang nở rộ, các nước thành viên ACMECS và CLMV cũng đang gặp nhiều thách thức, nhất là trước biến chuyển nhanh và mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và khoảng cách phát triển với các nước ASEAN khác còn tương đối lớn.

Tại các Hội nghị lần này, các Nhà Lãnh đạo đã có những nhận định toàn diện và sâu sắc về tình hình thế giới và khu vực, những cơ hội và thách thức mà các nước Mekong đang đối mặt, từ đó đưa ra những định hướng chính sách cho hợp tác ACMECS trong thời gian tới. Nhận thức chung là trong bối cảnh mới các nước Mekong cần tăng cường kết nối và thúc đẩy hội nhập nhằm phát huy thế mạnh về vị trí địa chính trị và tiềm năng thị trường của khu vực.

Trên tinh thần đó, các Nhà Lãnh đạo nhất trí thông qua các văn kiện có ý nghĩa định hướng phát triển quan trọng cho hai cơ chế trong thời gian tới. Các tuyên bố chung của hai Hội nghị khẳng định quyết tâm của các nước thành viên ACMECS và CLMV về xây dựng một Tiểu vùng Mekong hoà bình, phát triển bao trùm, bền vững và thịnh vượng. Đặc biệt Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 - 2023 là tài liệu quan trọng định hướng cho hợp tác 5 năm tới với mục tiêu thúc đẩy phối hợp nội khối giữa các nước Mekong đồng thời nâng cao vai trò dẫn dắt của các nước Mekong trong quan hệ với các đối tác bên ngoài. Nội dung chính của Kế hoạch tổng thể xây dựng một ACMECS thông suốt (kết nối hạ tầng cứng), đồng bộ hoá (kết nối hạ tầng mềm) và phát triển thông minh và bền vững (gồm nhiều lĩnh vực như thương mại - đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, du lịch...).

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia CLMV và ổn định, thịnh vượng của ASEAN. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Bên cạnh đó, để thể hiện quyết tâm đưa hợp tác ACMECS đi vào hiệu quả thực chất, các nhà Lãnh đạo đã thảo luận về khả năng thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS nhằm huy động nguồn lực triển khai các dự án hợp tác. Các Nhà lãnh đạo đã nhất trí giao các Bộ ngành năm nước thảo luận về điều khoản tham chiếu và hoạt động chi tiết của Quỹ ACMECS trong năm 2018. Đồng thời, Lãnh đạo các nước Mekong cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa ACMECS và CLMV với các đối tác phát triển, phối hợp chặt chẽ hơn với Ban Thư ký ASEAN để huy động hiệu quả hơn nguồn lực cho sự phát triển của khu vực. Đây cũng là điểm mới góp phần tạo động lực phát triển cho hợp tác ACMECS.

Hội nghị lần này cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Lần đầu tiên Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp ACMECS và đối thoại/giao lưu giữa Nguyên thủ và các CEO hàng đầu trong khu vực đã được tổ chức, trong đó có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Điều này cho thấy khu vực tư nhân sẽ là một đối tác quan trọng của hợp tác ACMECS trong thời gian tới.

Xin Thứ trưởng cho biết các đóng góp và sáng kiến của Việt Nam tại các Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 và CLMV lần thứ 9?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm 2016, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 7 và CLMV lần thứ 8 tại Hà Nội. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra đề xuất việc cải cách cơ chế hợp tác ACMECS và CLMV nhằm nâng cao hiệu quả của hai cơ chế. Đề xuất của Việt Nam chính là cơ sở cho các kết quả chính của Hội nghị lần này: Kế hoạch tổng thể ACMECS, sự tham gia của doanh nghiệp và đối tác phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trong hai năm vừa qua, để chuẩn bị cho hai Hội nghị Cấp cao lần này, Việt Nam là nước tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các ý tưởng, sáng kiến mới nhằm triển khai kết quả của HNCC ACMECS lần thứ 7 và HNCC CLMV lần thứ 8. Chúng ta cũng đã đóng góp rất nhiều vào quá trình xây dựng văn kiện của hai Hội nghị. Ta đã đề xuất đưa vào Kế hoạch tổng thể ACMECS, Tuyến bố chung CLMV nhiều nội dung, hoạt động cụ thể về phát triển bền vững, thương mại đầu tư, kết nối hạ tầng, giao lưu - du lịch… Các Bộ ngành của Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động quan trọng trong khuôn khổ hai cơ chế hợp tác như các hội chợ du lịch quốc tế, các hội chợ thương mại thường niên, các dự án giao thông v.v…

Tại hai Hội nghị, các phát biểu và đề xuất về định hướng hợp tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được các nước đánh giá cao do phản ánh sát nhu cầu thực tế và đem lại lợi ích cụ thể cho các nước. Nhân dịp này, Thủ tướng ta đã thông báo việc Việt Nam tiếp tục có hỗ trợ kỹ thuật dành cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar như cung cấp học bổng CLMV và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên từ các nước ACMECS, đặc biệt Việt Nam đã xây dựng Trung tâm đào tạo nghề tại Tỉnh Kon Tum của Việt Nam chất lượng cao góp phần cung cấp lao động có tay nghề cho các nước CLV; Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ các nước CLM tham dự và tổ chức các hội chợ lớn tại Việt Nam. Các nước CLMV đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong kết nối hạ tầng mềm. Các dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối viễn thông giữa bốn nước trong đó có Chương trình miễn phí cước chuyển vùng quốc tế trong khu vực 4 nước CLMV; đồng thời Viettel cũng có thể hỗ trợ chính phủ bốn nước xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao năng lực và kỹ năng số phục vụ chuyển đổi nền kinh tế số.

 
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của ta như FPT, Vietjet, BRG, T&T và các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã tích cực tham dự và thảo luận tại Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp ACMECS cũng như cuộc giao lưu với các nhà Lãnh đạo các nước.

Có thể nói, những đóng góp của Việt Nam tại HNCC ACMECS lần thứ 8 và HNCC CLMV lần thứ 9 đã một lần nữa khẳng định tinh thần chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững của tiểu vùng Mekong.